Vụ tai nạn oái oăm bỏ tù nạn nhân, phạt hành chính 'quái xế'

(PLO) -Sang đường để vào nhà, bà Hằng và bạn bị hai người tông trúng. Vụ tai nạn khiến bạn chết, bà Hằng bị thương nặng. Thật bất ngờ, bà Hằng bị khởi tố, bị đưa ra tòa xử lý hình sự, còn kẻ tông người chỉ bị phạt hành chính.
Bà Hằng cho rằng mình là nạn nhân nhưng đùng một cái lại trở thành bị cáo
Bà Hằng cho rằng mình là nạn nhân nhưng đùng một cái lại trở thành bị cáo

2 nạn nhân, người chết, người bị khởi tố 

Ngày 16/12, TAND huyện Bến Lức, tỉnh Long An vừa tuyên phạt bà Phan Thúy Hằng (SN 1967, ngụ quận Gò Vấp, TP HCM) 12 tháng tù treo với tội danh “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”. Bà Hằng bị kết luận là sang đường không quan sát gây ra tai nạn dẫn đến cái chết cho người bạn Đỗ Thị Thanh Thúy.

Theo hồ sơ, bà Hằng điều khiển xe máy chở bạn lưu thông từ TP HCM về huyện Bến Lức (Long An) thăm mẹ. Tới nhà mẹ trên đường tỉnh lộ 832 thuộc ấp 1, xã Nhựt Chánh, bà dừng xe, bật xi nhan, quan sát rồi cho xe sang bên kia đường để vào nhà. Bà Hằng kể: “Tôi quan sát rất kỹ hai chiều. Khi đi tới tim đường, tôi còn dừng lại quan sát mới cho xe chạy tiếp”.

Vì vỉa hè xây cao hơn lòng đường rất nhiều, tay lái yếu, không dám cho xe chạy thẳng lên, bà Hằng dừng xe lại, dự định bảo bạn xuống xe để mình dắt bộ lên vỉa hè vào nhà. Tuy nhiên, bà Hằng vừa dừng lại thì bị ông Hà Tấn Phong điều khiển xe máy chở theo ông Võ Văn Đồ chạy hướng từ Long An về TP HCM tông phải. Cú đâm khiến bà Thúy văng xa hàng chục mét, bà Hằng ngã xuống đường, xe máy đè lên.

Theo lời nhân chứng, khi tông trúng xe bà Hằng, người điều khiển xe máy là ông Phong còn nói: “Không thấy, không thấy”, phải chăng ý nói là không nhìn thấy xe của bà Hằng? Cả bà Thúy và bà Hằng đều bất tỉnh nhân sự, được đưa vào bệnh viện huyện Bến Lức cấp cứu.

Do bị thương quá nặng, bà Thúy tử vong, riêng bà Hằng tiếp tục được đưa đến bệnh viện 175 (TP HCM) cấp cứu. Bà Hằng bị chấn thương sọ não, chấn thương và trầy xước phần mềm. Riêng ông Phong và ông Đồ bị thương nhẹ.

“Hai người đàn ông chạy xe với tốc độ rất nhanh. Họ đâm thẳng vào xe bà Hằng và không hề bóp thắng. Lúc đó, cả hai người đàn ông đều nồng nặc mùi rượu”, nhân chứng nói.

Bà Hằng nằm bất tỉnh 21 ngày trong bệnh viện. Sau đó công an huyện Bến Lức khởi tố vụ án, lấy lời khai những người liên quan. Theo lời bà Hằng:

“Điều tra viên một vài lần tới nhà tôi để lấy lời khai. Ông Phong cũng được yêu cầu đến nhà bà Thúy hỗ trợ 50 triệu đồng và được làm đơn bãi nại. Ông Phong tiếp tục năn nỉ tôi làm giấy bãi nại, chính điều tra viên là người động viên tôi bãi nại để “xếp hồ sơ”. Tôi nghĩ giữ được mạng sống là may mắn lắm. Thế nên, ông Phong hỗ trợ tiền sửa xe, thuốc men 15 triệu đồng và tôi làm giấy bãi nại”.

Tưởng chừng mọi chuyện đã qua, bà Hằng lo điều trị thương tích. Tuy nhiên, như sét đánh ngang tai, vào tháng 7/2016, bà Hằng nhận được quyết định khởi tố bị can. “Tôi gần như sụp đổ, không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Từ đầu, người ta đối xử, làm việc với tôi như một nạn nhân. Đùng một phát thành thủ phạm gây ra cái chết cho bạn mình”, bà Hằng nói.

Theo kết luận điều tra, CQĐT cho rằng bà Hằng dừng lại quan sát, dù phát hiện ở chiều ngược lại xe của ông Phong đang lưu thông nhưng vẫn mở đèn xi nhan, chuyển hướng sang đường.

Ông Phong phát hiện phía trước có xe bà Hằng nhưng chỉ còn cách 10m, không kịp xử lý nên xảy ra va chạm dẫn đến chết người. Cho rằng hành vi của bà Hằng vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao đường bộ nên tiến hành truy tố. Còn đối với ông Phong thì chỉ bị phạt hành chính.

