Chợ nô lệ thời hiện đại ở Libya?

(PLO) - Trang tin Allafrica số ra mới đây có đăng bài cho biết, hàng trăm người di cư dọc theo các tuyến đường di cư ở Bắc Phi đang bị mua và bán công khai tại các thị trường nô lệ hiện đại ở Libya. 
Số người nhập cư vào Địa Trung Hải từ đầu năm đến nay đã lên tới gần 50.000 người, trong đó có 1.309 người tử vong
Số người nhập cư vào Địa Trung Hải từ đầu năm đến nay đã lên tới gần 50.000 người, trong đó có 1.309 người tử vong

Những người thoát được ra ngoài đã thông báo với Cơ quan di trú của Liên hợp quốc (LHQ) về vấn đề này. Hiện Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) đang xem xét và tiến hành điều tra tình trạng “buôn người” này. 

Lời khai “sốc”

Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) đã nhận được thông tin trên sau khi các nhân viên ở Niger và Libya mới đây ghi lại lời khai gây sốc của các nạn nhân buôn người từ một số quốc gia châu Phi, bao gồm Nigeria, Ghana và Gambia. Họ miêu tả “thị trường nô lệ” đang hành hạ hàng trăm người châu Phi trẻ tuổi tại Libya. 

Các nhân viên điều hành của Văn phòng IOM tại Niger báo cáo về việc giải cứu một người di dân Senegal. Ngày 11/4, IOM báo cáo người này đã trở về nhà sau khi bị bắt giữ nhiều tháng. Cơ quan LHQ này cho biết theo lời khai của người thanh niên trẻ tuổi này, trong khi cố gắng vượt qua sa mạc phía Bắc, anh ta đến Agadez của Niger, tại đây anh phải trả khoảng 320 USD mới có thể tiếp tục đi về phía Bắc, hướng tới Libya.

Một kẻ buôn người cung cấp cho anh ta chỗ ở cho đến ngày khởi hành, anh được đưa lên xe khách. Tuy nhiên, khi xe khách của ông này đến Sabha ở phía Tây Libya, người lái xe khẳng định rằng mình không hề được kẻ buôn người trả tiền và  ông ta phải bán hành khách, đưa những người di cư đến một bãi đỗ xe. Tại đây, người thanh niên này đã chứng kiến một thị trường nô lệ đang diễn ra trong thời hiện đại. 

Người di cư đến Libya bị mua đi bán lại với giá từ 200 - 500USD
Người di cư đến Libya bị mua đi bán lại với giá từ 200 - 500USD

Nô lệ và cưỡng ép

Theo báo cáo của IOM tại Niger, những người nhập cư ở vùng hạ Sahara đã được người Libya bán và mua lại với sự hỗ trợ của người Ghana và người Nigeria. Ông Mohammed Abdiker, người đứng đầu IOM về hoạt động khẩn cấp, cho biết: “Các báo cáo mới nhất về thị trường nô lệ người di cư có thể đi kèm một danh sách dài các vụ cưỡng ép và hành hạ ở Libya, tình hình càng trở nên nghiêm trọng. Đây là nơi hội tụ quá nhiều người di cư”. 

Ông Leonard Doyle, người phát ngôn của IOM tại Geneva, nói: “Những người di cư đến Libya với hy vọng tiếp tục hành trình sang châu Âu mà không hề biết nguy hiểm đang chờ họ phía trước. Ở đó (Libya), họ trở thành hàng hóa bị mua bán và vứt đi khi không còn giá trị nữa.

Để đưa thông điệp về những nguy hiểm này đến khắp châu Phi, chúng tôi ghi âm lời khai của những người nhập cư đã bị hành hạ và đăng tải trên các phương tiện truyền thông xã hội và trên đài FM địa phương”. Những nhân chứng đáng tin cậy nhất là những người di cư trở về nhà với sự trợ giúp của IOM. Ông Doyle cho biết họ bị đánh đập, đối xử tàn bạo và bị lạm dụng, thường là lạm dụng tình dục”. 

Theo báo cáo của Cơ quan di trú của LHQ, số người nhập cư vào Địa Trung Hải từ đầu năm đến nay đã lên tới gần 50.000 người, trong đó có 1.309 người tử vong. Theo các báo cáo này, Công tố viên của ICC Fatou Bensouda ngày 8/5 đã thông báo với Hội đồng Bảo an LHQ rằng ICC đang xem xét tiến hành một cuộc điều tra về các tội phạm liên quan đến người di cư ở Libya, trong đó có tệ nạn buôn người. 

Mới đây, người đứng đầu Cao ủy LHQ về người tị nạn (UNHCR) Filippo Grandi nói: “Tôi rất buồn khi có nguồn tin đáng tin cậy cho thấy Libya đã trở thành thị trường buôn bán người. Việc cứu mạng con người là ưu tiên hàng đầu của tất cả mọi người. Trước sự gia tăng gần đây về số lượng người di cư đến đây, tôi kêu gọi những nỗ lực hơn nữa để giải cứu người trên con đường nguy hiểm này. Địa Trung Hải - nơi hoành hành của bọn buôn người từ bờ biển Libya đến Italy - là nơi đặc biệt nguy hiểm. Trên biển khơi, có khoảng 1.150 người đã mất tích hoặc mất mạng trong năm nay. Đặc biệt đáng lo ngại là tình trạng buôn bán người như nô lệ và việc sử dụng bạo lực của những kẻ buôn người ở Libya”. 

Theo báo cáo của UNHCR, “tuyến đường biển Địa Trung Hải tiếp tục đặc biệt nguy hiểm trong năm nay, cũng như năm 2016, LHQ đã ghi nhận nhiều trường hợp thiệt mạng trên biển hơn những năm trước mà nguyên nhân chủ yếu dẫn tới những vụ đắm tàu thuyền thương tâm là do bọn buôn người chở quá nhiều hành khách, chất lượng tàu thuyền tồi tàn và việc gia tăng sử dụng thuyền cao su nhỏ thay cho thuyền gỗ…”.