Chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả: Cốt lõi là ý thức người tiêu dùng

(PLO) - Thời gian qua, Chính phủ và các cơ quan chức năng đã có nhiều biện pháp ngăn chặn, hạn chế tình trạng sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, từ hoàn thiện khung pháp lý, cơ chế chính sách, tổ chức thực hiện, kiểm tra và xử lý vi phạm gắn với phát triển thương hiệu hàng hoá Việt Nam. Tuy nhiên, vấn nạn hàng giả, hàng nhái, vi phạm sở hữu trí tuệ đang diễn ra rất phức tạp và có xu hướng gia tăng. 
Nhiều hàng giả, hàng lậu, hàng kém chất lượng bị thu giữ.
Nhiều hàng giả, hàng lậu, hàng kém chất lượng bị thu giữ.

Thị trường “dễ dãi” cho hàng lậu, hàng giả  tung hoành

Những tháng cuối năm, nhất là dịp cận Tết Nguyên đán là thời điểm “vàng” của hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại bởi nhu cầu hàng hóa của thị trường tăng cao đột biến trong khi năng lực sản xuất, kinh doanh không thể đáp ứng hết. 

Buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả không những làm thất thu ngân sách, làm suy yếu nền kinh tế, nảy sinh tệ nạn tham nhũng mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân. Trong lĩnh vực chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ, rất khó chỉ ra nhóm hàng nào không bị làm giả, từ mỹ phẩm, hàng tiêu dùng, điện tử, điện lạnh, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thuốc nuôi trồng thuỷ sản, các loại hàng sắt, tôn lợp, vật liệu xây dựng các loại, rượu bia, nước giải khát, đồ chơi… 

Hàng lậu và hàng cấm thường được vận chuyển theo các đường dây, ổ nhóm cấu kết từ các tỉnh biên giới vào nội địa với hóa đơn của các mặt hàng (như điện thoại di động, máy tính bảng, thuốc lá, rượu ngoại, thuốc tân dược, vải, quần áo...) thường được quay vòng để qua mặt các cơ quan chức năng.

Các đối tượng cầm đầu thuê người trực tiếp sang nhận hàng, mang, vác, cõng bộ hoặc dùng xe môtô vận chuyển phân tán với số lượng nhỏ theo các đường ngang, ngõ tắt về Việt Nam, giao cho các đối tượng khác rồi vận chuyển sâu vào nội địa tiêu thụ.

Đối tượng buôn lậu thường lợi dụng vào địa hình đồi núi hiểm trở, vận chuyển hàng vào ban đêm, ngày nghỉ, giờ nghỉ của lực lượng quản lý, cử người đeo bám, theo dõi, canh gác các ngả đường, thấy an toàn mới vận chuyển hàng.

Cùng với đó, “hiện nay, vấn đề an toàn thực phẩm đang diễn ra hết sức phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ của người dân, nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật, phân bón kém chất lượng đã ảnh hưởng đến chất lượng của vật nuôi, cây trồng, làm cho cuộc sống của người nông dân vốn đã khó khăn càng thêm điêu đứng, ảnh hưởng đến phát triển bền vững của nền nông nghiệp nước ta”, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nêu rõ.

Dù nhiều nỗ lực nhưng vấn nạn hàng lậu, hàng giả, gian lận thương mại vẫn đang diễn ra do nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là: sức sản xuất trong nước còn nhỏ, sức cạnh tranh yếu, luật pháp thiếu đồng bộ, phân định trách nhiệm chưa rõ ràng, phối hợp giữa các lực lượng chưa chặt chẽ, đường biên giới đất liền dài, địa hình phức tạp là điều kiện thuận lợi cho hoạt động buôn lậu. 

Lực lượng chống buôn lậu mỏng, trang thiết bị thiếu; một bộ phận cán bộ, công chức, chiến sỹ thiếu tinh thần trách nhiệm, tha hóa, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để bảo kê, tiếp tay cho bọn buôn lậu. Một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa quan tâm công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, thiếu quyết liệt trong chỉ đạo, kiểm tra đôn đốc…

Ngoài ra không thể không đề cập đến sự “dễ dãi” của một bộ phận người tiêu dùng khi sẵn sàng tiêu thụ sản phẩm biết là hàng lậu, hàng nhái vì… giá rẻ. Đây là “động cơ” tích cực cho lực lượng buôn lậu tìm mọi cách để đưa hàng vào thị trường. 

Không ai “ngoài cuộc” trong cuộc chiến chống hàng giả

Theo nhận định của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình – Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia), “tình hình hàng giả, hàng nhái tiếp tục diễn biến phức tạp, có trách nhiệm từ công tác quản lý nhà nước, lãnh đạo của ngành chức năng, thực thi pháp luật và của Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu cũng như trách nhiệm của các doanh nghiệp trong việc bảo vệ thương hiệu của mình”. 

