Theo luật pháp hiện hành của Tây Ban Nha, khung hình phạt cho tội danh “nổi loạn”, tức là chống chính quyền nhà nước, là tù 30 năm, còn khung hình phạt cho tội danh “gây thiệt hại cho công quỹ nhà nước” thì chỉ rất nhẹ.
Thực chất, Tòa án và Chính phủ Tây Ban Nha muốn trừng trị ông Puigdemont về việc đã chủ xướng và thực hiện, cho dù không thành công, ly khai xứ Catalonia ra khỏi thực thể nhà nước Tây Ban Nha, tức là đơn phương tuyên bố độc lập cho xứ Catalonia. Sau khi việc lớn bị đổ bể, ông Puigdemont chạy sang Bỉ để tránh bị bắt giữ - nhiều cộng sự của ông Puigdemont bị bắt giam ở Tây Ban Nha. Phía Tây Ban Nha xin Europol ra lệnh truy nã và bắt giam ông Puigdemont nhưng phía Bỉ không chấp nhận.
Sau đó, người này bị Cảnh sát Đức bắt giữ khi từ Đan Mạch nhập cảnh vào Đức. Tây Ban Nha lại xin lệnh của Europol để buộc Đức phải dẫn độ ông Puigdemont cho Tây Ban Nha. Tòa án ở Đức đã xét xử và cho rằng ông Puigdemont không hề phạm tội “nổi loạn”, vì thế bác bỏ lệnh của Europol. Phán xử này của tòa án ở Đức làm cho tòa án ở Tây Ban Nha có thể bắt giữ ông Puigdemont nhưng không thể xử tội ông Puigdemont về tội danh “nổi loạn”.
Phía Tây Ban Nha phải rút lại lệnh truy nã và bắt giữ ông Puigdemont nhưng đồng thời cấm người này trở về Tây Ban Nha. Họ chấp nhận thua cuộc này để tránh cái khó xử về pháp lý và chính trị nội bộ ở Tây Ban Nha.
Ông Puigdemont về lại Tây Ban Nha thì họ không thể không bắt giữ ông Puigdemont và đưa ra xét xử. Nhưng vì không thể xét xử ông Puigdemont về tội “nổi loạn” thì cũng không thể xét xử những cộng sự của người này bị bắt giữ lâu nay về tội “nổi loạn”. Cho nên chấp nhận thua một chút để tránh thảm bại lớn hơn nhiều.