Nham nhở một vùng quê
Những ngày cuối tháng 7, đầu tháng 8/2020 ở nhiều địa điểm thuộc huyện Đạ Huoai (tỉnh Lâm Đồng) nhộn nhịp như những công trường khai thác đất, xe cộ ra vào tấp nập, cho dù bây giờ đang mùa mưa. Tại hàng chục ngọn đồi thuộc thị trấn Madaguôi, xã Madaguôi, xã Đạ Oai bị máy múc miệt mài móc đất, xúc lên xe ben tỏa đi khắp nơi. Nhiều quả đồi đã biến mất, còn lại chỏm nhỏ. Đất đá chảy vàng đỏ cả vùng.
Dọc con đường Điện Biên Phủ (đường vành đai của thị trấn Madaguôi) đất chảy tràn xuống đường. Phía khu vực đường vành đai sau chùa Khánh Hỷ, cần cuốc hối hả múc lên xe ben chở xuống huyện Tân Phú (tỉnh Đồng Nai). Thông tin từ cư dân sống gần đây, khu vực đồi này do một nhóm khai thác đất thường xuyên chở ra khỏi tỉnh Lâm Đồng.
|
Ngọn núi ngay thị trấn Madaguôi bị san phẳng, chỉ trơ lại một chỏm nhỏ như thách thức dư luận |
|
Hàng trăm ngọn núi ở khu vực này nhanh chóng biến mất trước nạn khai thác vô tội vạ |
Trong xã Madaguôi, con đường Liên xã chạy vào Đạ Tồn vừa được tráng nhựa vài năm liên tục chịu đựng những chiếc xe thùng 3 – 4 giò chở đất sét cũng đi xuống Đồng Nai. Ở đây có 3 bãi chứa đất sét của một doanh nghiệp tên Tuấn Đạt.
Theo thông tin từ UBND huyện Đạ Huoai, doanh nghiệp này mua gom đất sét trong khu vực, sau đó chở về các bãi chứa tại đây. Một phần bán cho các lò gạch, một phần bán về Đồng Nai. Con đường Liên xã Madaguôi – Đạ Tồn sau hàng chục năm hư hỏng xuống cấp, vừa được ngân sách chi tiền làm lại đã có dấu hiệu "sống trâu". Người dân sống hai bên đường lo lắng con đường sẽ hỏng khi mùa mưa chưa qua.
Tại ba bãi chứa đất sét, hàng ngàn mét khối nằm tại đây khi có mua lớn, thỉnh thoảng lại tràn ra khắp đường, tràn vào nhà dân sống gần đó. Hiểm họa về tai nạn giao thông cũng luôn rình rập, gây bất an cho cư dân sống hai bên con đường này.
Đi dọc Tỉnh lộ 721 đến khu vực xã Đạ Oai, cảnh tượng khai thác đất cũng sôi động không kém, đồi bị cuốc nham nhở. Thông tin từ các hộ dân, khai thác khu vực này lại là một nhóm khác ở ngoài thị trấn. Tại đầu khu vực xã, chúng tôi tiếp tục phát hiện một bãi trữ đất sét nữa với quy mô lớn.
|
Đất sét, nguồn lợi khổng lồ của doanh nghiệp Tuấn Đạt, huyện Đạ Huoai |
|
Một bãi đất sét nằm sát con đường liên xã như thách thức dư luận |
Lạm dụng chủ trương để trục lợi
Theo thống kê từ các cơ quan quản lý, trong hàng trăm điểm khai thác đất đồi tại ba huyện phía Nam tỉnh Lâm Đồng (Đa Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên) chỉ có 3 doanh nghiệp thuộc huyện Đạ Tẻh là có phép. Phần lớn còn lại đều hoạt động chui, lẩn vào các quy định của tỉnh về san gạt, cải tạo đất để trục lợi, bất chấp những di hại. Trừ trường hợp các hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu chính đáng san gạt, cải tạo mặt bằng để sản xuất nông nghiệp trong phạm vi đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hiện nhiều cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn của ba huyện trên đã lạm dụng việc khai thác đất đá để kinh doanh kiếm lợi nhưng không tuân thủ các quy định về môi trường, khoáng sản…
|
Liệu những quyết định xử phạt của UBND huyện Đạ Huoai đã chạm tới những "ông lớn" khai thác khoáng sản tại địa phương này? |
Cần nói rõ, theo chỉ đạo của UBND tỉnh Lâm Đồng và Sở TN&MT, các hành vi san gạt, cải tạo mặt bằng đối với đất trồng lúa, san gạt, cải tạo mặt bằng thuộc các dự án đầu tư; san gạt, cải tạo mặt bằng xây dựng nhà ở, công trình làm thay đổi hiện trạng đất thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật chuyên ngành… đều bị nghiêm cấm.
