Chợ truyền thống "ế ẩm"và bài toán nan giải cho các tiểu thương tại Vĩnh Long

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Hiện tình hình kinh doanh của các tiểu thương tại khu bách hóa tổng hợp (chợ Vĩnh Long) ngày càng ế ẩm. Trước tình trạng này, nhiều người chọn cách bỏ lô sạp tìm việc khác, lại có người kiên trì tìm cách bán hàng online để phù hợp thị trường, nhưng kết quả không như mong đợi vì còn rất nhiều cái khó.

Trước thời đại 4.0, cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa các nhà bán hàng trên các sàn thương mại điện tử, siêu thị đua nhau về giá và sự đa dạng hàng hóa làm cho việc mua sắm dễ hơn bao giờ hết. Người tiêu dùng có thể mua mọi lúc mọi nơi cùng với vô vàn sự lựa chọn. Nhưng cũng vì sự tiện lợi này vô tình dẫn đến những dự đoán về chợ truyền thống trong tương lai sẽ ngày càng ế ẩm và tụt hậu lại phía sau, trong đó có chợ truyền thống Vĩnh Long (phường 1, TP Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long).

Xu hướng mới, nhưng không phải ai cũng được

Ban ngày dọn ra rồi nằm cả ngày lướt điện thoại và không bán được đồng nào là tâm sự của bà Đào Ánh Nguyệt (SN 1960, tiểu thương bán vải tại khu bách hóa tổng hợp - chợ Vĩnh Long). Bà cho biết sự đìu hiu này đã bắt đầu từ khá lâu (trước dịch Covid-19), người tiêu dùng không còn mặn mà với các lô sạp tại đây. Thời gian dài vắng khách, thậm chí có khi một tuần mới có khách quen đến hỏi thăm và ủng hộ, nhưng đây đều thuộc tuýp khách hàng già hóa, không có người trẻ, người mới đến xem hàng.

Rầu rĩ vì không có khách, bà Nguyệt chỉ còn cách ngồi xem điện thoại hay đọc sách, báo cả ngày.

Rầu rĩ vì không có khách, bà Nguyệt chỉ còn cách ngồi xem điện thoại hay đọc sách, báo cả ngày.

“Trước đây cứ mỗi dịp lễ Tết hay ngày 20/11, khách hàng đến đây rất đông để mua vải về may đồ hay làm quà biếu tặng thầy cô. Nay dường như xu hướng đó đã không còn, thay vào đó là những quần áo được may sẵn với nhiều kiểu dáng được giới thiệu khắp trên mạng. Không bán được hàng nên tôi đành chịu cảnh lỗ vốn, ôm hàng như vầy” bà Nguyệt than thở nói.

Theo bà Nguyệt, thời gian qua nhà nước cũng đã hỗ trợ phần nào tiền thuế cho các tiểu thương, nhưng đó cũng không đủ để bù lỗ vào các khoản chi phí khác. Nhiều tiểu thương khác không bám trụ nổi đành đóng cửa và tìm việc làm khác. Bà Nguyệt ước tính, nếu so với những năm trước dịch Covid-19 doanh thu bắt đầu sụt giảm từ 30% - 50% thì nay sau dịch càng ế trầm trọng hơn.

“Nhiều lúc thấy người ta bán hàng qua mạng xã hội nên tôi cũng làm thử, nhưng không phải ai cũng có duyên với loại hình này. Chưa kể tôi đã lớn tuổi, lại không rành công nghệ nên càng vất vả hơn. Kết quả lại quay về buôn bán truyền thống” bà Nguyệt tâm sự.

Cách đó không xa, tại sạp của bà Trần Thị Thanh Loan (SN 1966, tiểu thương bán đồng hồ, phụ kiện) cũng chịu cảnh vắng, đìu hiu như trên. Ngồi cả ngày không biết làm gì, bà Loan cũng chỉ còn cách xem điện thoại cho qua ngày. Dù biết rằng bán tiếp sẽ lỗ, nhưng vì tuổi ngày càng lớn nếu không bám víu vào đây tương lai bà cũng không biết làm sao kiếm ra tiền.

“Tôi cũng tìm hiểu bán hàng qua mạng, muốn như vậy cần tốn thêm chi phí đầu tư các thiết bị mà chưa chắc đã thu hồi lại được. Trong khi đó quy trình bán hàng - đóng gói – giao nhận - kiểm tra thanh toán rất phức tạp đối với người hạn chế hiểu biết về công nghệ như tôi” bà Loan cho biết.

