Ngày càng nhiều vụ bắt giữ ma túy tinh vi từ đầu năm đến nay cho thấy tình hình hoạt động của tội phạm mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy đang diễn biến hết sức phức tạp và khó kiểm soát.
Diễn biến này tỷ lệ thuận với tình trạng người nghiện ma túy ở Việt Nam cũng gia tăng. Theo một thống kê, đến cuối năm 2015, cả nước có hơn 200.000 người nghiện ma túy; trong đó 76% người nghiện ở độ tuổi dưới 35; 60% số người sử dụng ma túy lần đầu dưới 25 tuổi. Trên thực tế, số người nghiện còn lớn hơn nhiều.
Trong các loại ma túy mới, được sử dụng nhiều nhất là ma túy đá. Biểu hiện rõ ràng nhất là những vụ việc xảy ra do các đối tượng “ngáo đá” xuất hiện ngày càng nhiều. Các đối tượng trong trạng thái không tỉnh táo đã gây rối an ninh trật tự, thậm chí gây ra những vụ trọng án khiến dư luận bức xúc.
Nổi lên gần đây nhất là cô gái bị ngáo đá trong tình trạng khỏa thân gây mất trật tự trên đường Yên Thường, Gia Lâm, Hà Nội. Một clip dài hơn 6 phút đã ghi lại cảnh cô gái này trong tình trạng khỏa thân, thản nhiên đi lại trên đường bất chấp nhiều ánh mắt kinh ngạc.
Có lúc, cô gái còn lấy những tấm vải bạt người dân để bên đường để che chắn cơ thể nhưng chỉ được một lát rồi lại tiếp tục đi. Khi thấy một chiếc ô tô đỗ cạnh đó đang mở cửa, cô gái này liền nhảy vào ghế lái, liên tục khua khoắng tay chân ngăn cản những người muốn giúp cô mặc lại quần áo. Khi tỉnh lại, liệu danh dự của cô gái này có còn không?.
Trước đó không lâu, 1 ca sĩ ở Hưng Yên đã lên cơn “ngáo đá” và giết người yêu chỉ vì nghĩ cô này là… quỷ. Anh ta cho rằng cô gái này có lưỡi dài và đang bơm chất độc vào cơ thể mình nên đã ra tay sát hại. Còn tại huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội, một đối tượng trong cơn “ngáo đá” đã dùng dao đâm trọng thương bố mẹ và em trai rồi tự rạch bụng mình, cắt gần hết ruột và nhảy xuống ao tự tử.
Sự rùng rợn khi cơ thể bị ngáo đá
Theo Thiếu tướng Nguyễn Anh Tuấn (Cục trưởng Cục CSĐT tội phạm về ma túy), đáng chú ý là độ tuổi sử dụng ma túy đang ngày càng trẻ hóa. Hầu hết các “con nghiện” đều thử qua ma túy đá, rồi tiếp tục tìm đến các loại ma túy mới như cỏ Mỹ, trà sữa để “đổi mới”.
Nhiều người vẫn cho rằng, ma túy đá không gây nghiện như các loại ma túy khác, tác dụng kích thích của nó chỉ thoáng qua trong cuộc vui và tác hại thì không đáng ngại. Nhưng thực chất ma túy đá nguy hiểm hơn thuốc phiện, Heroin gấp nhiều lần.
Giải thích về tác hại của ma túy đá, bác sĩ Kiều Công Thủy (TS.BS cao cấp Khoa xét nghiệm, Bệnh viện tâm thần TW I) cho biết, có rất nhiều loại ma túy đá, bản chất của các loại ma túy này là chứa chất methamphetamin.
Loại ma túy này được giới sử dụng gọi là đá vì hình dạng bên ngoài trông giống đá - là tinh thể kết tinh thành những mảnh vụn li ti, gần giống với hạt mì chính (bột ngọt) hoặc giống hạt muối và óng ánh giống đá. Ngoài dạng phổ biến trên, ma túy đá còn bán bất hợp pháp trên thị trường dưới các dạng cục, bột, viên nén.
Cỏ Mỹ- một loại ma túy mới đang được giới trẻ ưa chuộng. |
Bác sĩ Thủy cho biết, khi “chơi đá”, cơ thể mỗi người đáp ứng khác nhau. Mỗi người thể hiện hành vi, ảo giác khác nhau. Nhưng nhìn chung họ đều gây nguy hiểm cho những người xung quanh như chém giết người vô cớ, cuồng dâm, hoang tưởng, mất kiểm soát hành vi, nặng hơn sẽ mắc tâm thần và hậu quả cá nhân là suy kiệt thể chất, suy giảm khả năng tình dục và dần dần dẫn đến tình trạng mất trí.
Nhiều trạng thái thậm chí không thể phân biệt được người quen thân, tốt, xấu. Lúc nào họ cũng chỉ có ảo giác người kia là kẻ thù của mình, đang gây hại cho mình nên có hành vi chống trả, chém giết cuồng loạn.
Theo nghiên cứu y học, khi ma túy đá vào cơ thể nó kích thích tế bào thần kinh trung ương tăng sinh nồng độ chất dẫn truyền thần kinh một cách cao độ làm nồng độ chất dopamine, serotonine, cathecholamin tăng vọt.
