Theo phản ánh của các cơ quan chức năng TP HCM, tính đến tháng 6/2016, toàn thành phố có gần 12.000 người nghiện ma túy có nơi cư trú ổn định, trong đó có 841 người đang thực hiện cai nghiện tại gia đình và cộng đồng. Tuy nhiên, một trong những khó khăn mà TP HCM đang gặp chính là quy định chỉ cho phép thực hiện các biện pháp cai nghiện bắt buộc đối với người nghiện từ 18 tuổi trở lên. Đây là quy định không phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.
Thống kê của Công an thành phố cho thấy, trong tổng số 12.000 người nghiện tại TP HCM thì số lượng dưới 18 tuổi chiếm tỷ lệ khá lớn. Nếu không có biện pháp xử lý phù hợp đối với các đối tượng nêu trên sẽ khiến số lượng người nghiện tại cộng đồng gia tăng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ phát sinh các vụ việc phức tạp. “Tình trạng người nghiện ma túy trên địa bàn TP HCM vẫn đang diễn biến phức tạp, làm phát sinh tình trạng cướp, cướp giật ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân”, một lãnh đạo TP HCM từng bày tỏ lo ngại.
Thực trạng trên cũng là bài toán đau đầu của không ít địa phương trong một thời gian khá dài, kể từ khi Luật Xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực thi hành (ngày 1/1/2014). Theo đó, các địa phương chưa đưa được người nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện bắt buộc mà chủ yếu đưa người nghiện vào theo hồ sơ cũ còn tồn đọng.
Điều này dẫn đến số người nghiện ma túy trong cộng đồng tăng lên, ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự an toàn xã hội. Số liệu thống kê cũng cho thấy, có đến 18 địa phương tăng số người nghiện nhưng chưa đưa được vào cơ sở cai nghiện bắt buộc vì Bộ Y tế chưa ban hành hướng dẫn tiêu chuẩn chẩn đoán nghiện ma túy. Đáng chú ý, tình hình nghiện ma túy tổng hợp lại có xu hướng gia tăng, ngày càng phức tạp nhưng vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể về xác định người nghiện ma túy tổng hợp và phác đồ điều trị nghiện ma túy tổng hợp.
Trước tình hình trên, Chính phủ đã vào cuộc tháo gỡ vướng mắc. Trong một cuộc họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã yêu cầu các bộ, ngành khẩn trương hoàn thiện, ban hành văn bản pháp lý hướng dẫn thủ tục xác định tình trạng nghiện ma túy; tổ chức cai nghiện tại cộng đồng, gia đình; xử lý hành chính tại xã, phường, đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc…
Các thông tư, văn bản hướng dẫn phải đảm bảo tính khả thi, thông suốt, quy trách nhiệm cụ thể từng ngành, từng cơ quan trong quá trình thực hiện công tác cai nghiện, ngay từ cấp cơ sở. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu, các Bộ Y tế, Tài chính, Lao động – Thương binh và Xã hội phải ban hành ngay thông tư, văn bản hướng dẫn liên quan đến quy định khung giá dịch vụ điều trị Methadone…
Từ thực tiễn của TP HCM, nhiều ý kiến cho rằng, trước hết cần tập trung nghiên cứu toàn diện các quy định pháp luật, từ đó kiến nghị Trung ương bổ sung, sửa đổi Luật Phòng chống ma túy. Theo đó, bỏ hình thức quản lý người sau cai nghiện; đối với các đối tượng nghiện ma túy dưới 18 tuổi cần có biện pháp xử lý bằng cách tập trung riêng vào cơ sở giáo dục để phục hồi sức khỏe...
Bên cạnh đó, cần xác định thời gian cụ thể với những đối tượng nghiện bỏ trốn khỏi địa phương để chuyển sang xử lý tương tự các trường hợp người nghiện không có nơi cư trú. Thành phố cần kiến nghị các bộ, ngành trung ương xem xét đơn giản hóa một số giấy tờ, thủ tục, cũng như rút ngắn thời gian xác định tình trạng nghiện, tránh để người người nghiện lợi dụng quy định để tiếp tục sử dụng ma túy mà không bị xử lý.