Cho phép các tập đoàn tài chính có hoạt động kinh doanh bảo hiểm

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Sáng 22/10, Quốc hội đã nghe tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi).
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi).
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi).

Trình bày dự thảo luật, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) gồm 8 chương, 156 điều. Dự thảo luật đã bám vào mục đích, quan điểm chỉ đạo và cụ thể hóa 7 nhóm chính sách đề nghị xây dựng dự án luật đã được Chính phủ thông qua.

Đáng chú ý trong dự thảo luật, đã mở rộng đối tượng nhà đầu tư nước ngoài, cho phép các tập đoàn tài chính có hoạt động kinh doanh bảo hiểm; đơn giản điều kiện cho các doanh nghiệp bảo hiểm đã được cấp giấy phép tại Việt Nam muốn thành lập doanh nghiệp bảo hiểm mới. Dự thảo cũng bổ sung yêu cầu doanh nghiệp công khai thông tin một cách toàn diện, bao gồm thông tin định tính và định lượng theo định kỳ, thường xuyên, bất thường nhằm tăng cường tính minh bạch và cạnh tranh lành mạnh của thị trường.

Dự thảo luật cũng sửa đổi, bổ sung quy định về điều kiện, nguyên tắc hoạt động đại lý bảo hiểm, nguyên tắc hoạt động của doanh nghiệp môi giới bảo hiểm, quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp bảo hiểm, của đại lý bảo hiểm; những điều đại lý bảo hiểm không được làm, chứng chỉ đại lý bảo hiểm.

Báo cáo thẩm tra dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, đối với quy định về quyền yêu cầu cung cấp thông tin của Bộ Tài chính trong thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính về hoạt động kinh doanh bảo hiểm, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, đây là nội dung quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của các doanh nghiệp nhưng nội dung quy định còn chưa chặt chẽ. Đối với thông tin về tài khoản của doanh nghiệp, cần làm rõ, trường hợp cần thiết dự thảo luật cần giao trách nhiệm quy định chi tiết nội dung này.

Bên cạnh đó, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị cần xem xét quy định về việc Bộ Tài chính tổ chức thi, cấp, công nhận chứng chỉ bảo hiểm, chứng chỉ đại lý bảo hiểm, chứng chỉ phụ trợ bảo hiểm, chứng chỉ môi giới bảo hiểm do chưa phù hợp với yêu cầu xã hội hóa ngày càng cao hiện nay, đặc biệt đối với lĩnh vực đào tạo. Cơ quan quản lý nhà nước (Bộ Tài chính) chỉ nên tập trung vào việc ban hành chính sách và thực hiện kiểm tra, giám sát các hoạt động này.

“Việc bồi dưỡng nâng cao trình độ, tổ chức thi và cấp chứng chỉ nghề nghiệp, đăng ký và quản lý hành nghề, kiểm soát chất lượng dịch vụ, kiểm soát đạo đức nghề nghiệp... nên giao cho tổ chức xã hội nghề nghiệp”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nói.