Chưa tăng lương để cùng chia sẻ khó khăn với Nhà nước
Trong buổi chiều làm việc cuối cùng của Kỳ họp, các đại biểu Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV.
Các đại biểu thông qua Nghị quyết Kỳ họp thứ 9. |
Trước đó, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình của các vị đại biểu Quốc hội. Ông Phúc cho biết, một số ý kiến đề nghị việc chưa điều chỉnh mức lương cơ sở từ ngày 01/7/2020 chỉ áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang; thực hiện điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng kể từ 01/7/2020 theo lộ trình.
Có ý kiến đề nghị quy định rõ thời điểm điều chỉnh mức lương cơ sở từ ngày 01/01/2021. Có ý kiến đề nghị cân nhắc việc điều chỉnh lương hưu đối với người nghỉ hưu trước 01/01/1995 và người hưởng trợ cấp.
Có ý kiến đề nghị, căn cứ tình hình thực tế, Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thời điểm điều chỉnh mức lương cơ sở vào ngày 31/12/2020 hoặc trước ngày 01/01/2021.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin báo cáo như sau: Để khắc phục tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 đến cân đối ngân sách nhà nước, việc chưa điều chỉnh mức lương cơ sở từ ngày 01/7/2020 là cần thiết, thể hiện sự đồng lòng cùng chia sẻ khó khăn với Nhà nước.
Sau khi cân nhắc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho phép chưa thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và lương hưu từ ngày 01/7/2020. Đồng thời giao Chính phủ, căn cứ tình hình thực tế để chủ động báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thời điểm điều chỉnh mức lương cơ sở.
Bên cạnh đó, ông Phúc cũng cho biết, có ý kiến đề nghị bổ sung nội dung giao Chính phủ tổ chức tốt kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông và công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2020.
Nội dung này đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu và thể hiện tại điểm đ khoản 7 Điều 1 của dự thảo Nghị quyết.
Quốc hội đã thông qua nhiều nội dung cấp bách, quan trọng
Trong lời bế mạc Kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho hay, đại dịch Covid gây ra cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, ảnh hưởng đến đất nước ta.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu bế mạc Kỳ họp. |
Tuy nhiên, chúng ta đã chủ động có những quyết sách phù hợp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đã đoàn kết tạo nên sức mạnh giúp chúng ta cơ bản vượt qua dịch bệnh, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, an sinh xã hội, được cử tri tin tưởng, thế giới ghi nhận, đánh giá cao.
Quốc hội biểu dương các lực lượng đứng đầu phòng chống dịch, đánh giá cao sự cố gắng, quyết tâm của các cấp, các ngành, sự chung tay của người dân, doanh nghiệp trong công cuộc chống dịch.
Quốc hội cho rằng, mặc dù các hoạt động từng bước được khôi phục trở lại, nhưng chúng ta đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức cùng với diễn biến dịch bệnh, tình hình thế giới vẫn hết sức phức tạp, khó lường.
Trên cơ sở báo cáo của Chính phủ, Quốc hội đề ra nhiều giải pháp bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, an sinh xã hội. Tại Kỳ họp này, Quốc hội đã xem xét thảo luận kỹ lưỡng, thông qua 10 luật, 21 nghị quyết, nhiều vấn đề khác, tạo cơ sở pháp lý thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế.
Theo Chủ tịch Quốc hội, tuy chỉ có 19 ngày làm việc (chia thành 2 đợt) nhưng Quốc hội đã hoàn thành toàn bộ chương trình với nhiều nội dung, trong đó có những nội dung cấp bách, quan trọng, được đại biểu Quốc hội ghi nhận, cử tri đánh giá cao.
“Thành công của Kỳ họp này tạo niềm tin cho Quốc hội tiếp tục cải tiến, đổi mới, hoàn thiện phương thức hoạt động của Quốc hội trong thời gian tới”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.