Cá tầm nhập lậu đang tràn lan thị trường trong nước. Người nuôi trồng điêu đứng, người tiêu dùng phải mua sản phẩm chất lượng thấp với giá cao, trong khi cơ quan quản lý chưa có giải pháp hữu hiệu.
Người mua khó phân biệt được cá tầm nuôi tại Việt Nam (trái) và cá tầm Trung Quốc (phải). |
Cá tầm ngoài thị trường đa phần là cá Trung Quốc
Tại các nhà hàng ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM, cá tầm được coi là món ăn đặc sản và được nhiều thực khách chọn lựa. Ở các chợ đầu mối và trong thị thành, cá tầm cũng được bày bán khá nhiều và lượng tiêu thụ cũng rất lớn. Tại các chợ lớn ở Hà Nội như chợ đầu mối Đền Lừ, chợ Thành Công, chợ Nghĩa Tân, cửa hàng trên phố Thể Giao, Kim Liên… đều có bán cá tầm và đều được các chủ hàng quảng bá là nuôi trồng trong nước từ SaPa, Tam Đảo…, những địa danh nuôi cá tầm có danh tiếng.
Chưa ai lường được hết hệ lụy từ lượng cá tầm không có nguồn gốc rõ ràng nhập lậu vào Việt Nam có thể đem theo nguy cơ bệnh dịch và mối nguy hại như thế nào đối với sức khỏe người tiêu dùng. |
Ghi nhận tại các chợ có khu vực bán thủy hải sản lớn của Hà nội như Thành Công, Kim Liên, chợ đầu mối Đền Lừ…, giá cá tầm được chủ hàng đưa ra với mức 180.000 đồng/kg, với lời quảng cáo: “Giá này là rẻ nhất rồi. Em có đi tìm mua ở đâu cũng khó có giá thấp hơn lắm”. Tương tự, tại chợ Nghĩa Tân, giá cá tầm cũng được bán dao động từ 160-180.000 đồng/kg, tùy theo trọng lượng to nhỏ.
Giá cá ở các chợ khá rẻ và được nhiều thực khách lựa chọn cho bữa ăn gia đình và đãi khách, nhưng khi bước vô quán nhậu thì giá cá tầm được bán với giá rất cao, từ 500-700.000 đồng/kg. Lý giải về giá cá tầm được bán với mức gần 600.000 đồng/kg, nhân viên của một nhà hàng lớn trên phố Trần Duy Hưng khẳng định: “Cá tầm của nhà hàng được mua từ trong nước, còn cá tầm ngoài chợ phần lớn là hàng nhập lậu từ Trung Quốc”.
Tuy nhiên, tiếp xúc với phóng viên báo Pháp luật Việt Nam, một ông chủ nuôi cá tầm nổi tiếng cho biết: “Thị trường cá tầm chiếm đến 80-90% là cá tầm Trung Quốc, kể cả cá tầm được bán với giá “cắt cổ” tại các nhà hàng”.
Giá cá tầm Trung Quốc khi về đến biên giới Việt Nam vào khoảng 130-150.000 đồng/kg, bằng một nửa hoặc 2/3 so với giá bán trong nước.
Theo nguồn tin từ các cơ quan chức năng thì cá tầm từ Trung Quốc nhập về Việt Nam theo hai đường, tiểu ngạch và nhập lậu qua các tỉnh có cửa khẩu thông thương như Tân Thanh, Hữu Nghị, Đồng Đăng (Lạng Sơn), Hoành Mô, Bắc Phong Sinh, Móng Cái (Quảng Ninh), Lào Cai (tỉnh Lào Cai); Tà Lùng (Cao Bằng). Chưa ai lường được hệ lụy từ lượng cá tầm không có nguồn gốc rõ ràng nhập lậu vào Việt Nam có thể đem theo nguy cơ bệnh dịch và mối nguy hại như thế nào đối với sức khỏe người tiêu dùng.
Bộ NN&PTNT "bó tay"?
Giá cá tầm của Trung Quốc rẻ hơn cá tầm trong nước, theo các chuyên gia là bởi các doanh nghiệp nuôi cá phía bên kia biên giới đã có công nghệ gây giống, giá thức ăn lại rẻ hơn, trong khi các doanh nghiệp nội vừa phải mua cá giống, vừa phải gánh giá thức ăn chăn nuôi cao, vì vậy khó mà cạnh tranh được về mặt giá thành.
Ông Nguyễn Văn Khải, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Cá tầm Việt Nam, bức xúc: “Tôi bắt đầu nuôi cá tầm từ năm 2005 đến nay đã gần 10 năm nhưng không thể phát triển mô hình ra rộng hơn được vì muôn vàn khó khăn, đặc biệt là sự cạnh tranh với cá tầm nhập lậu giá rẻ từ bên kia biên giới”. Hiện công ty đang nuôi cá tầm thương phẩm tại Hữu Lũng - Lạng Sơn nhưng với quy mô nhỏ, chỉ cung cấp trên địa bàn và tỉnh Bắc Giang. Các cơ sở nuôi cá tầm Việt Nam hiện đang nhập khẩu con giống từ Nga, vì thế chi phí lớn, trong khi thị trường vẫn “chuộng” cá tầm nhập lậu giá rẻ từ Trung Quốc.
“Chúng tôi cũng đã có nhiều văn bản, đơn từ kiến nghị gửi các cơ quan chức năng nhưng không có gì biến chuyển. Doanh nghiệp cũng chỉ biết trông chờ vào sự vào cuộc của cơ quan chức năng chứ không thì khốn đốn lắm” - ông Khải chia sẻ. Ông Khải kiến nghị: “Cá phải được nhập khẩu theo đường chính ngạch, vừa kiểm soát được dịch bệnh, vừa đảm bảo tiêu chí an toàn cho người tiêu dùng mà Nhà nước cũng không thất thu”.
Trước tình trạng đó, cách đây vài tháng, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đã có văn bản đề nghị các Bộ, ngành cùng UBND các tỉnh biên giới vào cuộc ngăn chặn. Nhưng, đến nay, tình hình vẫn không có biến chuyển. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, Bộ NN&PTNT Phạm Anh Tuấn thừa nhận, “Bộ NN&PTNT cũng chưa có biện pháp gì khả thi hơn để tháo gỡ. Vì, ngành nông nghiệp không phụ trách chính về lĩnh vực ngăn chặn hàng lậu, muốn giải quyết dứt điểm cần sự vào cuộc của nhiều ngành chức năng”.
Trường Lưu