Chinh phục thị trường thương mại điện tử Trung Quốc: Chậm nhưng chắc

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Với lợi thế khoảng cách địa lý, Việt Nam có nhiều điều kiện để chinh phục thị trường tỷ dân của Trung Quốc, đặc biệt trong giai đoạn thương mại điện tử (TMĐT) bùng nổ hiện nay. Tuy nhiên, do đây không còn là thị trường dễ tính nên doanh nghiệp (DN) Việt sẽ phải đầu tư nhiều hơn để chiếm lĩnh thị trường này.
Văn phòng vận hành GHQG trên sàn JD đang chuẩn bị các bước giúp hàng Việt chinh phục thị trường Trung Quốc.

Văn phòng vận hành GHQG trên sàn JD đang chuẩn bị các bước giúp hàng Việt chinh phục thị trường Trung Quốc.

Tận dụng lợi thế gian hàng quốc gia

Bà Nguyễn Thị Minh Huyền - Phó Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết, TMĐT xuyên biên giới là hình thức nhanh nhất, cho phép DN bán hàng trực tuyến đến các thị trường toàn cầu một cách dễ dàng hơn, vừa giúp DN mở rộng phạm vi tiếp cận khách hàng vừa giúp giảm chi phí vận chuyển và tiết kiệm thời gian. Tuy nhiên, để tham gia vào cuộc chơi lớn mang tầm quốc tế thì DN cũng gặp nhiều khó khăn, thách thức.

Do đó, Chương trình gian hàng Việt trên các sàn TMĐT nói chung, trên sàn TMĐT Trung Quốc nói riêng sẽ giúp các DN Việt có thể phát huy các điểm mạnh và giải quyết các thách thức gặp phải trong quá trình tham gia TMĐT xuyên biên giới. Cục đã nghiên cứu và dự kiến sẽ phối hợp với một số sàn TMĐT tổ chức những chương trình kết nối ngay tại thị trường Trung Quốc để các DN Việt có thể làm việc trực tiếp với các nhà phân phối trên các nền tảng TMĐT, các công ty vận hành TMĐT và phát triển thương hiệu tại Trung Quốc.

Theo bà Huyền, các DN Việt hiện nay đã nắm bắt được cơ bản các quy trình vận hành TMĐT, các quy định chung về TMĐT của Trung Quốc để có những bước triển khai thúc đẩy bán hàng dưới danh nghĩa các thương hiệu Việt như Sao Thái Dương, Cà phê Sài Gòn, Sản phẩm Dừa Vicosap, các loại bánh của Việt Nam nổi tiếng ở thị trường Trung Quốc như Lipo, Tipo, cà phê các loại, bánh pía, mỳ miến phở của Việt Nam…

Bà Nguyễn Thị Diễm Hằng - Chủ tịch HĐQT VinaNutriFood, đơn vị được giao quản lý vận hành Gian hàng Quốc gia (GHQG) Việt Nam trên sàn JD (thuộc top 3 sàn TMĐT lớn nhất Trung Quốc) cho biết, hiện VinaNutriFood mới bố trí, sắp xếp xong văn phòng tại Đông Hưng (Trung Quốc) và chuẩn bị chạy GHQG Việt Nam chính thức trên sàn JD.

Chia sẻ về nguyên nhân chậm trễ thực hiện gian hàng sau hơn 1 năm được giao nhiệm vụ, bà Hằng cho biết, thời gian qua đơn vị vận hành gian hàng vẫn làm việc với Trung Quốc nhưng không gửi được mẫu sản phẩm sang nước bạn vì họ áp dụng chính sách “zero COVID”. Trong khi đó, DN Việt không đủ lực để gửi nguyên một container mẫu sang vì quá tốn kém chi phí và cũng chưa có kho để lưu hàng mẫu. Dự kiến khoảng 2 tháng nữa GHQG Việt Nam sẽ chính thức ra mắt.

