“Chính phủ sẽ thực hiện tốt 3 khâu đột phá chiến lược”

 Trong 3 khâu đột phá của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2001 – 2010 mà Đại hội Đảng XI đã xác định (hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phát triển nguồn nhân lực và xây dựng kết cấu hạ tầng), ngành Tư pháp đang có điều kiện và vai trò quan trọng để góp phần thực hiện thắng lợi đột phá về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và phát triển nguồn nhân lực cho sự nghiệp phát triển đất nước...

Trong 3 khâu đột phá của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2001 – 2010 mà Đại hội Đảng XI đã xác định (hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phát triển nguồn nhân lực và xây dựng kết cấu hạ tầng), ngành Tư pháp đang có điều kiện và vai trò quan trọng để góp phần thực hiện thắng lợi đột phá về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và phát triển nguồn nhân lực cho sự nghiệp phát triển đất nước.
Quan điểm chỉ đạo đưa ra ngay sau khi tái đắc cử của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tiếp tục là động lực cho ngành Tư pháp trong quá trình thực hiện nhiệm vụ này.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng- ảnh TL
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng- Ảnh: T.L.

Sau khi được Quốc hội khóa XIII tín nhiệm bầu tiếp tục giữ cương vị Thủ tướng Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nêu nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ nhiệm kỳ 2011 - 2016 qua bài viết có chủ đề: “Thực hiện tốt 3 khâu đột phá chiến lược mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đề ra là nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ nhiệm kỳ 2011 – 2016”. 

Trong bài viết của mình, Thủ tướng khẳng định: Đại hội toàn quốc lần thứ XI của Đảng đã đề ra Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020 với mục tiêu tổng quát là: "Phấn đấu đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; chính trị - xã hội ổn định, dân chủ, kỷ cương, đồng thuận; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt; độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững; vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế tiếp tục được nâng lên; tạo tiền đề vững chắc để phát triển cao hơn trong giai đoạn sau".

 Để tạo tiền đề thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ này, Chiến lược xác định phải đột phá vào ba khâu yếu, hiện đang là những điểm nghẽn, cản trở sự phát triển và nếu giải quyết tốt các khâu này sẽ tạo xung lực mới có sức lan toả mạnh, giải phóng mọi tiềm năng, khai thác có hiệu quả các nguồn lực cho phát triển nhanh và bền vững.

Thủ tướng khẳng định: Tập trung giải quyết các đột phá chiến lược, tạo tiền đề tái cấu trúc nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng là nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ nhiệm kỳ 2011 – 2016. Về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trọng tâm là tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng và cải cách hành chính, Thủ tướng nhấn mạnh: “Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2011 - 2020 xác định: Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường đồng bộ và hiện đại là tiền đề quan trọng để thúc đẩy quá trình tái cấu trúc nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô”.

Cũng theo người đứng đầu Chính phủ: “Nhiệm vụ đặt ra trong nhiệm kỳ 2011 - 2016 là phải tiếp tục hoàn thiện các cơ chế chính sách để các loại thị trường hàng hóa, dịch vụ, tài chính, chứng khoán, bất động sản, lao động, khoa học công nghệ được tạo lập đồng bộ và vận hành thông suốt, có tính cạnh tranh cao và gắn kết ngày càng tốt hơn với thị trường thế giới, được quản lý và giám sát hiệu quả…”

Thủ tướng cam kết: “Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, thực hiện nguyên tắc “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” theo đúng vai trò nhân dân là chủ nhân của quá trình phát triển, nhất định chúng ta sẽ thực hiện tốt ba đột phá chiến lược, tạo tiền đề có tính quyết định thực hiện thắng lợi Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 – 2020”.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng: “Nâng cao trách nhiệm”

Là tân Chủ tịch Quốc hội khóa XIII, trong bài phát biểu nhận nhiệm vụ trước Quốc hội, thay mặt Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng khẳng định, ông nhận thức sâu sắc rằng đây là niềm vinh dự to lớn và cũng là trách nhiệm cao cả, nặng nề mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Ông cam kết sẽ cùng tập thể Quốc hội “đoàn kết, thống nhất, tiếp tục đổi mới, phát huy trí tuệ, nâng cao trách nhiệm trước nhân dân để thực hiện tốt các nhiệm vụ, quyền hạn mà Hiến pháp và pháp luật quy định, góp phần xây dựng Quốc hội xứng đáng với vị trí là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.

Hồng Thúy

Đọc thêm