Chính quyền, nhà xe bị chuyển khỏi bến Mỹ Đình cùng… “kêu trời”

Ít nhất đã có hai tỉnh là Lai Châu và Sơn La phải “kêu trời” vì kế hoạch điều chuyển phương tiện ra khỏi bến xe Mỹ Đình vào các bến xe khác của Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội…

Ít nhất đã có hai tỉnh là Lai Châu và Sơn La phải “kêu trời” vì kế hoạch điều chuyển phương tiện ra khỏi bến xe Mỹ Đình vào các bến xe khác của Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội…

Bến xe Mỹ Đình

Tác động xấu đến người nghèo

Văn bản do Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Lai Châu Phạm Ngọc Phương ký nói rằng, cách làm nói trên sẽ “tác động xấu đến việc đi lại của nhân dân cho chi phí đi lại tăng cao, tăng lãng phí cho xã hội, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, đời sống của người dân miền núi”.

Theo đó, đại diện của Lai Châu cho hay, hành khách đi tuyến Mỹ Đình – Lai Châu chủ yếu là học sinh, sinh viên, người dân tộc ở vùng sâu vùng xa đi khám chữa bệnh, thăm thân nhân… tại Hà Nội, chủ yếu quanh khu vực Mỹ Đình và các quận nội thành. Hành trình Lai Châu – Hà Nội là hành trình chỉ có 12 chuyến/ngày, chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với tổng số chuyến tại bến xe Mỹ Đình, lại được khai thác vào ban đêm nên không gây ùn tắc.

Cũng giống như tỉnh “hàng xóm” Lai Châu, để người dân không bị thua thiệt, tại văn bản số 846, Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La Cầm Ngọc Minh cũng đã đề nghị UBND TP.Hà Nội chỉ đạo Sở GTVT xem xét lộ trình hợp lý khi chuyển tuyến vận tải hành khách từ Sơn La đến bến xe Mỹ Đình về bến Yên Nghĩa.

Ông Cầm Ngọc Minh cho hay, việc thông thương với Hà Nội của Sơn La chỉ bằng phương tiện duy nhất là vận tải đường bộ. Mỗi ngày, tỉnh này có 41 chuyến xe đến bến Mỹ Đình, 28 chuyến bến Yên Nghĩa và 4 chuyến về bến Giáp Bát với khoảng 2000 lượt khách.

Trong khi đó, theo ông Minh, hành khách của Sơn La về Hà Nội chủ yếu là đi khám bệnh, thăm người thân, người lao động đi làm ăn, học sinh, sinh viên… nên việc đi lại trên tuyến thường có nhiều hành lý, đồ dùng cá nhân. Ông Minh lo ngại, những “yếu tố” đó sẽ gây ra nhiều khó khăn cho người dân trong việc đi lại bằng xe buýt từ bến xe Yên Nghĩa vào trung tâm TP. Hà Nội.

Trong khi đó, hàng loạt DN khai thác tuyến xe khách Mỹ Đình ở các tỉnh Nam Định, Thanh Hóa, Thái Bình, Nghệ An … đã có đơn cầu cứu hoặc kiến nghị gửi Bộ GTVT, UBND Tp. Hà Nội phản ánh sự bất bình khi các tuyến xe cố định của họ bị điều chuyến khỏi bến Mỹ Đình.

“Các DN đăng ký “lốt” tại bến xe Mỹ Đình đã chịu lỗ hàng tỷ đồng trong những năm đầu bến xe mới đi vào hoạt động, nay mới đi vào hoạt động ổn định, kinh doanh chưa bù được lỗ lại bị Sở GTVT Hà Nội điều chuyển đến bãi mới. Việc làm này đang đẩy các DN vận tải vào con đường phá sản trong tình hình kinh tế khó khăn hiện nay”, trích đơn kêu cứu của các nhà xe tỉnh Thanh Hóa.

Phủ nhận “tiêu cực, tham nhũng”

Tại báo cáo mới nhất gửi Thủ tướng Chính phủ, UBND Tp. Hà Nội cũng đã lên tiếng xung quanh những vấn đề liên quan đến việc điều chuyển phương tiện ra khỏi bến xe Mỹ Đình sang các điểm khác.

Theo đó, sau những nỗ lực đưa bến xe này vào khuôn khổ, đến nay tình hình ùn tắc và mất trật tự an toàn giao thông tại khu vực bến xe Mỹ Đình đã chấm dứt, không còn hiện tượng xe dù, các tụ điểm đón trả khách trái phép, các xe vòng vo đón trả khác, chạy sai hành trình…

Đặc biệt, trước các cáo buộc có “tiêu cực, tham nhũng”, văn bản của UBND Tp. Hà Nội gửi Thủ tướng khẳng định qua kiểm tra của Sở GTVT thì “chưa phát hiện tham nhũng như phản ánh”.

Theo Hiệp hội vận tải Hà Nội, đến nay bến xe Mỹ Đình vẫn hoạt động bình thường, không có chuyện “vỡ trận”. Hiệp hội này cũng đồng tình với việc giảm tải bến xe Mỹ Đình nhưng cần phải có lộ trình công khai, lấy ý kiến của các bên liên quan để tạo sự đồng thuận.

Theo quy hoạch của UBND Tp. Hà Nội về việc phê duyệt mạng lưới các điểm đỗ xe và bãi đỗ xe công cộng trên địa bàn thành phố đến năm 2020, bến xe khách Mỹ Đình có quy mô 3,5 ha và được giao cho Tổng công ty vận tải Hà Nội làm chủ đầu tư. Nhưng đến nay, quy mô khai thác của bến xe này mới chỉ đạt 1,98ha nên không đáp ứng nhu cầu đi lại tăng nhanh mới dẫn đến tình trạng quá tải.

Việt Hưng

Đọc thêm