Theo ghi nhận của PV, vào khoảng 11 giờ trưa nhưng nhiều tuyến hành lang dọc theo các lô sạp tại khu bách hóa tổng hợp (chợ Vĩnh Long) vắng bóng người mua. Có số người vì quá nản nên chỉ mở cửa buổi sáng rồi đóng cửa. Mua bán không thuận lợi, các tiểu thương nơi đây chỉ còn biết tự động viên nhau, chờ ngày nào đó khu chợ này sẽ đông đúc trở lại.

Thay đổi dần, từ cái nhỏ nhặt trước

Sở Công thương tỉnh Vĩnh Long cho biết, tình hình chung mua bán tại các chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long hiện nay gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân được cho là vì: tình hình kinh tế khó khăn, người dân có tâm lý thắt chặt chi tiêu, tiết kiệm trong mua sắm; mô hình kinh doanh của các nhà lồng chợ hiện nay không còn phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng; cách thức mua sắm của người dân và giới trẻ hiện nay đã có sự thay đổi hướng tới những dịch vụ tiện lợi… trong khi đó chợ truyền thống hiện nay chưa đáp ứng và thích ứng với thị hiếu của người tiêu dùng.

Không khí ảm đạm, đìu hiu tại khu bách hóa tổng hợp (chợ Vĩnh Long).

Không khí ảm đạm, đìu hiu tại khu bách hóa tổng hợp (chợ Vĩnh Long).

Theo đó, các tiểu thương cần đổi mới tư duy, phương thức kinh doanh. Đồng thời tạo dựng lòng tin với khách hàng bằng những sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, đúng giá niêm yết. Vì thực tế, chợ truyền thống vẫn là một kênh mua bán của phần lớn người dân, đặc biệt là những người lớn tuổi có thói quen đi chợ và mua những sản phẩm “thấy tận mắt, sờ tận tay” đây cũng là tâm lý chung của đại đa số bà con.

Riêng đối với loại hình bán hàng chạy theo livestream trên các nền tảng mạng xã hội hiện nay, Sở Công Thương đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao nhận thức ứng, dụng Công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại cho các cơ sở, doanh nghiệp, và các hộ tiểu thương tại các chợ trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long. Tuy nhiên, đa phần các tiểu thương nơi đây đều đã lớn tuổi, nên việc tiếp cận với công nghệ là một rào cản đối với việc phát triển thương mại điện tử, chuyển đổi số hiện nay.

Đại diện Sở Công thương tỉnh Vĩnh Long cho biết thêm, đơn vị đang phối hợp với các địa phương rà soát, đánh giá lại tính hiệu quả của các chợ truyền thống trên địa bàn, để có phương án sắp xếp, bố trí lại các điểm kinh doanh theo ngành hàng kinh doanh. Đối với các chợ hoạt động không hiệu quả, phải tính đến phương án sửa chữa, chuyển đổi công năng nhà lồng chợ để hoạt động hiệu quả hơn.

Bên cạnh các yếu tố như: Ban Quản lý chợ phải thường xuyên đầu tư nâng cấp, sửa chữa để chợ truyền thống ngày càng khang trang, thuận tiện cho tiểu thương cũng như khách hàng đến tham quan và mua sắm; tổ chức tập huấn các kỹ năng phục vụ khách hàng, chuyển đổi số cho các tiểu thương; duy trì và đảm bảo an ninh trật tự ở từng chợ;… thì cũng cần các địa phương có biện pháp giải quyết tình trạng kinh doanh tự phát xung quanh các khu chợ, lấn chiếm vỉa hè, lòng đường cản trở giao thông lại gây sức ép lên chợ truyền thống.

“Chợ truyền thống muốn tồn tại và phát triển phải tự thay đổi. Trước hết vẫn chính là đảm bảo hàng hóa chất lượng, giá cả hợp lý, an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, người bán buôn, bán lẻ ở chợ truyền thống cũng cần đầu tư trang trí quầy hàng; tổ chức khuyến mại, hậu mãi, phục vụ người mua đến nơi đến chốn; khuyến khích thanh toán bằng thương mại điện tử không dùng tiền mặt… Đặc biệt là không nói thách, chặt chém, gây mất thiện cảm với khách hàng. Có như vậy người tiêu dùng khó lòng quay lưng lại với chợ truyền thống” đại diện Sở Công thương tỉnh Vĩnh Long chia sẻ.

Đọc thêm