Cha con không nhìn mặt nhau
Bà Nguyễn Thị Phần (SN 1938, ngụ thôn Bạch Nao, xã Thanh Văn, huyện Thanh Oai, TP Hà Nội) năm 25 tuổi lấy ông Hoàng Văn Chung (SN 1942) là người cùng xóm nhưng không đăng kí kết hôn.
Sau khi sinh hai con trai, bà Phần ở nhà lo ruộng vườn, chăm sóc con, còn chồng làm thợ cơ khí ở trung tâm TP Hà Nội. “Cuối tuần hoặc nửa tháng ông ấy về thăm vợ con một lần. Tôi ở nhà sống với gia đình chồng. Hồi đó không ai biết gì chuyện đăng ký kết hôn mà chỉ ra mắt gia đình, làm cỗ là được”, bà Phần kể.
Năm con lớn 8 tuổi, con nhỏ mới lên 2 thì bà Phần ở quê biết chuyện chồng có người phụ nữ khác. Cũng từ đó 3 mẹ con bà nương tựa vào nhau sống qua ngày. Người phụ nữ chấp nhận cảnh đơn thân nuôi con, nhiều lúc gặp khó khăn bà phải bế con về nhà bố mẹ đẻ nương nhờ. Mẹ chồng thương cảnh con dâu đã tặng miếng vườn dựng nhà ở.
Từ chiếc lán tạm bằng tre nứa ọp ẹp, bà Phần cùng các con sửa sang từng năm mới xây dựng được căn nhà cấp bốn như bây giờ. Bà Phần nói rằng mặc dù bị chồng bỏ rơi nhưng bà không hề oán trách, bà quan niệm vợ chồng không sống được với nhau là chuyện duyên phận. Niềm hy vọng của bà mấy mươi năm này là hai người con trai.
“Một mình khổ cực nuôi hai con, trong khi đó ông Chung không hề chu cấp nhưng tôi vẫn ở lại nhà chồng chăm sóc mẹ chồng và em chồng. Cho đến nay ông Chung không có trách nhiệm gì với mẹ con chúng tôi”, bà nói.
“Đến năm người con cả tròn 18 tuổi tổ chức cưới vợ, ông Chung mới qua lại thăm con, nhận phụ tử. Tôi thấy các con nhận bố cũng mừng, gia đình thêm ấm cúng. Nào ngờ mọi chuyện lại phức tạp thế này”, bà Phần nói về chuyện tranh chấp đất phức tạp của gia đình.
Theo lời bà trình bày, giữa năm 2016, con trai út cần tiền đầu tư trang trại nên ra xã hỏi thủ tục làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ), mục đích đem thế chấp ngân hàng. Lúc này mẹ con bà Phần mới biết em chồng là cán bộ địa chính xã đã “lặng lẽ” làm sổ đỏ thửa đất bà đang ở.
Theo đó, sổ đỏ được cấp từ năm 2013 nhưng cả 3 mẹ con bà Phần đều không biết dù đang sinh sống trên thửa đất đó. Sổ đỏ chỉ có tên người chồng.
Từ khi biết thông tin trên, mẹ con bà Phần liên tục làm đơn rồi trực tiếp ra UBND xã khiếu nại nhưng được hẹn lần này qua lần khác. Theo bà Phần, nguồn gốc thửa đất do mẹ chồng cho từ năm 1970. Việc cho tặng bấy giờ chỉ nói miệng chứ không viết giấy tờ gì. “Nếu không được cho đất, tôi làm sao xây nhà kiên cố, sống từ ngày đó đến nay”, bà nói.
Từ chuyện làm sổ đỏ mảnh đất trên, tình cảm gia đình bà Phần tưởng chừng được hàn gắn sau bao năm xa cách trở nên căng thẳng. Thậm chí mọi người không nhìn mặt nhau.
Sau nhiều lần bàn bạc không thành, trong tháng 6/2016, gia đình bà Phần tổ chức họp nội bộ. Tại buổi họp này, chồng bà Phần nói rằng thửa đất thuộc quyền sử dụng của mình và đề nghị chia thửa đất làm ba phần cho ba người con trai (hai con chung với bà Phần và một con trai với vợ sau). Tuy nhiên mẹ con bà Phần không đồng ý, nói rằng ông Chung bỏ rơi vợ con nên không có quyền lợi trên thửa đất.
