Chính sách đất đai tại các Đơn vị HCKTĐB: Vượt trội nhưng phải đảm bảo hợp lý

(PLO) - Thảo luận về các vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt (ĐVHCKTĐB) tuần qua, các ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đồng tình với việc phải có chính sách vượt trội để thu hút đầu tư, kích thích tăng trưởng tại các nơi này. Nhưng bên cạnh đó vẫn phải bảo đảm tính hợp lý trong điều kiện chính trị, kinh tế của nước ta.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Có cần cho thuê đất đến 99 năm?

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH (UBPL) Nguyễn Khắc Định, tại Kỳ họp thứ 4, QH đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật ĐVHCKTĐB. Qua tổng hợp ý kiến của các vị đại biểu QH, các cơ quan có liên quan, các chuyên gia, nhà khoa học, Thường trực UBPL nhận thấy việc thiết kế các chính sách liên quan tới đất đai tại ĐVHCKTĐB là 1 trong 2 vấn đề còn có nhiều ý kiến khác nhau, thu hút sự quan tâm của nhiều đại biểu QH, các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Đây cũng là một trong những nội dung trọng tâm, xuyên suốt của dự thảo Luật.

Trong đó, về thời hạn sử dụng đất để sản xuất, kinh doanh tại ĐVHCKTĐB, một số ý kiến đại biểu QH cho rằng quy định thời hạn sử dụng đất tới 99 năm được nêu trong dự thảo luật là quá dài và đề nghị giảm thời hạn sử dụng đất xuống còn 50 đến 70 năm, có thể gia hạn thêm hoặc thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành (tối đa là 70 năm).

Theo Thường trực UBPL, việc quy định thời hạn sử dụng đất tối đa đến 99 năm như trong dự thảo Luật là nhằm thể hiện tính vượt trội trong chính sách đất đai tại ĐVHCKTĐB so với các khu kinh tế khác trong nước cũng như một số đặc khu kinh tế trong khu vực và trên thế giới. Hơn nữa, theo quy định của dự thảo Luật, thời hạn sử dụng đất tối đa đến 99 năm chỉ được áp dụng trong phạm vi hẹp, đối với một số dự án thuộc các lĩnh vực ưu tiên, theo trình tự, thủ tục chặt chẽ và do Thủ tướng Chính phủ quyết định. Do đó, đa số ý kiến Thường trực UBPL tán thành quy định thời hạn sử dụng đất tối đa là 99 năm như trong dự thảo Luật Chính phủ trình QH.

Tuy nhiên, cho ý kiến về vấn đề này tại phiên họp của UBTVQH tuần qua, Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển cho rằng các chính sách về đất đai, thuế… trong dự luật vẫn theo tư duy cũ, tức “cứ cái gì thấp hơn phổ thông thì gọi là nổi trội”. “Ví dụ thuế suất 20% giờ xuống 10% thì gọi là nổi trội, đất cho thuê 70 năm nay tăng lên 99 năm thì bảo nội trổi, tiền thuê đất đang tính thì miễn… Tư duy đó không hợp trong tình hình hiện nay, cái đó là tư duy của 30 năm trước”, Phó Chủ tịch QH nói.

 Nêu cụ thể về quy định thời hạn sử dụng đất, ông Hiển cho rằng không cần thiết phải để 99 năm. “Tại sao lại phải 99 năm? Ngày xưa cứ 20 năm là một thế hệ, giờ tuổi thọ kéo dài nên 1 thế hệ là 30 năm.  Quy định như này tức là 3 thế hệ. Quan điểm của tôi là không cần thiết 99 năm, cứ theo luật 70 năm, “ông” nào vào được thì vào”, ông Hiển nói.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt lại cho rằng các doanh nghiệp khi bỏ tiền đầu tư sẽ xem xét khả năng ổn định, lợi nhuận mang lại của dự án. Trên thế giới cũng đã áp dụng việc cho thuê đất 99 năm hay 70 năm nên chúng ta cũng phải linh hoạt để thu hút nhà đầu tư nhằm bảo đảm hai bên cùng có lợi. “Cứng nhắc quá là không được. Phải chấp nhận có cái được, cái mất, nhưng về tổng thể là phải được nhiều mất ít”, ông Việt nói.

Nhà đầu tư sợ chi phí không chính thức 

Cũng tại phiên họp, các ý kiến trong UBTVQH đều không đồng tình với quy định về miễn tiền thuê đất tại ĐVHCKTĐB được nêu trong dự thảo Luật. Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển cho rằng 3 khu Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc đều là 3 khu “đất vàng”, không đến mức phải miễn giảm thuế đất, kéo dài thời gian thu hồi mới thu hút được nhà đầu tư. “Các nhà đầu tư đã vào được rồi lại còn miễn, giảm đủ thứ là không hợp lý. Theo tôi, có thể có đặc thù chứ không miễn cho “ông” nào hết, chỉ có giảm, mà giảm cũng có thời hạn”, ông Hiển nêu quan điểm. 

Đồng quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH Nguyễn Đức Hải đề xuất nghiên cứu lại các quy định về vấn đề tài chính và giao đất trong dự thảo Luật, xem cái nào vượt trội thì áp dụng, bởi nếu miễn giảm nhiều thì sẽ không có nguồn lực để đầu tư phát triển. “Các nước trên thế giới cũng có chính sách ưu đãi trong cho thuê đất, nhưng không giao đất 0 đồng, dù chỉ tính 1 USD/m2 cũng phải thu. Việc miễn giảm thuế đất cũng có giới hạn nên chúng ta cần cân nhắc, nên để các trưởng đặc khu sau này quyết định giá đất ra sao, tiền thuê thế nào cho phù hợp chứ nếu giờ chúng ta miễn hết thì không phù hợp”, Chủ nhiệm UB Nguyễn Đức Hải kiến nghị.

Trong khi đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Vũ Hồng Thanh nhận định, các chính sách miễn giảm thuế của chúng ta ở các khu kinh tế chưa thực sự hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài. “Các nhà đầu tư nước ngoài cần sự công khai, minh bạch, giải quyết thủ tục hành chính nhanh gọn và các chi phí chính thức là có thể đoán được, họ sợ các chi phí không chính thức và thủ tục hành chính không rõ ràng. Tôi thống nhất với ý kiến cho rằng những gì chúng ta đã quy định về chính sách đất đai thì chúng ta tôn trọng như thế ở các đặc khu, không nổi trội hơn và cũng không cần thiết phải tăng thêm chính sách về miễn giảm tiền thuê đất vì tiền thuê đất cũng không phải là điểm quyết định hấp dẫn nhà đầu tư”, ông Thanh nói. 

Trưởng ban Công tác đại biểu Trần Văn Túy cũng đề xuất nghiên cứu, thiết kế cẩn thận chính sách miễn, giảm thuế sử dụng đất. Theo nhận xét của ông Túy, quy định trong dự thảo Luật hiện nay, nghe có vẻ là một quyết sách mạnh mẽ tạo điều kiện thu hút đầu tư nhưng với nhà đầu tư thực chất thì môi trường đầu tư, sự thuận lợi trong môi trường đầu tư kinh doanh, cấp phép, vận hành… mới là các yếu tố quyết định việc đầu tư của họ chứ không phải giá đất.

Đọc thêm