Chính sách mới về tín dụng đầu tư của Nhà nước do Ngân hàng Phát triển Việt Nam thực hiện

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Vừa qua, Chính phủ đã ban hành hành Nghị định số 78/2023/NĐ-CP ngày 7/11/2023 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 32/2017/NĐ-CP ngày 31/3/2017 của Chính phủ về tín dụng đầu tư của Nhà nước.

Trong đó có những điểm chú ý về hỗ trợ các dự án có nhu cầu vốn lớn vượt giới hạn cấp tín dụng của NHPT có thể được xem xét, quyết định cho vay vượt giới hạn một cách rõ ràng, minh bạch; qua đó có thể giúp Doanh nghiệp vay được vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh hiệu quả hơn, đóng góp vào phát triển kinh tế của đất nước, do những dự án này đều là những dự án thuộc nhóm A, trọng điểm.

Theo đó, sửa đổi, bổ sung quy định về giới hạn cho vay (Điều 7 Nghị định số 32) như sau:

Bổ sung quy định về trường hợp đặc biệt cấp tín dụng vượt giới hạn trên cơ sở vận dụng các quy định tại Luật các tổ chức tín dụng (Điều 128) theo hướng Thủ tướng Chính phủ quyết định việc cấp tín dụng tối đa vượt giới hạn trên cơ sở đề nghị của Ngân hàng Phát triển Việt Nam (NHPT); đồng thời quy định cụ thể điều kiện khách hàng vay vốn cần đáp ứng để được NHPT xem xét, đề nghị Thủ tướng Chính phủ quyết định. Cụ thể:

“4. Trường hợp đặc biệt, để thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và quốc phòng, an ninh mà khả năng cùng cho vay của Ngân hàng Phát triển Việt Nam và các tổ chức tín dụng khác chưa đáp ứng được nhu cầu của một khách hàng thì Ngân hàng Phát triển Việt Nam lập hồ sơ đề nghị cấp tín dụng vượt giới hạn quy định tại khoản 2 Điều này đối với từng trường hợp cụ thể gửi Bộ Tài chính tổng hợp để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

5. Khách hàng vay vốn, dự án được Ngân hàng Phát triển Việt Nam đề nghị cấp tín dụng vượt giới hạn tại khoản 4 Điều này phải đáp ứng các điều kiện sau:

a) Khách hàng đáp ứng đủ điều kiện cấp tín dụng theo quy định về điều kiện cho vay của Nghị định này; không có nợ xấu trong 03 năm gần nhất liền trước năm đề nghị cấp tín dụng vượt giới hạn; có hệ số nợ phải trả không quá ba lần vốn chủ sở hữu được ghi trên báo cáo tài chính quý hoặc báo cáo tài chính năm đã được kiểm toán của khách hàng tại thời điểm gần nhất với thời điểm đề nghị cấp tín dụng vượt giới hạn;

b) Khách hàng có nhu cầu vốn để thực hiện các dự án có ý nghĩa kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh quan trọng, cấp thiết nhằm thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, phục vụ nhu cầu thiết yếu của đời sống nhân dân, thuộc các ngành, lĩnh vực ưu tiên, khuyến khích theo Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong từng thời kỳ hoặc để thực hiện các chương trình, dự án được Quốc hội hoặc Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư.

Dự án đầu tư xin vay vốn được Ngân hàng Phát triển Việt Nam thẩm định, đánh giá là dự án có hiệu quả; có khả năng tài chính để trả nợ tại thời điểm Ngân hàng Phát triển Việt Nam xem xét, quyết định cho vay. Vốn chủ sở hữu tham gia trong quá trình thực hiện dự án tối thiểu 20% tổng vốn đầu tư của dự án (không bao gồm vốn lưu động), mức cụ thể do Ngân hàng Phát triển Việt Nam xem xét, quyết định phù hợp với khả năng tài chính của chủ đầu tư và phương án trả nợ của dự án.” Tổng mức dư nợ cấp tín dụng của Ngân hàng Phát triển Việt Nam (không bao gồm các khoản tín dụng Ngân hàng Phát triển Việt Nam không chịu rủi ro) tính trên vốn tự có và số dư trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh có kỳ hạn còn lại từ 05 năm trở lên của Ngân hàng Phát triển Việt Nam không được vượt quá 15% đối với một khách hàng, không được vượt quá 25% đối với một khách hàng và người có liên quan, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này.”

Ngân hàng Phát triển Việt Nam căn cứ vào kết quả thẩm định dự án, đặc điểm sản xuất, kinh doanh, khả năng thu hồi vốn của từng dự án và khả năng trả nợ của khách hàng để quyết định thời hạn cho vay đối với từng dự án.”

Mức lãi suất cho vay tín dụng đầu tư của Nhà nước do Ngân hàng Phát triển Việt Nam quyết định, đảm bảo nguyên tắc đủ bù đắp chi phí huy động vốn, chi hoạt động bộ máy và chi phí trích lập dự phòng rủi ro đối với các khoản nợ vay được ký hợp đồng tín dụng kể từ ngày … tháng … năm 2023, nhưng không thấp hơn 85% lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng thương mại trong nước trong cùng thời kỳ; ngân sách nhà nước không cấp bù lãi suất và phí quản lý đối với các khoản nợ vay này.