Trước đây, UBND tỉnh Lâm Đồng cũng đã cảnh báo: hoạt động san gạt, cải tạo mặt bằng để sản xuất nông nghiệp tại một số địa phương đã gây ra sạt lở đất, lấn chiếm đất, sông, suối, ao, hồ, phá vỡ cảnh quan môi trường xung quanh, gây ô nhiễm môi trường.
Đặc biệt, một số tổ chức, hộ gia đình, cá nhân lợi dụng việc san gạt, cải tạo mặt bằng để khai thác khoáng sản, sử dụng đất san gạt bán làm vật liệu san lấp... gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước tại địa phương và tạo dư luận không tốt trong xã hội. Tuy nhiên lợi dụng việc san gạt để mua bán tài nguyên trái phép và gây ra sạt lở, hư hỏng đường xá … các nơi chúng tôi đi tìm hiểu vẫn diễn ra công khai.
Cơ quan quản lý ở đâu?
Trước tình trạng khai thác đất ồ ạt, vào tháng 9/2019, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có chỉ đạo các huyện thị tăng cường công tác bảo vệ môi trường đối với hoạt động san gạt, cải tạo mặt bằng để sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đồng thời chủ tịch UBND huyện phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu xác nhận các giải pháp bảo vệ môi trường trong san gạt, cải tạo mặt bằng trong sản xuất nông nghiệp hoặc để các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân san gạt, cải tạo mặt bằng sai quy định.
|
Ngọn núi bị cào xé tan hoang |
Trong phân công nhiệm vụ, UBND tỉnh giao cho UBND cấp huyện tiếp tục tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ môi trường khi san gạt, cải tạo mặt bằng trong sản xuất nông nghiệp. Vận động tổ chức, hộ gia đình, cá nhân bảo vệ cảnh quan môi trường. Nghiêm cấm việc san gạt, cải tạo mặt bằng để khai thác đất làm vật liệu san lấp, khai thác khoáng sản trái phép. Đồng thời xử phạt nghiêm các hành vi gây ô nhiễm môi trường trong san gạt , hoặc lợi dụng việc san gạt, cải tạo mặt bằng để khai thác đất làm vật liệu san lấp, khai thác khoáng sản trái phép, vận chuyển đất ra khỏi khu vực san gạt khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép.
Phân công chặt chẽ là thế, tuy nhiên khi trao đổi với lãnh đạo một số địa phương, dường như còn thấy sự thiếu quyết liệt trong việc xử lý các trường hợp vi phạm theo chỉ đạo của UBND tỉnh.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Linh Hoạt, Phó Chủ tịch UBND huyện Đạ Huoai cho biết, trên địa bàn huyện Đạ Huoai, hiện tượng lén lút khai thác đất vẫn xảy ra. “Trong 6 tháng đầu năm, tuy cơ quan chức năng đã chủ động xử lý 29 trường hợp, phạt gần 200 triệu nhưng hiện tượng này vẫn còn” - ông Hoạt cho biết thêm.
|
Chính quyền địa phương ở đâu khi những ngọn núi bị xẻ thịt? |
Sau khi Báo Pháp luật Việt Nam có bài: “Lâm Đồng: Những ngọn núi đang dần biến mất” và bài “Có dấu hiệu buông lỏng quản lý khai thác khoáng sản ở Lâm Đồng”, ngày 11/8, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng có văn bản yêu cầu UBND hai huyện Đạ Tẻh và Đạ Huoai rà soát những khu vực khai thác khoáng sản trái phép và xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức để xảy ra hoạt động khai thác khoáng sản trái phép.
Tuy nhiên, văn bản là vậy nhưng tại các địa phương này, khoáng sản vẫn ngày ngày chảy máu, những ngọn núi được hình thành từ ngàn năm qua đang biến mất trước mắt của người dân cao nguyên Langbiang.