"Choáng" với lời kể của kẻ chặt xác vợ làm 3 mảnh

Choáng váng bởi không thể nghĩ rằng lại có một tội ác kinh khủng đến thế trên đời này. Kẻ thủ ác Nguyễn Văn Tuyên giết vợ rồi chặt, tháo khớp và vứt tại ba địa điểm khác nhau nhằm phi tang...
Lúc giở đến những bản ảnh hiện trường và tử thi, tôi bỗng thấy tức ngực, choáng váng và hai mắt mờ đi bởi không thể nghĩ rằng lại có một tội ác kinh khủng đến thế trên đời này. Trong phiên tòa sơ thẩm, cái cảm giác bàng hoàng ấy lại ùa về khi tôi và y ngồi sát nhau ở một khoảng cách gần nhất trước lúc phiên tòa khai mạc. Bất giác, tôi nhìn xuống đôi bàn tay y và tất cả những hành vi man rợ nhất y thực hiện với vợ mình như một đoạn phim quay chậm lại hiện về.
Chung sống với nhau nhiều năm, nhưng mọi gánh nặng mưu sinh hầu như đều dồn cả lên đôi vai người vợ tần tảo. Làm nghề xe ôm, nhưng kiếm được đồng nào, Tuyên đều rót hết vào cờ bạc, không giúp gì được cho vợ con. Thời gian từ tháng 3 đến 4-2008, Tuyên thường xuyên cờ bạc hơn, chị Huệ nhiều lần bắt được Tuyên chơi cờ bạc nên cố khuyên nhủ chồng mà không được. Cũng vì chuyện này mà hai vợ chồng luôn cãi lộn. Đỉnh điểm của mâu thuẫn xảy ra vào ngày 9-5-2008. Hôm đó, vì không muốn cho Tuyên lấy xe máy đi làm nên chị Huệ cầm chìa khóa xe cất vào túi quần đang mặc.
Không có chìa khóa xe để đi làm, Tuyên lên gác xép bảo vợ đưa chìa khóa, nhưng chị Huệ nhất định không đưa và nói: "Đi làm không đem tiền về cho vợ con mà toàn đem đi đánh bạc thì tốt nhất không nên đi làm". Từ mâu thuẫn đó, hai vợ chồng Tuyên bắt đầu xô xát. Tuyên dùng tay trái ghì cổ chị Huệ xuống, còn tay phải Tuyên thò vào túi quần chị Huệ để lấy chìa khóa. Chị Huệ vùng dậy chạy đuổi theo, túm cổ áo của Tuyên, Tuyên quay người đẩy chị Huệ làm chị Huệ ngã ngửa, đập đầu vào bậc cửa trong phòng. Thấy chị Huệ còn giãy giụa, Tuyên bẻ gập người chị Huệ, gói vào trong chăn, dùng thêm vỏ chăn, ruột chăn bông khác để đè lên rồi lấy chiếc giá phơi quần áo để chặn lên trên.
Đến khoảng 13g30, khi hai đứa con đi học, Tuyên lôi xác vợ ra chặt làm ba khúc rồi buộc các phần thi thể của vợ vào xe máy mang ra hồ Giẻ Quạt để vứt…
Trên đây là toàn bộ hành vi tội ác của Nguyễn Văn Tuyên được miêu tả trong hồ sơ vụ án. Tôi vẫn nhớ, ngồi trước phiên tòa hôm đó là khuôn mặt già trước tuổi, bình thản. Bộ râu rậm chưa cạo, những vết nám hai bên thái dương, mái tóc lốm đốm những sợi bạc, vài nếp nhăn mờ mờ nơi khóe mắt. Đó là phác thảo bộ mặt của kẻ giết người. Thú thật, dù đã nói chuyện với nhiều tên tử tù nhưng lần này ngồi nói chuyện với Nguyễn Văn Tuyên, tôi vẫn cảm thấy rờn rợn. Thấy tôi ngồi xuống cuối chiếc ghế băng, phía trước là vành móng ngựa, Tuyên ngước mắt lên, hỏi: 
Đối tượng mô tả lại tội ác của mình.
