Chính sách hỗ trợ phục hồi nền kinh tế: Phải đủ lớn, đủ mạnh để tác động ngay

(PLVN) - Làn sóng dịch Covid-19 lần thứ hai bùng phát trong khi các chính sách, gói hỗ trợ cũ đang triển khai và tác động chưa rõ nét. Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, về nguyên tắc, chính sách lần này phải bao quát toàn diện các đối tượng, phải đủ lớn, đủ mạnh để tác động ngay, kích thích tăng trưởng kinh tế…
Nhiều doanh nghiệp vật lộn với khó khăn để duy trì hoạt động. (Ảnh minh họa)
Nhiều doanh nghiệp vật lộn với khó khăn để duy trì hoạt động. (Ảnh minh họa)

Nhiều chính sách chưa đi vào cuộc sống

Tại cuộc họp thảo luận các giải pháp để tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm ổn định xã hội trong tình hình hiện nay do Bộ KH&ĐT tổ chức mới đây, các chuyên gia kinh tế cho rằng, hiệu quả các gói hỗ trợ thời gian qua chỉ ở mức vừa phải.

Chẳng hạn gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ đồng mới triển khai được hơn 11 ngàn tỷ đồng, đạt tỷ lệ quá thấp. Thực tế cho thấy đã có tình trạng đùn đẩy, sợ trách nhiệm khiến việc triển khai hỗ trợ bị chậm trễ. 

Trao đổi với báo chí, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế TW, Thành viện Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, TS Nguyễn Đình Cung nhớ lại, ngay khi dịch Covid-19 bùng phát, một loạt các giải pháp đã được đưa ra trong Chỉ thị 11 của Thủ tướng và các Nghị định, Nghị quyết của Chính phủ.

“Về định hướng, các chính sách này là phù hợp, như giảm lãi vay và thuế phí, tăng thêm nguồn lực cho DN, tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư kinh doanh, tăng cầu nội địa… nhưng đây là những giải pháp manh mún, dàn trải...”, Chuyên gia này thẳng thắn.

Theo ông, trên thực tế, mức độ DN được hưởng lợi là không đáng kể. Chẳng hạn, với chính sách gia hạn nộp thuế, chỉ DN vẫn còn doanh thu để nộp thuế mới được hưởng lợi, còn những DN khó khăn đến mức không có doanh thu thì chính sách gia hạn thuế hay miễn thuế cũng không có ý nghĩa… Ngoài ra, việc gia hạn thuế cũng chỉ trong 5 tháng, đến cuối năm DN vẫn phải nộp những khoản nợ này trong khi tình hình đang vẫn rất khó khăn…

Bên cạnh đó, có những chính sách xét về đạo lý là rất tốt, xét về nguyên tắc là chặt chẽ để tránh trục lợi, nhưng những điều kiện để hưởng chính sách này không mang lại lợi ích gì cho DN mà có tác dụng ngược. Đơn cử như điều kiện hỗ trợ cho những DN có 50% số lao động nghỉ việc, DN bị tổn hại 50% tài sản... Khi DN ở tình trạng này coi như đã phá sản, còn việc xác định thiệt hại cũng mất nhiều thời gian và thủ tục, trong khi DN cần hỗ trợ ngay để sớm phục hồi.

“Mục đích của chúng ta là hỗ trợ DN duy trì hoạt động, không để lao động mất việc, nhưng với điều kiện này, DN có thể cho lao động nghỉ nhiều hơn để hưởng lợi chính sách…”, ông Cung phân tích.

Bên cạnh đó, nhiều chính sách vẫn chưa đi vào cuộc sống như giảm 30% thuế thu nhập DN, giảm 15% tiền thuê đất phải nộp của năm 2020… theo Nghị quyết 84 của Chính phủ do đây mới là đề xuất của Chính phủ, phải chờ Quốc hội cho quyết định. Có những giải pháp tính pháp lý, tính hiệu lực chưa cao vì mới chỉ dừng ở công văn hướng dẫn, như việc tạm dừng quỹ hưu trí và tử tuất, lùi đóng phí công đoàn...

