Tiết kiệm của người dân khoảng 10,7 tỷ/năm khi cấp Phiếu LLTP trên ứng dụng VNeID
Hội nghị có sự tham dự của Thượng tướng Lương Tam Quang, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan; đại diện lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tư pháp, Giáo dục và Đào tạo, các bộ, ban, ngành; Lãnh đạo Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội và các sở, ban, ngành TP; đại diện lãnh đạo 15 địa phương bao gồm các tỉnh/TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần thơ, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Hà Nam, Ninh Bình, Quảng Ninh, Nam Định.
Thủ đô Hà Nội là địa phương được Chính phủ, Tổ công tác triển khai Quyết định 06/QĐ-CP ngày 6/1/2022 về Phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (gọi tắt là Đề án 06) giao thực hiện thí điểm một số nội dung nhiệm vụ làm cơ sở đánh giá trước khi nhân rộng.
Theo báo cáo của UBND TP Hà Nội, trong 6 tháng đầu năm 2024, TP tiếp tục phát huy sự chủ động, tích cực, quyết liệt trong thực hiện các nội dung công tác phục vụ triển khai thực hiện Đề án 06 trên địa bàn TP; giữ vững vị thế là địa phương tiên phong đi đầu trong thực hiện Đề án 06 đảm bảo tiến độ, lộ trình đã được đề ra.
Lực lượng Công an cấp huyện, cấp xã triển khai thực hiện quyết liệt các giải pháp thực hiện làm sạch dữ liệu dân cư, tiêm chủng, hộ tịch, đoàn thể… đảm bảo Cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDLQG) về dân cư “đúng, đủ, sạch, sống” phục vụ kết nối, tích hợp, chia sẻ với các cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác.
Đồng thời, thực hiện nghiêm túc công tác thu nhận hồ sơ Căn cước công dân, tài khoản định danh điện tử, đăng ký, quản lý cư trú và tiếp nhận, giải quyết hồ sơ trên Cổng dịch vụ công trực tuyến đều được triển khai thực hiện nghiêm túc và đã hoàn thành các chỉ tiêu được Bộ Công an giao Công an TP.
|
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu tại Hội nghị. |
Với những nhiệm vụ Tổ công tác Chính phủ giao triển khai thí điểm trên địa bàn TP trong năm 2024, gồm xây dựng Sổ sức khỏe điện tử, Hồ sơ sức khỏe điện tử; tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân thực hiện mở tài khoản phục vụ chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt trên địa bàn TP Hà Nội; triển khai ứng dụng mô hình thu phí trông giữ phương tiện không dùng tiền mặt; thí điểm cấp Phiếu Lý lịch tư pháp (LLTP) trên ứng dụng VneID..., cơ bản, TP đều thực hiện nghiêm túc, tiến độ nhanh, có kết quả cụ thể, rõ ràng.
Nổi bật là việc cấp phiếu LLTP qua ứng dụng định danh và xác thực điện tử (VNeID). Thực hiện sự chỉ đạo của Tổ Công tác Chính phủ về việc giao TP Hà Nội và tỉnh Thừa Thiên Huế triển khai thí điểm cấp Phiếu LLTP qua ứng dụng VNeID, từ ngày 22/4/2024 đến ngày 20/6/2024, TP đã tiếp nhận tổng số 27.146 hồ sơ đề nghị cấp Phiếu LLTP; trong đó có 15.114 hồ sơ được tiếp nhận qua ứng dụng VneID (55,67%) và tăng qua từng ngày; nhất là sau thời điểm ngày 1/6/2024 - khi Nghị quyết số 11/2024/NQ-HĐND có hiệu lực, số lượng hồ sơ thực hiện qua VNeID chiếm trung bình hơn 86%/tổng số hồ sơ tiếp nhận.
Tỷ lệ người dân trên địa bàn sử dụng tài khoản định danh mức độ 2 để đề nghị cấp Phiếu LLTP qua ứng dụng ngày càng tăng cao, số người đến trực tiếp tại Bộ phận Một cửa của Sở Tư pháp đã giảm rõ rệt (từ thời điểm trước 22/4/204, số lượt trung bình thực hiện tiếp công dân tại Sở Tư pháp từ 300 – 400 công dân/ngày đến nay chỉ còn trung bình từ 30 – 40 công dân/ngày, giảm còn 1/10 so với trước.
