Chính sách bảo hiểm tiền gửi tại tổ chức tài chính vi mô: Đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Hoạt động tài chính vi mô (TCVM) đã khẳng định được vai trò quan trọng trong việc gia tăng mức độ tiếp cận dịch vụ tài chính của người nghèo, người có thu nhập thấp, góp phần quan trọng thực hiện chủ trương xóa đói, giảm nghèo, hạn chế cho vay nặng lãi, đặc biệt ở khu vực nông thôn và vùng sâu, vùng xa. Do đó, Chính phủ cần tiếp tục triển khai có hiệu quả các giải pháp xây dựng, phát triển hoạt động TCVM, trong đó có triển khai chính sách bảo hiểm tiền gửi (BHTG).
Tổ chức TCVM trách nhiệm hữu hạn một thành viên Tình Thương
Tổ chức TCVM trách nhiệm hữu hạn một thành viên Tình Thương

Có thể hiểu, TCVM là việc cấp cho các hộ gia đình có thu nhập thấp các khoản vay nhỏ (gọi là tín dụng vi mô), nhằm mục đích giúp họ tham gia vào các hoạt động sản xuất hoặc khởi tạo các hoạt động kinh doanh nhỏ. TCVM thường kéo theo hàng loạt các dịch vụ khác như tín dụng, tiết kiệm, bảo hiểm, vì những người nghèo, người có thu nhập thấp có nhu cầu rất lớn đối với các sản phẩm tài chính, nhưng thường khó tiếp cận được các thể chế tài chính chính thức. Tổ chức TCVM là loại hình tổ chức tín dụng (TCTD) chủ yếu thực hiện một số hoạt động tín dụng vi mô nhằm đáp ứng nhu cầu của các cá nhân, hộ gia đình có thu nhập thấp và doanh nghiệp nhỏ.

Tài chính vi mô - Công cụ xóa đói giảm nghèo, ngăn ngừa tín dụng đen

Hiện nay, có nhiều đơn vị tham gia cung cấp dịch vụ TCVM ở Việt Nam, có thể chia thành ba loại:

Thứ nhất là các đơn vị được thành lập và hoạt động theo quy định của Luật Các TCTD, ví dụ các ngân hàng thương mại, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), quỹ tín dụng nhân dân (QTDND), tổ chức TCVM.

Thứ hai, các đơn vị không hoạt động theo pháp luật ngân hàng mà theo Quyết định 20/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về hoạt động của chương trình, dự án TCVM của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức phi Chính phủ, được các cơ quan chính phủ cấp giấy phép hoạt động và chịu sự giám sát của các cơ quan này, bao gồm các tổ chức vi mô của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức phi Chính phủ.

Thứ ba, các đơn vị phi chính thức hoạt động ngoài quy định và kiểm soát của Chính phủ.

Tại Việt Nam có 04 tổ chức TCVM chính thức được Ngân hàng nhà nước (NHNN) cấp Giấy phép thành lập và hoạt động theo quy định tại Luật TCTD, gồm: Tổ chức TCVM trách nhiệm hữu hạn một thành viên Tình Thương (TYM); Tổ chức TCVM trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên M7 (MF – MFI); Tổ chức TCVM trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên Thanh Hóa (Thanh Hóa MFI); và Tổ chức TCVM trách nhiệm hữu hạn một thành viên cho người lao động nghèo tự tạo việc làm (CEP). Ngoài ra, có các TCTD khác cũng cung cấp dịch vụ TCVM tại Việt Nam, như NHCSXH và hệ thống QTDND.

Trong những năm qua, với đường lối đổi mới đúng đắn của Đảng và Nhà nước, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tích ấn tượng về phát triển kinh tế và đặc biệt trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, trong đó có phần đóng góp đáng khích lệ của hoạt động TCVM.

Hoạt động TCVM tiếp tục khẳng định được vai trò quan trọng trong việc gia tăng mức độ tiếp cận dịch vụ tài chính của người nghèo, người có thu nhập thấp, góp phần quan trọng thực hiện chủ trương xóa đói, giảm nghèo, hạn chế cho vay nặng lãi, đặc biệt ở khu vực nông thôn và vùng sâu, vùng xa.