- Anh là nhà báo hả?
Tôi gật đầu.
- Vậy là tôi có thể giãi bày với anh một số điều.
Câu chuyện của tôi và Tuyên được bắt đầu tự nhiên như thế và cái cảm giác ghê rợn trong tôi rất nhanh không còn nữa. Cho đến lúc này, khi ngồi ghi lại cuộc nói chuyện, chính tôi cũng không khỏi ngạc nhiên khi kẻ giết người kể lại tội ác của mình một cách rành mạch và trơn tru đến thế.
- Hôm nay anh thấy trong người thế nào?
- Tôi thấy bình thường.
- Anh vẫn ăn ngủ tốt chứ?
- Vâng.
- Anh và vợ anh, chị Lê Thị Huệ biết nhau trong hoàn cảnh nào?
- Vào năm 1989, tôi làm thợ mộc cho nhà trẻ Việt Triều. Một cô giáo ở đó giới thiệu Huệ là người họ hàng với cô ấy cho tôi. Gần một năm sau, tôi cưới cô Huệ.
- Cuộc sống gia đình anh có hạnh phúc không?
- Tôi nghĩ là có. Chúng tôi có với nhau một cháu gái, một cháu trai. Các cháu đều rất ngoan, chăm học. Kinh tế gia đình tôi cũng tạm ổn. Hai vợ chồng ít khi to tiếng.
- Trước khi anh bị bắt, vợ chồng anh kiếm sống bằng cách nào?
- Sau khi nghỉ theo chế độ, tôi chạy xe ôm. Vợ tôi làm ôsin cho một gia đình Hàn Quốc. Tôi có mấy phòng nhỏ trên tầng hai cho sinh viên thuê. Thu nhập không dư dả, nói chung chi tiêu đủ cho một gia đình. Vợ tôi ít khi phàn nàn về chuyện tiền bạc.
- Nghe anh nói vậy chứng tỏ chị Huệ rất tốt, chu đáo và thương anh. Vậy sao anh lại lao vào cờ bạc?
- Tôi đâu có chơi nhiều. Nhưng vợ tôi chắc là xót, thấy tôi chạy xe ôm không được nhiều, lại nướng vào cờ bạc nên giữa hai người xảy ra hiểu lầm và xích mích.
- Trở lại vụ án mạng mà anh là kẻ giết người, cảm giác của anh sau khi giết chị Huệ, chặt xác thành nhiều phần rồi vứt ở những địa điểm khác nhau?
- Sao anh lại nói tôi giết người? Nghe ghê quá. Thôi được, cứ cho tôi là kẻ giết người đi nhưng hành động của tôi là vô ý.
Sau khi vợ tôi chết, tôi luôn bị ám ảnh về những việc mình đã làm. Ban ngày đi làm thì thôi chứ cứ tối về nhà một mình (các con tôi đến nhà bà ngoại ở), tôi lại hình dung ra khuôn mặt, giọng nói cô ấy.
- Khi chia thi thể chị Huệ thành những phần nhỏ, cho vào vỏ chăn rồi vứt đi, anh có thấy ghê tay không?
- Lúc đó tôi không biết gì cả, làm như một cái máy. Còn bây giờ, tôi không thể tưởng tượng được mình lại có thể làm những việc ấy.
- Chị Huệ có "về" với anh trong những giấc ngủ không?
- Có, thường xuyên. Giấc ngủ của tôi luôn bị cô ấy ám ảnh. Tôi nguyền rủa và căm giận mình.
- Một điều nữa, anh vứt xác chị Huệ ở ba nơi, đều liên quan đến nước, mục đích của anh là gì?
- Tôi muốn cho xác phân hủy nhanh.