Ngay sau khi Bộ Công Thương tổ chức công bố thông tin về GHQG Việt Nam trên sàn JD, đã có khoảng 300 DN (với các sản phẩm OCOP, đặc sản vùng miền…) gửi mẫu mã sản phẩm, cataloge giới thiệu đến. Tuy nhiên, trước mắt VinaNutriFood chỉ đưa những DN đã có mã HS (mã hải quan), tức là đã có giao thương với Trung Quốc vào GHQG. Còn những sản phẩm chưa từng xuất khẩu thì “hơi khó” vì chất lượng, mẫu mã bao bì hàng Việt Nam của DN nhỏ và vừa hiện vẫn còn khá yếu.

“Nếu xuất hàng thô thì không có vấn đề gì nhưng xuất hàng có bao bì mẫu mã sang Trung Quốc thì khá khó, ngang với châu Âu. Chúng tôi hiện đang chuẩn bị cho hơn 10 DN cà phê chuẩn bị bán hàng trước. Sau đó, sẽ dần dần hướng dẫn các DN có nhu cầu, bắt đầu từ khâu chuẩn bị mẫu mã, bao bì, chất lượng sản phẩm để cùng nhau chinh phục thị trường tỷ dân này” - bà Hằng nói

Đăng ký sở hữu trí tuệ tại thị trường tiêu thụ

Phó Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số Nguyễn Thị Minh Huyền cho biết, với đặc thù cao của TMĐT cũng như của thị trường Trung Quốc, các DN Việt gặp một số khó khăn nhất định khi tham gia bán hàng trên sàn TMĐT nước ngoài như rào cản về ngôn ngữ và năng lực hiểu sâu về thị trường; DN Việt còn chưa thuần thục với phương thức bán hàng TMĐT xuyên biên giới.

Do đó, để khắc phục những khó khăn ban đầu của các DN Việt, tạo điều kiện cho DN mở rộng thị trường xuất khẩu và quảng bá hàng hoá tại Trung Quốc qua TMĐT, Cục đã tìm kiếm và kết nối các nhà nhập khẩu TMĐT cũng như công ty chuyên kinh doanh trên các nền tảng trực tuyến tại thị trường Trung Quốc để giới thiệu cho DN Việt làm quen, học hỏi.

“Tôi tin với năng lực kinh nghiệm vận hành TMĐT chuyên nghiệp tại thị trường Trung Quốc, với tệp khách hàng sẵn có và kinh nghiệm phát triển thị trường đối với các thương hiệu nước ngoài, các đơn vị này sẽ hợp tác trực tiếp với các thương hiệu Việt Nam để phát triển và mở rộng thị trường trong những bước ban đầu, giúp các thương hiệu Việt Nam vào thị trường Trung Quốc qua các TMĐT một cách thuận lợi hơn, bài bản hơn” - bà Huyền nói.

Bà Diễm Hằng cũng thông tin, hiện VinaNutriFood đã áp dụng AI (trí tuệ nhân tạo) để các đơn vị bán hàng trên GHQG Việt Nam trả lời khách hàng, bởi ở thị trường Trung Quốc, đôi khi trả lời chậm cũng bị đánh giá 1* và nếu bị đánh dấu 1* thì cơ hội chinh phục khách hàng gần như không còn. Bên cạnh đó, các đơn vị cũng đang được hỗ trợ gấp rút hoàn thiện mẫu mã bao bì bằng tiếng Trung. Đáng chú ý, trước khi chính thức ra mắt GHQG Việt Nam trên sàn JD, các DN Việt đang được tư vấn cần đăng ký sở hữu trí tuệ trước khi đưa hàng lên sàn để tránh trường hợp có hàng giả hoặc có đơn vị ở thị trường tiêu thụ đăng ký thương hiệu của DN khi thấy thương hiệu có tiềm năng.

“Đáng mừng là DN Việt không vội vã với phương thức TMĐT xuyên biên giới này vì khi xuất khẩu, đa phần DN Việt đều ý thức được việc bán hàng chậm nhưng chắc. Bởi nếu vội vàng, phản hồi về hàng hóa nhận về không tốt thì khả năng sửa lại rất khó, chưa kể khách hàng Trung Quốc có thể đưa thương hiệu vào blacklist (danh sách đen) thì mọi nỗ lực đều đổ sông, đổ bể” - bà Hằng chia sẻ với PLVN.

Đọc thêm