Với các sản phẩm tiết kiệm linh hoạt và các khoản vay nhỏ, thủ tục nhanh gọn, thời hạn và lịch hoàn trả linh hoạt, các tổ chức, chương trình, dự án TCVM đã giúp người nghèo, người có thu nhập thấp dễ dàng tiếp cận dịch vụ tài chính hiệu quả để cải thiện đời sống và tổ chức sản xuất, kinh doanh. Ngoài ý nghĩa về mặt kinh tế, hoạt động TCVM còn mang ý nghĩa xã hội sâu sắc khi khách hàng TCVM được thụ hưởng nhiều dịch vụ phi tài chính đa dạng như chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm sản xuất kinh doanh; nâng cao kiến thức về sức khỏe, dân số …

Chính sách bảo hiểm tiền gửi tại tổ chức tài chính vi mô: Đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền ảnh 1

Tổ chức TCVM trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên Thanh Hóa

Quyền lợi người gửi tiền tại tổ chức TCVM được đảm bảo

Luật BHTG (2012) và Nghị định 68/2013/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật BHTG đã quy định và hướng dẫn chi tiết: “Tổ chức TCVM phải tham gia BHTG đối với tiền gửi của cá nhân, bao gồm cả tiền gửi tự nguyện của khách hàng TCVM, trừ tiền tiết kiệm bắt buộc theo quy định của tổ chức TCVM”.

Như vậy, tương tự các TCTD khác, quyền lợi của người gửi tiền tại các tổ chức TCVM luôn được đảm bảo và cũng là để thúc đẩy lợi thế cạnh tranh trong cung cấp dịch vụ tiết kiệm thuận lợi nhằm huy động và mở rộng quy mô nguồn vốn cho loại hình tổ chức TCVM.

Để tổ chức TCVM hoạt động hiệu quả, an toàn, việc đẩy mạnh triển khai chính sách BHTG tại các tổ chức này là rất cần thiết. Bởi lẽ BHTG chính là công cụ hỗ trợ nhằm giúp cộng đồng này phát triển bền vững, phát huy hiệu quả cao trong hoạt động, trong đó mục tiêu quan trọng là đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền tại các tổ chức tài chính vi mô.

Thời gian qua, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) luôn chú trọng triển khai chính sách BHTG tại khối các tổ chức TCVM đồng bộ cùng với các loại hình tổ chức tham gia BHTG khác mặc dù số lượng tổ chức TCVM hiện tại vẫn còn khiêm tốn. Công tác thực hiện chính sách BHTG tại các tổ chức TCVM được BHTGVN tiến hành kịp thời và đầy đủ thông qua một loạt các hoạt động nghiệp vụ như: cấp và cấp lại Chứng nhận tham gia BHTG; giám sát từ xa, kiểm tra tại chỗ và tham gia xử lý trong quá trình tái cơ cấu các TCTD; thông tin tuyên truyền chính sách BHTG.

Cụ thể, về tham gia công tác giám sát từ xa và kiểm tra tại chỗ, BHTGVN luôn nỗ lực đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất theo Quy chế kiểm tra của BHTGVN, góp phần phát hiện thiếu sót và hạn chế trong quản trị điều hành, kiểm soát nội bộ, huy động vốn, hoạt động tín dụng, hạch toán, thu chi tiền mặt, quản lý giấy tờ sổ sách... cũng như mức độ thi hành nghiêm túc quy định của pháp luật về BHTG. BHTGVN sẵn sàng hỗ trợ các tổ chức TCVM xác định rõ nguyên nhân, kiến nghị biện pháp khắc phục.

Chính sách bảo hiểm tiền gửi tại tổ chức tài chính vi mô: Đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền ảnh 2Tổ chức TCVM trách nhiệm hữu hạn một thành viên cho người lao động nghèo tự tạo việc làm (CEP) hỗ trợ công nhân các khoản vay nhỏ với lãi suất và thời hạn linh hoạt.

Bên cạnh đó, BHTGVN xác định thông tin tuyên truyền chính sách BHTG là một trong những nghiệp vụ quan trọng cần đẩy mạnh tại các tổ chức TCVM. Từ đó, nâng cao nhận thức của chính tổ chức TCVM về chính sách BHTG, tăng cường ý thức tự giác chấp hành quy định, hướng dẫn của BHTGVN, góp phần ổn định hoạt động của hệ thống tài chính – ngân hàng quốc gia.

Thực tế, tại các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, nơi người dân ít có điều kiện tiếp cận thông tin, người gửi tiền tại các QTDND, tổ chức TCVM rất dễ bị tổn thương, cần có sự quan tâm đặc biệt. BHTGVN đã áp dụng các chính sách thông tin tuyên truyền hai chiều về BHTG, giúp người gửi tiền tại tổ chức TCVM hiểu rõ về hạn mức trả tiền bảo hiểm, phí bảo hiểm tiền gửi, phạm vi tiền gửi được bảo hiểm…

Ngoài ra, theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD (2017), BHTGVN tham gia một số nhiệm vụ mới trong quá trình kiểm soát đặc biệt các TCTD như tham gia các phương án cơ cấu lại và thực hiện một số biện pháp hỗ trợ TCTD được kiểm soát đặc biệt. Trong đó, tham gia đánh giá tính khả thi phương án phục hồi tổ chức TCVM được kiểm soát đặc biệt nhằm bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, hỗ trợ các TCTD yếu kém thực hiện tái cơ cấu, góp phần bảo đảm an toàn hệ thống tài chính ngân hàng.

Đọc thêm