- Nhưng anh có biết với những kẻ giết người, dù chôn xác nạn nhân dưới ba tấc đất, đến một ngày nào đó, người ta vẫn phát hiện ra? Còn vứt ở dưới nước, cho dù phần thịt bị phân hủy thì phần xương vẫn còn và trước sau việc làm của anh cũng bị phát giác?
- Đấy là cái ngu ngốc của tôi. Lúc đó, tôi chỉ muốn giải quyết thật nhanh cái xác và còn một điều này nữa, tôi rất sợ bị bắt giam. Tôi làm xe ôm, nhiều lần chở người nhà vào thăm phạm ở Trại tạm giam Hà Nội, các Trại giam ở Thanh Hóa, Thái Nguyên... Tôi đã biết cảnh trong tù sống khổ như thế nào. Chính vì thế, sau khi vợ chết, tôi không có can đảm ra đầu thú.
- Trong Trại tạm giam Hà Nội, anh đã nghĩ đến mức án cao nhất có thể dành cho mình?
- Có. Tôi đã nghĩ đến điều đó. Tôi đáng tội chết. Qua tìm hiểu, tôi biết một số người khác có hành vi giết người không nhiều tình tiết tăng nặng như tôi, nhưng vẫn bị kết án tử hình. Còn tôi, nếu phải chết, tôi thấy cũng đáng.
- Hôm nay ra tòa, anh có khai thêm điều gì không?
- Không. Tôi đã khai tất cả trong quá trình điều tra.
- Anh có ân hận điều gì?
- Cho dù tôi phải chết thì điều ân hận nhất là không vớt được phần đầu của vợ tôi. Gần đến ngày xét xử, tôi có nghe người ta nói là đã vớt được phần đầu đó. Nếu đúng như vậy thì tôi hoàn toàn yên tâm nhắm mắt ra đi.
- Với các con anh, anh mong điều gì ở các cháu?
- Tôi thương các cháu vô cùng. Còn nhỏ mà đã không được bố mẹ bảo ban, chăm sóc. Mong các cháu luôn khỏe mạnh, học giỏi, không bị những thói hư, tật xấu cám dỗ và lớn lên phải trở thành những người có ích cho xã hội. Không biết các con tôi hôm nay có đến tòa không, tôi muốn được nhìn mặt các cháu.
- Anh nói mình đáng tội chết, vậy anh đã chuẩn bị nhận cái chết chưa?
- Nói vậy thôi, tôi vẫn mong 1% hy vọng được sống để có ngày về với các con.
- Nếu phải chết để đền tội, anh muốn chết bằng cách nào?
Cuộc nói chuyện giữa tôi với bị cáo Nguyễn Văn Tuyên bị ngắt quãng bởi HĐXX chuẩn bị vào phòng xử án. Bị cáo ngoái xuống phía dưới nhìn những người thân, thỉnh thoảng đưa hai bàn tay bị còng lên lau mắt. Tôi rời khỏi phòng xử án mà thấy lòng nặng trĩu khi nghĩ về những tội ác kinh hoàng, khuôn mặt đau đớn của những người xấu số trước khi yên nghỉ dưới lòng đất hay những phát đạn dành cho tử tù vang lên trong những buổi sớm mai trước khi một ngày mới bắt đầu.
Án tử hình dành cho bị cáo Nguyễn Văn Tuyên là điều tất yếu, buộc y phải lấy mạng sống của mình ra để đền tội. Cuối cùng, người đau khổ nhất lại rơi vào hai đứa trẻ - con của nạn nhân và kẻ tử tù. Rồi đây, các cháu sẽ sống ra sao?
Lẽ ra, tôi có thể hỏi thêm tử tù Nguyễn Văn Tuyên một vài điều mà tôi và bạn đọc hẳn muốn biết, nghĩ thế nào lại thôi. Những điều này chắc sẽ theo y xuống tận nấm mồ, như những bí mật về một cuộc đời ngắn ngủi khi còn tồn tại với tư cách một con người.
Theo Pháp luật XH

Đọc thêm