Để đấu tranh chống lại hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, cơ quan công an cùng với các đơn vị chức năng đã phối hợp mở các đợt cao điểm, lập chốt chặn 24/24h tại các điểm nóng vào các tháng cao điểm dịp cuối năm.

Đặc biệt chú trọng tăng cường kiểm tra việc niêm yết và bán hàng theo giá niêm yết, chống đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý; phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng đấu tranh, triệt phá các đường dây, ổ nhóm hoạt động buôn lậu, buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, kiên quyết không để xảy ra các điểm nóng về buôn lậu trên địa bàn, lĩnh vực quản lý.

Tích cực tuyên truyền nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại; gắn công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm với công tác tuyên truyền ngăn ngừa vi phạm pháp luật về thương mại; tập trung cao cho việc triển khai trọng điểm theo chuyên đề về nhóm hàng, ngành hàng, hành vi vi phạm, góp phần bình ổn thị trường, đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng, đồng thời huy động sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, các đoàn thể và quần chúng nhân dân trong đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, hàng vi phạm chất lượng an toàn thực phẩm.

Từ thực tiễn công tác phòng, chống buôn lậu thuốc lá, ông Vũ Văn Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam cho rằng: “Nếu bắt giữ được những trùm buôn lậu thì tình hình buôn lậu chắc chắn sẽ giảm”. Do đó, ông đề xuất: “Tăng cường sự kết nối trong công tác phối hợp xác minh, điều tra sâu giữa các cơ quan chức năng để tiếp tục truy quét tận gốc đường dây buôn lậu. Đồng thời, các lực lượng chức năng phối hợp rà soát, kiểm tra các tụ điểm, đầu nậu buôn bán, tàng trữ thuốc lá nhập lậu”.

Đặc biệt, theo chỉ đạo của Trưởng ban Chỉ đạo 389 quốc gia, đối với nỗ lực chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, các cấp ủy, chính quyền địa phương, cơ quan thực thi cần chỉ đạo và thực thi nghiêm các quy định của pháp luật, chú trọng nâng cao phẩm chất và năng lực, kết hợp chặt chẽ với các hiệp hội, các doanh nghiệp, cơ quan truyền thông và người tiêu dùng để công tác đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái, xâm phạm sở hữu trí tuệ... ngày càng hiệu quả, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm.

Các lực lượng chức năng phải tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc nhập khẩu các mặt hàng, không để hàng kém chất lượng, có tồn dư chất độc hại được nhập khẩu bằng đường chính ngạch, tiểu ngạch cũng như buôn lậu tuồn vào Việt Nam. Đồng thời, trong nội địa cần kiểm soát, không để các mặt hàng kém chất lượng lưu thông trên thị trường; tập trung phá cho được những đường dây, ổ nhóm buôn lậu, làm hàng giả, nhất là nhóm hàng giả ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế của đất nước. 

Như vậy, một thực tế không thể phủ nhận là dù các lực lượng chức năng “căng mình” đến bao nhiêu cũng không đủ sức ngăn “dòng thác” hàng lậu, hàng giả tràn vào thị trường nếu mỗi người tiêu dùng, người sản xuất, kinh doanh không có ý thức cùng tham gia chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại để bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp và người tiêu dùng, thu hút đầu tư, khuyến khích sáng tạo, lành mạnh hoá thị trường, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, bảo vệ sản xuất trong nước và thúc đẩy sự phát triển kinh tế đất nước.

Thường xuyên rà soát để tạo khung pháp lý đầy đủ

Phát biểu tại lễ kỷ niệm Ngày phòng chống hàng giả, hàng nhái (29/11/2016) do Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam tổ chức tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình khẳng định, lĩnh vực chống hàng giả, hàng nhái là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. 

“Chúng ta phải hành động quyết liệt, nói đi đôi với làm, duy trì liêm chính, không chấp nhận bất kỳ hành vi nào tiếp tay, bảo kê cho các vi phạm, vì doanh nghiệp và người dân để phục vụ. Để công tác chống hàng lậu, hàng giả, gian lận thương mại ngày càng hiệu quả, thực hiện tốt chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành tiếp tục chủ động, thường xuyên rà soát chính sách, pháp luật liên quan, kịp thời phát hiện những bất cập, sơ hở để khẩn trương sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện, tạo khung pháp lý đầy đủ, vững chắc để thuận lợi cho thực thi nhiệm vụ” - Phó Thủ tướng đề nghị.

Đọc thêm