Cử tri các tỉnh Ninh Bình, Thái Bình, Quảng Ngãi, Tiền Giang, Vĩnh Long, TP. Hồ Chí Minh đề nghị Nhà nước xem xét tăng lương với tỷ lệ cao hơn cho nhóm đối tượng những người nghỉ hưu từ năm 1993 trở về trước, đồng thời, nghiên cứu việc điều chỉnh mức tăng 8% đồng loạt cho người nghỉ hưu dẫn đến người lương cao càng cao, người lương thấp càng thấp như hiện nay.
Cử tri các tỉnh Cà Mau, Hải Dương, thành phố Đà Nẵng cho rằng đối tượng cán bộ, công chức, viên chức nghỉ hưu từ ngày 1/1/2015 trở lại đây không được tăng 8% trợ cấp là không phù hợp. Cử tri các tỉnh đề nghị Chính phủ xem xét lại quy định này và điều chỉnh theo hướng tăng đều cho các đối tượng.
Theo ý kiến cử tri thành phố Đà Nẵng, tỉnh An Giang, mức tăng lương bằng nhau cho các đối tượng dẫn đến những người về hưu trước đây có mức lương thấp, hiện nay có tăng cũng không thể đáp ứng được nhu cầu của cuộc sống, không theo kịp những người về hưu sau có mức lương cao hơn. Cử tri tiếp tục kiến nghị, Chính phủ nên xem xét, quan tâm có chế độ hỗ trợ thêm hàng tháng đối với các đối tượng về hưu trước đây có mức lương thấp trong thời gian tới.
Cử tri TP. Hà Nội cho rằng mức chênh lệch lương giữa người đang công tác trong ngành giáo dục với những người đã nghỉ hưu trong ngành giáo dục nhất là những người đã nghỉ hưu giai đoạn trước năm 1990 là quá lớn, đề nghị cơ quan liên quan nghiên cứu, điều chỉnh nâng mức lương cho giáo viên đã nghỉ hưu.
Theo ý kiến cử tri các tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên, những người công tác lực lượng vũ trang về hưu thì lương hưu rất cao (có người hưởng lương hưu trên 10 triệu đồng) nên việc điều chỉnh tăng lương 8% thì mức lương hưu lại càng tăng cao, còn đối với những người công tác ở cấp xã, những người về hưu trước những năm 1990 và người hưởng chế độ trợ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng thì mức tăng thêm không đáng kể. Cử tri đề nghị quan tâm hơn nữa đối với đối tượng này.
Cử tri các tỉnh Quảng Bình, Khánh Hòa đề nghị Chính phủ nghiên cứu có phương án lấy một mức trung bình chung để áp dụng việc tăng lương hưu, như tăng 300.000 đồng (đ), 500.000đ cho tất cả các đối tượng hưởng lương hưu vừa góp phần cải thiện đời sống các đối tượng có mức lương thấp vừa đảm bảo công bằng.
Cử tri tỉnh Long An kiến nghị về việc những sĩ quan quân đội vào miền Nam chiến đấu trước đây đã nghỉ hưu, hưởng lương quá thấp so với những người hưởng lương hưu sau này. Cử tri cho rằng sự chênh lệch này là không đáng có, gây ra sự bất bình đẳng. Kiến nghị có sự điều chỉnh hợp lý.
Cử tri tỉnh Bình Định đề nghị các Bộ, cơ quan liên quan khẩn trương xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định về điều chỉnh tiền lương năm 2015 theo hướng quan tâm đến người về hưu trước tháng 3/1993 (điều chỉnh tăng từ 10- 12%).
Về nội dung kiến nghị của các cử tri nêu trên có chung nội dung về chính sách điều chỉnh lương hưu nói chung và lương hưu đối với những người nghỉ hưu trước tháng 4/1993 có mức lương hưu thấp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trả lời như sau:
Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm tới đời sống của những người nghỉ hưu, trong đó có người nghỉ hưu trước tháng 4/1993. Trong giai đoạn 2003-2007, Chính phủ đã 5 lần điều chỉnh lương hưu với mức tăng từ 164,8% đến 228,8% (tuỳ thuộc vào mức lương khi nghỉ hưu và thời điểm nghỉ hưu) so với mức lương hưu của tháng 12/2002, trong đó người nghỉ hưu trước tháng 9/1985 và trước tháng 4/1993 được điều chỉnh với tỷ lệ cao hơn những người nghỉ hưu ở giai đoạn từ tháng 4/1993 trở về sau.
Trong giai đoạn từ năm 2008 đến nay, Chính phủ cũng đã 8 lần điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng với mức tăng thêm 178% so với cuối năm 2007.
Năm 2015, thực hiện Nghị quyết số 78/2014/QH13 ngày 10/11/2014 của Quốc hội về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 09/2015/NĐ-CP ngày 22/1/2015 về điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng đối với cán bộ xã đã nghỉ việc và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư số 05/2015/TT-BLĐTBXH ngày 2/2/2015 hướng dẫn điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng theo Nghị định số 09/2015/NĐ-CP. Theo đó, từ ngày 1/1/2015, mức lương hưu của người nghỉ hưu được điều chỉnh tăng thêm 8% trên mức lương hưu của tháng 12/2014.
Qua quá trình triển khai thực hiện việc điều chỉnh lương hưu qua các thời kỳ như trên, đời sống của người nghỉ hưu từng bước được cải thiện. Tuy nhiên, vẫn còn sự chênh lệch về mức lương hưu của người hưởng lương hưu, khoảng 20% số người nghỉ hưu trước tháng 4/1993 có mức lương hưu dưới 2,5 triệu đồng/tháng, khoảng 57% số người nghỉ hưu trước tháng 4/1993 có mức lương hưu từ 2,5 triệu đồng/tháng đến dưới mức lương hưu bình quân, một bộ phận người nghỉ hưu trước tháng 4/1993 còn nhiều khó khăn. Đồng thời, việc điều chỉnh cùng tỷ lệ giữa những người có mức lương hưu thấp và người có mức lương hưu cao nên số tiền tuyệt đối tăng thêm là khác nhau, phát sinh chênh lệch về mức lương hưu giữa người nghỉ hưu trước và sau thời điểm điều chỉnh (1/1/2015) như nội dung phản ánh ý kiến của cử tri.
Hiện tại, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội đang phối hợp với các Bộ, ngành triển khai thực hiện việc rà soát, nghiên cứu và xây dựng phương án xử lý đối với mức lương hưu của người có mức lương hưu thấp theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 9421/VPCP-KTTH ngày 24/12/2014 và ý kiến của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh tại Công văn số 5946/VPCP-KTTH ngày 29/7/2015 của Văn phòng Chính phủ, để báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định; đồng thời đối với những người nghỉ hưu từ ngày 1/1/2015 trở đi không thuộc đối tượng điều chỉnh lương hưu theo Nghị định số 09/2015/NĐ-CP và Thông tư số 05/2015/TT-BLĐTBXH cũng sẽ được xem xét điều chỉnh với tỷ lệ thích hợp ở lần điều chỉnh tiếp theo.