Giấy tờ chứng minh ông Phong là người gây tai nạn nên mới bồi thường cho bà Hằng và được viết giấy bãi nại
Giấy tờ chứng minh ông Phong là người gây tai nạn nên mới bồi thường cho bà Hằng và được viết giấy bãi nại 

Bản án nhiều thiếu sót 

Ngay khi nhận được bản kết luận điều tra, người nhà bà Hằng đã yêu cầu dựng lại hiện trường vụ việc, nhất là tốc độ của ông Phong khi xảy ra vụ tai nạn là bao nhiêu. Anh rể bà Hằng nói: “Tôi là người trực tiếp nói chuyện với điều tra viên.

Tuy nhiên, họ không chấp nhận dựng hiện trường. Về tốc độ thì do hiện trường không có vết thắng xe nên không đo được. Còn ông Phong thì chỉ khai nhận đi với tốc độ khoảng 50 – 60km/h. Phải biết rằng, nơi xảy ra vụ tai nạn là khu vực đông dân cư. Cách hiện trường, hướng ông Phong điều khiển xe máy là biển cảnh báo “có chợ”.

Vậy tốc độ như thế có vượt quá mức cho phép hay không? Khoảng cách khi em tôi băng qua đường với ông Phong là bao nhiêu? Việc dựng lại hiện trường, tính toán tốc độ là cần thiết. Nếu nói em tôi qua đường thiếu quan sát thì phải có chứng cứ chứng minh. Ngoài ra, ông Phong được đo nồng độ cồn vượt mức cho phép là 0.679 mg/lít khí thở”.

Phiên tòa xét xử nhiều lần bị hoãn do thiếu người hoặc do sức khỏe của bà Hằng yếu, không thể tham dự. Bào chữa cho bà Hằng, Luật sư Nguyễn Thanh Phú (Đoàn Luật sư TP HCM) cho rằng cơ quan chức năng chỉ dựa vào hành vi băng qua đường của bà Hằng và cho rằng hành vi này không an toàn, dẫn đến vụ tai nạn là đánh giá nguyên nhân gây ra vụ tai nạn là phiến diện, quy chụp.

“CQĐT không đánh giá hành vi điều khiển xe máy của ông Phong có hay không nguyên nhân gây ra tai nạn về tốc độ, về nồng độ cồn gấp nhiều lần cho phép. Những chứng cứ bất lợi cho ông Phong đều không được đề cập đến trong kết luận điều tra và cáo trạng. Với nồng độ cồn này, ông Phong có thể quan sát được phía trước hay không?

Vụ tai nạn theo nhân chứng thì diễn ra rất nhanh, va chạm rất mạnh. Khu vực đó lại là chợ, người điều khiển phương tiện đều phải đi chậm. Vậy đối với tốc độ của ông Phong có chậm hay chưa? Nếu như đi chậm, tỉnh táo thì phát hiện bà Hằng sang đường bất ngờ cũng có thể phản ứng và hậu quả không nghiêm trọng. CQĐT chưa đánh giá hết toàn bộ vụ án đã kết án một nạn nhân là không phù hợp cả về lý, lẫn tình”, LS Phú trình bày.

“Trước đó, Công văn số 1619 của Sở Giao thông Vận tải tỉnh Long An cho biết, quy định của người tham gia giao thông trên Tỉnh lộ 832 tốc độ tối đa cho phép chỉ 50km/h. Khu vực xảy ra tai nạn là đoạn đường đông dân cư và người điều khiển phương tiện giao thông có nghĩa vụ phải giảm tốc độ theo thông tư 91/2015 của Bộ GTVT quy định về tốc độ và khoảng cách an toàn của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông. Với những chứng cứ nói trên, cần trả hồ sơ điều tra lại”, LS Phú nói.

Ngoài ra, theo người anh bà Hằng: “Em tôi đã hoàn thành xong hành vi sang đường, bằng chứng là dừng lại để xuống xe dắt lên lề. Nếu như đủ tỉnh táo, không say xỉn, với mặt đường lớn 12m, ông Phong có thể né được. Vậy ai mới là người gây nên vụ tai nạn nói trên? Tôi không hiểu chuyện gì khiến cơ quan chức năng khởi tố ngược như vậy. Trong quá trình điều tra, tôi nhiều lần yêu cầu dựng lại hiện trường nhưng không được chấp nhận”.

Bà Hằng cho biết sẽ kháng cáo. Bà nói: “Nếu xử lý hình sự tôi thì ông Phong cũng bị xử lý. Tôi không chấp nhận được bản án đã tuyên”. 

Được biết, hoàn cảnh gia đình bà Hằng rất khó khăn. Bà Hằng không có chồng, không có con, nhiều năm qua phải đi ở mướn cho nhà người khác kiếm nơi ăn, chốn ở; làm kiếm tiền phụ chăm sóc mẹ già ở huyện Bến Lức. Vụ tai nạn khiến bà bị thương nặng, đến nay vẫn đang điều trị. Do không đi làm được, bà Hằng đang sống nương nhờ vào các anh chị em, mỗi người một vài tháng.

Đọc thêm