Ngoài ra, Nghị định mới hướng dẫn về Cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi tiền vay; bảo đảm tiền vay; thủ tục và hồ sơ khi đề nghị cấp tín dụng vượt giới hạn

Việc ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 32/2017/NĐ-CP là cần thiết hiện nay nhằm hoàn thiện các quy định pháp luật về tín dụng đầu tư của Nhà nước, tạo cơ sở pháp lý đảm bảo an toàn, hiệu quả cho hoạt động của Ngân hàng Phát triển Việt Nam thực hiện (NHPT), khắc phục, tháo gỡ những vướng mắc về quy định tại Nghị định số 32 để chính sách tín dụng đầu tư của Nhà nước tiếp tục đi vào cuộc sống, đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội, phù hợp với định hướng cơ cấu lại của NHPT giai đoạn 2023 - 2027.

* Phụ lục

DANH MỤC CÁC DỰ ÁN VAY VỐN TÍN DỤNG ĐẦU TƯ

(Kèm theo Nghị định số 78/2023/NĐ-CP ngày 7 tháng 11 năm 2023 của Chính phủ)

____________

STT

NGÀNH NGHỀ, LĨNH VỰC

GIỚI HẠN QUY MÔ

I

KẾT CẤU HẠ TẦNG KINH TẾ - XÃ HỘI

1

Dự án đầu tư khai thác, xử lý và cung cấp nước sạch phục vụ sản xuất và sinh hoạt.

Nhóm A, B và C

2

Dự án đầu tư xây dựng công trình xử lý nước thải, rác thải tại các khu đô thị, khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất, khu công nghệ cao, bệnh viện và các cụm công nghiệp, làng nghề.

Nhóm A, B

3

Dự án đầu tư xây dựng, phát triển nhà ở xã hội theo quy định của pháp luật.

Nhóm A, B và C

4

Dự án đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, khu công nghiệp hỗ trợ, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Nhóm A, B

5

Dự án đầu tư xây dựng mới, đầu tư mở rộng, cải tạo, mua sắm thiết bị các bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học.

Nhóm A, B và C

6

Dự án đầu tư xây dựng mới, mở rộng, cải tạo, nâng cấp công trình đường bộ, công trình đường sắt, cảng thủy nội địa, cảng biển, cảng hàng không.

Dự án quan trọng quốc gia; Nhóm A, B và C

II

NÔNG NGHIỆP, NÔNG THÔN

1

Dự án đầu tư nhà máy chế biến thủy hải sản, chế biến nông sản sử dụng công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Nhóm A, B

2

Dự án đầu tư nhà máy sản xuất muối công nghiệp.

Nhóm A, B

3

Dự án giết mổ gia súc và gia cầm tập trung.

Nhóm A, B

4

Dự án đầu tư cơ sở hạ tầng sản xuất giống vật nuôi, giống thủy sản, nuôi trồng thủy sản.

Nhóm A, B

III

CÔNG NGHIỆP

1

Dự án đầu tư sản xuất thuốc kháng sinh, thuốc cai nghiện, vắc xin thương phẩm và thuốc chữa bệnh HIV/AIDS; sản xuất thuốc thú y đạt tiêu chuẩn GMP.

Nhóm A, B

2

Dự án đầu tư xây dựng nhà máy phát điện sử dụng các nguồn năng lượng: Gió, mặt trời, địa nhiệt, sinh học, điện sinh khối, khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) và các tài nguyên năng lượng khác có khả năng tái tạo; Dự án sản xuất ứng dụng sáng chế bảo vệ môi trường được Nhà nước bảo hộ dưới hình thức cấp bằng độc quyền sáng chế hoặc bằng độc quyền giải pháp hữu ích theo quy định của pháp luật.

Nhóm A, B và C

3

Dự án đầu tư sản xuất sản phẩm cơ khí trọng điểm theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Nhóm A, B và C

4

Dự án đầu tư sản xuất phương tiện, thiết bị tiết kiệm năng lượng; đầu tư nâng cấp dây chuyền sản xuất, mở rộng quy mô sản xuất bằng công nghệ tiết kiệm năng lượng.

Nhóm A, B và C

5

Dự án đầu tư thuộc danh mục các ngành công nghiệp hỗ trợ theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Nhóm A, B và C

6

Dự án đầu tư, sản xuất các sản phẩm phục vụ cơ giới hóa nông nghiệp, nông thôn.

Nhóm A, B

7

Dự án đầu tư đổi mới công nghệ theo hướng sử dụng công nghệ sạch; Dự án đầu tư phương tiện xe buýt sử dụng nhiên liệu thân thiện với môi trường.

Nhóm A, B và C

8

Dự án ứng dụng công nghệ cao, dự án đầu tư sản xuất sản phẩm công nghệ cao theo danh mục công nghệ cao do Thủ tướng Chính phủ ban hành; Dự án đầu tư sản xuất sản phẩm hình thành từ kết quả khoa học và công nghệ của doanh nghiệp khoa học và công nghệ theo quy định của pháp luật hiện hành.

Nhóm A, B và C

9

Dự án đầu tư thuộc Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Nhóm A, B và C

IV

Các dự án đầu tư tổ chức thực hiện tại địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn; Dự án tại vùng đồng bào dân tộc Khơ me sinh sống tập trung, các xã thuộc Chương trình 135 và các xã biên giới thuộc Chương trình 120, các xã vùng bãi ngang (không bao gồm dự án nhiệt điện than, sản xuất xi măng, sắt thép).

V

Các dự án đầu tư ra nước ngoài theo quy định của Chính phủ; các dự án cho vay theo Hiệp định của Chính phủ.

Nhóm A, B

Đọc thêm