Chính sách tới đây hướng đến cả DN nhỏ và DN lớn… (Ảnh minh họa)
Chính sách tới đây hướng đến cả DN nhỏ và DN lớn… (Ảnh minh họa) 

Chính sách hỗ trợ phải bao quát toàn diện

Theo báo cáo của Bộ KH&ĐT, dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hầu hết các ngành, lĩnh vực kinh tế, xã hội. Có tới 17,6 triệu người bị giảm thu nhập, số DN đăng ký tạm dừng kinh doanh trong 7 tháng đầu năm tăng 41,5%. Tỷ lệ thất nghiệp tăng cao nhất trong 10 năm trở lại đây, trong đó, thất nghiệp ở nhóm thanh niên từ 15-54 tuổi, chiếm 30,7% tổng số thất nghiệp. Đáng lo ngại, những ảnh hưởng này kéo theo các hệ luỵ về mặt xã hội, đặt ra thách thức, đòi hỏi  cần sớm có giải pháp đồng bộ.

“Tình hình dịch Ccovid-19 còn nhiều diễn biến phức tạp, chúng ta dù đã khống chế tốt dịch ở giai đoạn 1 nhưng chưa tranh thủ được nhiều lợi thế đã tiếp tục gặp khó khăn. Vì vậy, nếu không có các chính sách kinh tế đủ mạnh, vượt hơn mức bình thường thì nền kinh tế khó phục hồi…”, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nhận định.

Các biện pháp phải hỗ trợ đợt 2 đang được Bộ KH&ĐT cân nhắc trên cơ sở ý kiến của các chuyên gia và thực tế triển khai trong thời gian qua. 

Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT, các chính sách tới đây sẽ hưởng đến các DN quy mô nhỏ và vừa, sử dụng nhiều lao động duy trì sản xuất, kinh doanh và khuyến khích quay trở lại hoạt động, tránh việc cắt giảm hơn nữa số lao động đang làm việc. Đồng thời, cần hỗ trợ các DN lớn đang gặp khó khăn về sự thiếu hụt dòng tiền do chi phí cố định và chi phí duy trì hoạt động lớn trong khi doanh thu bị sụt giảm nghiêm trọng.

Việc gia hạn các chính sách đã và đang thực hiện được đề xuất kéo dài đến hết tháng 12/2020. Tuy nhiên, nếu tình hình dịch tiếp tục phức tạp, có thể nghiên cứu báo cáo cấp có thẩm quyền cho phép kéo dài một số chính sách sang năm 2021. (Chính sách gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất theo Nghị định 41 của Chính phủ; Gia hạn thời gian thực hiện các chính sách về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ gia hạn các thuê đất theo Thông tư 01 của Ngân hàng Nhà nước…).

Ngoài ra, Bộ KH&ĐT sẽ đề xuất việc cần trình các cấp có thẩm quyền có các điều chỉnh chính sách tài khoá mạnh hơn để kích thích sản xuất và tiêu dùng. Cần có thêm các hình thức như phiếu chiết khấu, phiếu mua hàng hoặc Chính phủ mua hàng phân phối cho người dân chịu ảnh hưởng bởi việc giãn cách xã hội, hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng đang nhận bảo trợ xã hội để bảo đảm nhu cầu thiết yếu của người dân hoặc mở rộng đối tượng là toàn bộ người dân căn cứ và diễn biến dịch bệnh để kích cầu tiêu dùng nội địa…

“Về nguyên tắc, chính sách lần này phải bao quát toàn diện các đối tượng, phải đủ lớn, đủ mạnh để tác động ngay, kích thích tăng trưởng kinh tế. Các chính sách đều phải gắn đến quản lý cơ cấu các ngành, lĩnh vực, phải gắn với tái cơ cấu và những lĩnh vực liên quan. Gói hỗ trợ phải đảm bảo đa mục tiêu chứ không chỉ kích thích tăng trưởng kinh tế…”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh. 

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng cho biết, tới đây, Bộ sẽ có có báo cáo đánh giá đầy đủ hơn tác động của các chính sách. Trong đó: Phần 1 là các chính sách ban hành, kết quả đạt được, hiệu quả từng gói hỗ trợ, hạn chế…; Phần 2 là những chính sách mới, trong ngắn hạn và dài hạn,  nguồn lực triển khai… 

Cần cân bằng giữa bảo vệ sức khỏe người dân và hoạt động kinh tế

Với tựa đề: “Triển vọng kinh tế: Con đường gập ghềnh đến điểm bình thường mới”, Báo cáo chuyên đề triển vọng ngành 6 tháng cuối năm 2020 do CTCP Chứng khoán Rồng Việt (Rongviet Securities) vừa phát hành nhận định, tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ quanh ngưỡng 2% trong năm 2020 khi các đợt bùng phát dịch bệnh đang kéo lùi đà hồi phục kinh tế. 