“Tôi nói nếu ông ấy chia đất ở quê làm ba phần thì tài sản ngoài trung tâm Hà Nội cũng chia làm ba nhưng ông từ chối. Ông ấy bỏ đi lúc tôi 36 tuổi, nay tôi 81 tuổi rồi. Ông ấy bỏ rơi vợ con nên không có quyền về đây đòi đất nữa”, cụ bà bức xúc.
Buổi họp nội bộ kết thúc mà không đi đến thống nhất nào. Từ đó đến nay mẹ con bà Phần liên tiếp gửi đơn đến các cơ quan chức năng đề nghị xem xét lại thủ tục cấp sổ đỏ đối với thửa đất.
|
Căn nhà đang tranh chấp |
Luật sư “gỡ rối”
Tư vấn về tình huống pháp lý trên, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn luật sư Hà Nội) cho biết muốn xác định ai là người có quyền sử dụng diện tích đất cũng như quyền lợi các bên liên quan, trước hết cần làm rõ nguồn gốc thửa đất.
Theo luật sư Thơm, trường hợp bà Phần muốn đòi quyền sử dụng đất cần chứng minh đây là tài sản bà được tặng, cho hợp pháp. Nếu nhà chồng bà Phần tặng riêng thửa đất này cho người chồng thì chỉ người này có quyền sử dụng thửa đất. Khi đó bà Phần chỉ được hoàn trả lại chi phí, công sức cải tạo đất cũng như bồi thường tài sản có trên đất.
Một luật sư khác thuộc Đoàn luật sư TP.HCM phân tích như sau: Tại mục 3, Nghị quyết số 35/2000/NQ- QH10 của Quốc hội ngày 9/6/2000 về việc thi hành luật HN&GĐ quy định cụ thể ba trường hợp:
Thứ nhất, trong trường hợp quan hệ vợ chồng được xác lập trước ngày 3/1/1987, ngày Luật HN&GĐ năm 1986 có hiệu lực mà chưa đăng ký kết hôn (ĐKKH) thì được khuyến khích ĐKKH. Nếu có yêu cầu ly hôn thì được toà án thụ lý giải quyết theo quy định về ly hôn của Luật HN&GĐ năm 2000.
Thứ hai, nam và nữ chung sống với nhau như vợ chồng từ ngày 3/1/1987 đến ngày 1/1/2001, có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của pháp luật thì có nghĩa vụ ĐKKH trong thời hạn hai năm, kể từ ngày Luật HN&GĐ năm 2000 có hiệu lực đến ngày 1/1/2003; Trong thời hạn này không ĐKKH nhưng có yêu cầu ly hôn thì toà án giải quyết theo Luật HN&GĐ năm 2000.
Kể từ ngày 1/1/2001 trở đi, nam và nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không ĐKKH đều không được pháp luật công nhận là vợ chồng. Nếu những người này có yêu cầu ly hôn thì Toà án thụ lý và tuyên bố không công nhận quan hệ vợ chồng; nếu có yêu cầu về con và tài sản thì toà án áp dụng Luật HN&GĐ năm 2000 để giải quyết.
“Chiếu theo những quy định trên, cộng với thông tin gia đình cung cấp thì bà Phần và ông Chung chưa được pháp luật công nhận là vợ chồng. Như vậy bà Phần có quyền đòi quyền lợi với công sức, tài sản đã bỏ ra cải tạo thửa đất.
Còn nếu bà Phần được tặng, cho đất thì phải chứng minh. Nếu các bên liên quan không đồng ý với các phương án giải quyết của chính quyền thì có thể khởi kiện ra tòa án để bảo vệ quyền lợi của mình”, vị luật sư này nói.
Về khiếu nại cấp sổ đỏ trái pháp luật, các chuyên gia pháp luật sư khác nhận định nếu diễn biến đúng như lời mẹ con bà Phần trình bày thì việc cấp sổ đỏ có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Do đó người có quyền lợi có thể làm đơn khiếu nại đến các cấp để yêu cầu xem xét, cụ thể ở đây là UBND huyện Thanh Oai.