Ưu tiên triển khai việc xử lý, phục hồi sông Bắc Hưng Hải, sông Nhuệ - Đáy
Sáng 29/6, tại Phiên bế mạc Kỳ họp thứ 7, với 472/473 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành (bằng 97,12% tổng số đại biểu Quốc hội), Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp.
Tại Nghị quyết, Quốc hội thống nhất đánh giá, sau 2,5 ngày làm việc nghiêm túc, dân chủ, trách nhiệm, tinh thần xây dựng cao, Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 7 đã thành công tốt đẹp, thu hút được sự quan tâm của Nhân dân và cử tri cả nước.
Quốc hội ghi nhận những nỗ lực, cố gắng của Chính phủ, Thủ tướng, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Kiểm toán nhà nước (KTNN) trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ trên các lĩnh vực, đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Qua chất vấn, Quốc hội nhận thấy còn một số hạn chế và bất cập cần khắc phục trong công tác quản lý nhà nước đối với các lĩnh vực. Quốc hội cơ bản tán thành với các giải pháp, cam kết mà Bộ trưởng các Bộ Tài nguyên và Môi trường; Công Thương; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Tổng Kiểm toán nhà nước và các thành viên khác của Chính phủ đã báo cáo tại Phiên chất vấn.
Trên cơ sở đó, Quốc hội yêu cầu, đối với lĩnh vực tài nguyên và môi trưởng, thực hiện hiệu quả Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Ưu tiên nguồn lực nghiên cứu, điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.
Tập trung triển khai hiệu quả Luật Tài nguyên nước năm 2023, bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn hồ đập và ngăn chặn tình trạng suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm và sử dụng thất thoát, lãng phí, không hiệu quả tài nguyên nước. Đẩy mạnh xã hội hoá trong bảo vệ và phát triển tài nguyên nước.
Nghiên cứu, đề xuất cơ chế chính sách huy động nguồn lực thu gom nước thải, nạo vét, khơi thông dòng chảy, cải tạo cảnh quan tại các dòng sông bị ô nhiễm nghiêm trọng; ưu tiên triển khai việc xử lý, phục hồi sông Bắc Hưng Hải, sông Nhuệ - Đáy.
Khẩn trương có lộ trình, giải pháp xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường tại các cụm công nghiệp, làng nghề đang hoạt động; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các sai phạm. Hàng năm, bảo đảm tỷ lệ sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh của dân cư nông thôn đạt 93% đến 95%.
Tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng; chỉnh lý, hoàn thiện, trình Quốc hội xem xét, thông qua dự án Luật Địa chất và khoáng sản tại Kỳ họp thứ 8 bảo đảm chất lượng.
Đối với lĩnh vực công thương, tiếp tục hoàn thiện pháp luật về thương mại điện tử và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong việc quản lý, giám sát và giải quyết tranh chấp trực tuyến trong hoạt động thương mại điện tử. Nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện quy định xác thực tài khoản người bán cá nhân và cung cấp thông tin trên các ứng dụng thương mại điện tử.
Tăng cường ứng dụng công nghệ trong công tác quản lý, giám sát các trang mạng, ứng dụng thương mại điện tử và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật; bảo đảm thu đúng, thu đủ, kịp thời và chống thất thu thuế trong thương mại điện tử, kinh doanh trên các nền tảng thương mại điện tử, kinh doanh trên các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới.
Tập trung kiểm toán những vấn đề “nóng”, được dư luận quan tâm
Đối với lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch, tổ chức thực hiện hiệu quả mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp về văn hoá trong các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình, đề án đã được ban hành, nhất là bảo tồn và phát triển các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch.
Đầu tư có trọng tâm, trọng điểm để bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, ngăn ngừa nguy cơ mai một văn hóa của các dân tộc thiểu số, đặc biệt là các dân tộc thiểu số rất ít người và phát triển mạng lưới thiết chế văn hóa, thể thao, chú trọng hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở.
Tăng cường đầu tư gắn với đổi mới nội dung, nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Đối với lĩnh vực kiểm toán, Quốc hội yêu cầu KTNN tập trung kiểm toán những vấn đề “nóng”, được dư luận xã hội, Quốc hội và cử tri quan tâm; cung cấp kịp thời báo cáo kiểm toán cho cơ quan có thẩm quyền phục vụ công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, điều tra.
Quốc hội cũng yêu cầu KTNN tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực thi công vụ, quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp của kiểm toán viên; đề cao vai trò người đứng đầu, Tổ trưởng Tổ Kiểm toán, Trưởng Đoàn kiểm toán, phát hiện, chấn chỉnh và xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, tiêu cực; thực hiện nghiêm các quy định về luân chuyển, điều động cán bộ, kiểm toán viên.
Các Bộ, ngành địa phương, đơn vị được kiểm toán, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, tài chính công, tài sản công; thực hiện đầy đủ, kịp thời các kết luận, kiến nghị kiểm toán về xử lý tài chính, xử lý khác và sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật.
“Kiểm điểm trách nhiệm tổ chức, cá nhân và xử lý nghiêm các trường hợp không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ kết luận, kiến nghị kiểm toán, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị để xảy ra sai phạm, gây thất thoát ngân sách nhà nước và tài sản nhà nước. Rà soát, nghiên cứu, báo cáo cấp có thẩm quyền kịp thời tháo gỡ các vướng mắc trong thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán”, Nghị quyết nêu rõ.