Khác với thuốc phiện, đa số các dạng ma túy mới chưa có phác đồ điều trị. “Bệnh nhân nghiện ma túy đá không có giai đoạn cai. Người nhà chỉ khi thấy bệnh nhân có dấu hiệu rối loạn tâm thần mới đem đến trung tâm cai nghiện để điều trị. Nếu người bệnh có quyết tâm thì việc điều trị có thể trong 1 tháng, nhưng cơ thể bị tổn hại như hỏng răng, lợi, da thì còn cần thêm nhiều thời gian để điều trị.
Mà đa số những người nghiện ma túy khi chữa trị xong, trở về với cộng đồng không có việc làm ổn định, bị bạn bè rủ rê lôi kéo sẽ lại tiếp tục nghiện. Vì vậy để chữa trị dứt điểm rất khó, nếu người bệnh không có quyết tâm” – bác sĩ Thủy cho biết thêm.
Ngáo đá và con đường về mịt mù
Cuộc trò chuyện với bác sĩ Thủy làm tôi nhớ lại chị Hương L (Hà Nội), con gái của bác Lân – Phúc gần sát vách nhà tôi. Tháng trước tôi có gặp lại chị, tôi không nghĩ chị đã thay đổi nhiều đến vậy sau 7 năm lăn lộn với ma túy đá.
Thân hình chị gầy rộc, nước da đen xạm, đôi mắt hốc hác, chị đi vật vờ và cúi gằm xuống không dám nói chuyện, chào hỏi ai. Ngày trước, gia đình chị sống rất hòa thuận, yên ấm, chan hòa với hàng xóm. Rồi một ngày bố chị nghe ai kể mẹ chị có người khác.
Bố chị lâm vào cảnh say rượu tối ngày, cứ 1 tuần 2 bữa ông lại lôi chai rượu ra đập phá tủ đựng giò chả của mẹ chị khiến bà không thể buôn bán nổi. Cửa hàng cứ ế ẩm dần vì khách không dám mua. Ngán cảnh gia đình tan nát, chị L bỏ đi theo bạn trai kiếm tiền khi mới học cấp 3.
Ma túy đá và điếu tự chế. |
Ngày đó, bà Lân kể, chị cứ đi mải miết hàng tháng trời, dăm ba bữa lại thấy xuất hiện ở nhà. Mỗi lần chị xuất hiện, bà lại thấy chị gầy rộc đi, mắt hốc hác, tinh thần mỏi mệt, nhưng chị vẫn có tiền đưa cho bà 2 – 3 triệu chi tiêu.
Gặng hỏi thì chị nổi cáu rồi lại xách túi bỏ nhà đi, bỏ lại bà xót xa đau đớn. Bố chị vẫn chìm trong men rượu cho đến một ngày rời xa cõi đời vì tai biến mạch máu não. Ngày đưa tang, chị chỉ về đúng vài tiếng đồng hồ, không nhỏ một giọt nước mắt rồi bỏ đi.
Một năm sau, chị dắt anh M. về nhà xin làm đám cưới vì bụng đã mang bầu 5 tháng. Bà Lân bấm bụng vay mượn tổ chức đám cưới cho 2 con, khuyên 2 con ở lại xây dựng gia đình. Nhưng hạnh phúc chưa xây đắp được bao lâu, bà ngã ngửa khi thấy cán bộ công an đến thông báo anh M. đến hạn phải đi tù vì đã đủ 18 tuổi.
Chị L. cũng chán nản rồi bỏ đi theo đám bạn cũ, bỏ lại đứa con chưa đầy 1 tuổi cho bà ngoại nuôi. Gia đình bà ở nhà thì vật lộn với cuộc sống còn đứa con gái thì cứ bỏ đi biền biệt. Rồi hàng xóm mách bà chị L đang “đập đá” ở một quán karaoke.
Bà lao đến đó thì thấy con gái đang trần truồng cùng đám thanh niên. Chị L tóc tai xõa xượi, mắt lờ mờ, chỉ chực lao đến sờ soạng người khác, miệng la hét, chửi bới. Sau lần đó, bà đem chị L. đến trung tâm cai nghiện.
Được hơn 1 năm, chị L ra trại, nhưng chị chẳng trở về được bao lâu lại bỏ đi theo đám bạn tiếp tục “đập đá”. Nhiều năm trời chị cứ như vậy, có người nói chị đi làm gái, có người nói gặp chị ngồi sau xe của 2 thanh niên vào quán bar ở dốc Bắc Cổ.
Từ một cô gái với nước da trắng hồng, mái tóc dài đen nhánh, khuôn mặt tròn phúc hậu, chị L. đã trở thành “con nghiện”, “kẻ ngáo đá” ở xóm. Thi thoảng mọi người thấy chị L. trở về xin tiền mẹ, sau đó chị lại mất hút.
Anh M. sau 1 năm ra tù cũng không trở về mái nhà với chị nữa. Còn thằng Bo (con của chị, nay đã 5 tuổi), khi gặp ai hỏi về cha, mẹ, nó thường nói cộc lốc: “Cháu không biết. Chúng nó đi đập đá rồi…!”.