Theo Rongviet Securities, trong 6 tháng cuối năm 2020, sẽ có một số điểm sáng chính hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế. Đầu tiên, thặng dư thương mại sẽ đạt mức cao kỷ lục mới, đây là điểm tựa quan trọng cho sự ổn định vĩ mô nói chung. Thứ hai, xuất khẩu sang EU dự kiến sẽ phục hồi mạnh mẽ khi tỷ giá EURVND đang tăng cao và EVFTA đã có hiệu lực từ đầu tháng 8/2020. Cuối cùng, Chính phủ cam kết hỗ trợ sự hồi phục kinh tế thông qua thúc đẩy đầu tư công.

“Tuy nhiên, giữa lúc khủng hoảng y tế vẫn tiếp diễn, Chính phủ đang đau đầu với các lựa chọn chính sách. Trong ngắn hạn, Chính phủ cần tìm sự cân bằng giữa bảo vệ sức khỏe người dân và hoạt động kinh tế. Bên cạnh đó là việc cân đo đong đếm giữa các biện pháp kích thích kinh tế trong ngắn hạn và sự ổn định vĩ mô dài hạn. Trong khi nguồn lực công rất hạn chế, nhu cầu hỗ trợ kinh tế đang rất lớn, đặc biệt là việc hỗ trợ đối với các tập đoàn kinh tế quy mô lớn...”, Báo cáo lưu ý.

Ở phía Ngân hàng Nhà nước, theo các chuyên gia Rongviet Securities, câu hỏi quan trọng hiện tại liên quan tới việc duy trì ổn định tài chính khi rủi ro nợ xấu gia tăng và tỷ lệ nợ/GDP của Việt Nam thuộc top đầu khu vực.

“Rủi ro nợ xấu đang tích lũy nhanh chóng và sẽ sớm bộc lộ ra ngoài, đặc biệt khi các quy định cho phép cơ cấu thời hạn trả nợ và sắp xếp nhóm nợ kết thúc. Cả hai chỉ số đo lường khả năng vỡ nợ trong 1 năm và mức độ tổn thương của các DN Việt Nam đều thuộc nhóm đầu khu vực…”, Báo cáo của Rongviet Securities lưu ý.

Bộ LĐ-TB&XH tiếp tục đề xuất gói hỗ trợ 15 nghìn tỷ đồng

Bộ LĐ-TB&XH vừa có văn bản gửi Bộ KH&ĐT để tổng hợp đề xuất Chính phủ thực hiện gói hỗ trợ lần hai cho người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.

Nếu chính sách này có hiệu lực, Bộ LĐ-TB&XH ước tính Nhà nước phải hỗ trợ khoảng 15 nghìn tỷ đồng. Dự kiến, 100.000 người và 10.000 cơ sở sản xuất kinh doanh được hưởng chính sách lần này.

Bên cạnh đó, Bộ LĐ-TB&XH cũng đề xuất hỗ trợ người lao động phải thuê nhà, hoặc nuôi con nhỏ dưới 6 tuổi bị mất việc làm, tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương, ngừng việc mỗi người 1 triệu đồng. Thời gian áp dụng từ tháng 9 đến tháng 12/2020. Kinh phí Nhà nước bỏ ra ước tính khoảng 3.600 tỷ đồng. Ngoài ra, Bộ LĐ-TB&XH cũng đề xuất Thủ tướng xem xét giảm lãi suất vay vốn tạo việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm và nguồn huy động của Ngân hàng Chính sách xã hội…

Trước đó, hồi cuối tháng 4, trên cơ sở đề xuất của các bộ, ngành, Chính phủ cũng đã ban hành quyết định hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Gói hỗ trợ này giá trị 62 nghìn tỷ đồng.

Trao đổi với PLVN về đề xuất của Bộ LĐ-TB&XH về gói hỗ trợ mới này, TS Nguyễn Đình Cung cho rằng gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ đồng vẫn còn hơn 50 nghìn tỷ đồng chưa tiêu hết, nên đề xuất thêm gói này là chưa cần thiết. “Hỗ trợ tốt nhất là bỏ 2% phí công đoàn mà DN kiến nghị bấy lâu nay là có tác dụng nhiều nhất, không phải tổ chức thực hiện...”, Chuyên gia này đề xuất.

Đọc thêm