Quy trình thực hiện và kết nối kỹ thuật giữa các Hệ thống trong việc tiếp nhận và giải quyết yêu cầu cấp Phiếu LLTP qua ứng dụng VNeID hoàn toàn đã đáp ứng yêu cầu thực tiễn; đơn giản hóa quá trình thực hiện cho công dân và cơ quan hành chính nhà nước; tạo nhiều thuận lợi cho người dân trong việc thực hiện và giải quyết các yêu cầu liên quan đến thủ tục này.
Ước tính mỗi người dân có thể tiết kiệm được ít nhất gần 400.000 đồng/hồ sơ yêu cầu cấp Phiếu LLTP và đặc biệt đảm bảo được các yếu tố về chi phí sức khỏe, tâm lý khi thực hiện các giao dịch với cơ quan nhà nước.
Trong 2 tháng với tổng số 15.114 hồ sơ được thực hiện qua VneiD, số kinh phí tiết kiệm của người dân dự tính khoảng 10,7 tỷ/năm (1,9 tỷ/2 tháng/15.114 hồ sơ) và đối với cơ quan nhà nước, số lượng người dân không đến trực tiếp tại trụ sở giảm áp lực cho đội ngũ công chức tại đơn vị cũng như các chi phí phụ trợ phát sinh (điện, nước, không gian, cơ sở vật chất), ước giảm 6,85 tỷ/15.114 hồ sơ).
|
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu trải nghiệm các ứng dụng phòng họp thông minh của TP Hà Nội. |
TP Hà Nội cũng là địa phương đầu tiên trên cả nước đã ban hành Nghị quyết quy định việc hỗ trợ phí cung cấp thông tin LLTP qua ứng dụng VNeID trên địa bàn.
Tạo lập kênh kết nối quan trọng giữa chính quyền với người dân, doanh nghiệp
Tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang, Bộ trưởng Bộ y tế Đào Hồng Lan, cùng lãnh đạo TP Hà Nội và các đại biểu đã cùng thực hiện nghi thức kích hoạt vận hành một số nền tảng, ứng dụng của Đề án 06 trên địa bàn TP bao gồm Công dân Thủ đô số (iHanoi) – chạm để kết nối nhằm tạo lập kênh kết nối quan trọng giữa chính quyền với người dân, doanh nghiệp của Thủ đô, góp phần tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, cải thiện các chỉ số cải cách hành chính, sự hài lòng của người dân.
Hồ sơ sức khoẻ điện tử trên VneID, tạo nền tảng đưa mô hình khám chữa bệnh từ xa, sử dụng sổ khám sức khỏe duy nhất trong đời.
Đặc biệt là hệ thống Phòng họp thông minh, không giấy (i-Cabinet) sử dụng công nghệ hiện đại, trợ lý ảo trí tuệ nhân tạo (AI) tạo thuận lợi, kịp thời trong chỉ đạo điều hành, xây dựng nền quản trị hiện đại, hiệu quả.
Đây là sự kiện có ý nghĩa đánh dấu bước tiên phong của Thủ đô trong tiến trình chuyển đổi số, tạo phong cách làm việc mới khoa học, hiệu quả, xây dựng TP xanh, thông minh, hiện đại, phát triển bao trùm và bền vững với quyết tâm xây dựng “Chính quyền số - Chính quyền phục vụ”, “Doanh nghiệp số - Doanh nghiệp cống hiến”, “Xã hội số - Xã hội niềm tin” với “tầm nhìn mới, tư duy mới toàn cầu”, “Tư duy Thủ đô và hành động của Hà Nội”.
Đồng hành cùng UBND TP Hà Nội trong quá trình chuyển đổi số là các tập đoàn công nghệ lớn, trong đó có Sunshine Group với giải pháp phòng họp thông minh, tích hợp các chức năng: Chia sẻ không dây và tương tác không chạm với tính năng này từ thiết bị cá nhân, trang bị hệ thống nhận diện khuôn mặt tự động (FaceID), nền tảng họp trực tuyến thế hệ mới , Trợ lý ảo (AI) và hệ thống họp và xử lý công việc i-cabinet với nhiều tính năng thông minh, tự động hóa tối đa quy trình xử lý công việc.
Bên cạnh đó, Sunshine còn đang triển khai các giải pháp công nghệ về Nhà ở thông minh và Ngân hàng số, vận dụng thành tựu AI, Big Data, CRM... trong nghiên cứu phát triển các sản phẩm đa dịch vụ, đồng hành hỗ trợ chuyển đổi số trong lĩnh vực dịch vụ - hành chính công..., trong nỗ lực nhằm góp phần đồng hành và đẩy nhanh tiến trình xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số và nền kinh tế số tại Việt Nam.