Chợ đầu mối quốc tế - đường đến còn xa…

(PLO) - Hiện nay mô hình chợ đầu mối (CĐM) trên thế giới đáp ứng rất nhiều tiêu chuẩn từ an toàn thực phẩm, điều tiết giá cả thị trường đến xuất khẩu ra nước ngoài. Nhưng CĐM Việt Nam mới chỉ dừng lại ở hình thức “trạm trung chuyển” hàng hoá với quá nhiều bất cập. Bộ Công Thương đã có đề án thành lập CĐM quốc tế với nguồn vốn lên đến cả nghìn tỷ đồng nhưng dường như đích đến vẫn còn quá xa…
Quản lý ATTP vẫn luôn là vấn đề khó khăn đối với các chợ. Ảnh minh họa nguồn Internet
Quản lý ATTP vẫn luôn là vấn đề khó khăn đối với các chợ. Ảnh minh họa nguồn Internet

Hà Nội đang là trung tâm phân phối hàng hoá nông sản của các tỉnh phía Bắc. Mỗi ngày hàng hoá tập trung về Thủ đô lên tới hàng nghìn tấn hoa quả, nông sản, thực phẩm, nhưng đa phần số hàng hoá này vẫn chưa có truy xuất nguồn gốc. Đây là một thực trạng đáng báo động không chỉ với Hà Nội…

Chợ đầu mối hoạt động như một… trạm trung chuyển

Theo báo cáo của Sở Công Thương Hà Nội, hiện Hà Nội có 2 CĐM đang hoạt động là CĐM phía Nam (quận Hoàng Mai) với khoảng hơn 460 hộ kinh doanh, lưu thông khoảng 200-400 tấn hàng hoá nông sản mỗi ngày và CĐM Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm) có khoảng hơn 700 hộ kinh doanh với khoảng 350 tấn hàng hoá được luân chuyển mỗi ngày. 

Ngoài ra, Hà Nội còn có 4 chợ hoạt động có tính chất đầu mối (nhưng thực chất là chợ hạng 2, do UBND quận quản lý), bao gồm chợ Long Biên (quận Ba Đình) với khoảng 800 hộ kinh doanh, số lượng hàng hoá và nông sản lưu thông vào khoảng 150-200 tấn mỗi ngày. Chợ Long Biên, vốn là một CĐM với hàng nghìn hộ kinh doanh đăng ký kinh doanh, chuyên chở nông sản chính của Hà Nội. Nhưng, từ năm 2007-2008, Hà Nội thay đổi chủ trương phát triển nên Long Biên không còn là CĐM. Kể từ đó, lượng hàng hoá đổ về chợ cũng giảm nhiều do các loại xe vào chợ chỉ giới hạn dưới 2,5 tấn. 

Các chợ bán buôn còn lại gồm: chợ cá Yên Sở (quận Hoàng Mai) có khoảng 70 hộ kinh doanh với 100-150 tấn cá các loại; chợ gia cầm Hà Vỹ (huyện Thường Tín) có khoảng 300 hộ kinh doanh với 50 tấn gia cầm, thuỷ cầm luân chuyển mỗi ngày. Ngoài ra, còn có chợ hoa Quảng An (quận Tây Hồ) với khoảng 300 hộ tham gia kinh doanh, hoạt động như một CĐM cung cấp hoa cho thị trường Hà Nội và các khu vực Đồng bằng Bắc bộ. 

Theo ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, hoạt động của 6 chợ nêu trên đều chưa đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ nông sản của Hà Nội, nguồn hàng vẫn chưa kiểm soát được chặt chẽ về an toàn thực phẩm (ATTP). Các CĐM này chủ yếu đảm nhiệm việc tập trung phân phối cho Hà Nội và một số tỉnh lân cận. Do quy mô phân phối nhỏ nên các CĐM này chưa có khả năng điều tiết giá cả thị trường, phần lớn hàng hoá tại chợ chưa thể truy xuất nguồn gốc khi cần thiết. 

Ngoài việc chưa bảo đảm ATTP, các hoạt động của CĐM hiện nay đều hết sức tự phát, mạnh ai nấy bán, mua. Theo nhận định của ông Nguyễn Văn Hội, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), đa số hình thức giao dịch tại các CĐM vẫn là mua bán giao dịch truyền thống (giao ngay), mua bán qua hợp đồng còn ít. Các dịch vụ hỗ trợ mua bán như dịch vụ ngân hàng, bảo hiểm, giám định và kiểm tra chất lượng hàng hoá, bảo quản nông sản hầu như chưa được tổ chức và cung ứng tại các chợ, kể cả những CĐM nông sản quy mô lớn. 

Loay hoay quản lý an toàn thực phẩm

Theo quan sát của phóng viên, tất cả xe hàng đổ về các CĐM đều vào thẳng khu tập kết và xuống hàng, không có bất kỳ một hoạt động nào về kiểm định ATTP được diễn ra trước khi hàng hoá được lưu thông. Ông Hải cũng cho rằng, vấn đề quản lý ATTP hàng hóa tại các CĐM là hết sức quan trọng. Tuy nhiên, hiện vấn đề này vẫn đang gặp khó tại các CĐM ở Hà Nội. Do số lượng hàng hóa lớn, nhiều ban quản lý chợ vẫn đang gặp khó và lúng túng khi kiểm tra chứng từ và nguồn gốc xuất xứ sản phẩm.

Theo đại diện Ban quản lý chợ Long Biên, trước đây, các hộ kinh doanh ở chợ đều được cấp giấy chứng nhận ATTP nhưng sau này, do cấp theo hình thức nói trên không quản lý được hàng hoá thực tế nên cách thức này đã được thay đổi. Hiện, trong số khoảng 800 hộ đăng ký kinh doanh tại chợ Long Biên, có khoảng 650 hộ tiến hành hoạt động thường xuyên nhưng số lượng quan tâm đến ATTP rất ít. Những hộ quan tâm đến ATTP đa phần là do họ có hàng hoá cung cấp cho nhà hàng, khách sạn, siêu thị nên buộc phải tuân thủ các quy định về ATTP để đáp ứng được tiêu chuẩn của một nhà cung cấp. 

Cũng theo vị đại diện này, hiện chợ Long Biên đang tiến hành quản lý ATTP theo hình thức “chấp nhận tự cam kết” từ các hộ kinh doanh và họ phải chịu trách nhiệm với các sản phẩm mà mình cung cấp. Chợ cũng đã phối hợp với Sở Công Thương phát cho mỗi hộ một quyển sổ để họ tự ghi nguồn gốc xuất xứ hàng hoá của mình để kịp thời xử lý nếu có sự cố về ATTP xảy ra. 

Mô hình này cũng được triển khai tại các CĐM và chợ bán buôn khác nhưng đây chưa phải là cách thức quản lý ATTP hiệu quả. Liệu có mô hình nào có thể quản lý được ATTP hiệu quả để các CĐM có thể thực hiện được chức năng của mình?                                             

Đọc thêm