Cũng lần đầu tiên, cụm từ “xây dựng chính phủ liêm chính” vang lên tại phiên họp này, định hướng cho một xu thế quản lý xã hội, quản trị bộ máy, tăng cường kỷ cương, phép nước. Với việc PCTN “phải thực chất, từ những việc nhỏ nhất” đủ thấy trong thời gian vừa qua, cái được coi là “quốc nạn” này mà việc đối phó chỉ là hình thức, hiệu quả không cao. Cũng đáng lưu ý là việc không bỏ qua những hành vi tham nhũng, dù nhỏ, thì đó cũng là việc làm thực chất, bổ sung và là điểm tựa với việc siết chặt kỷ cương ở tầm vĩ mô, từ thể chế, tổ chức đến sử dụng đội ngũ cán bộ, từng con người cụ thể.
Khi Thủ tướng đã quán triệt những thành viên Chính phủ “không đặt bút ký” vào quyết định có biểu hiện của “lợi ích nhóm, được đặt trước” là đã mặc nhiên thừa nhận có tình trạng này và hiện tại phải kiên quyết loại bỏ nó, chí ít là “biết từ chối”.
Những chữ ký vào các dự án “làm nghèo đất nước” gần như một hiện tượng phổ biến mà có một loạt các minh chứng hiển hiện trong thực tế như các nhà máy nghìn tỷ thành đống sắt vụn hay những khu đất “vàng” bị bỏ hoang. Còn nhiều lắm công trình “sống dở, chết dở”, đội vốn nhiều lần, “bỏ thì thương, vương thì tội”, góp phần tích cực đẩy nợ công tăng cao.
Ngay cả những dự án nhỏ, phục vụ dân sinh nhưng ngốn ngân sách hàng nghìn tỷ đồng mà không thể sử dụng hoặc vừa nghiệm thu đã hỏng do thiếu sự giám sát, quan tâm đúng mức. Chưa có cuộc khảo sát, kiểm tra nào đánh giá những dự án dưới 5 tỷ được chủ tịch huyện “chỉ định thầu” phát huy tác dụng phục vụ dân sinh được bao nhiêu, chỉ có cuộc “nghiệm thu” của thiên nhiên là thấy rõ: Khi khô hạn ở một tỉnh, tất cả các công trình cấp nước của tỉnh này đều vô dụng! Một chính phủ thiếu liêm chính thì tất nhiên, tiền của của nhân dân, Nhà nước sẽ biến thành của tư nhân mà thôi.
Xây dựng Chính phủ liêm chính là mong mỏi chính đáng của mọi người dân. Nhân dân có quyền kỳ vọng vào sự liêm chính của Chính phủ nhiệm kỳ mới, bắt đầu từ những việc làm cụ thể và thiết thực nhất.