Chữ bác sĩ - 'nỗi khổ' của bệnh nhân nhiều quốc gia

(PLVN) - Từ lâu, vấn nạn bác sĩ viết chữ xấu vốn không còn xa lạ trong ngành Y tế của hầu hết các quốc gia trên thế giới. Đây không chỉ là “nỗi khổ” của bệnh nhân, gây khó khăn cho việc đọc - hiểu, mà còn có thể khiến bệnh nhân uống nhầm thuốc, sai liều lượng, dẫn đến hậu quả xấu, thậm chí là tử vong.
Ảnh minh họa. (Ảnh: dantri.com.vn)

Nỗ lực giải mã chữ viết tay của bác sĩ

Trong ngành Y tế nói chung, câu chuyện bác sĩ viết chữ xấu vốn tồn tại nhiều năm nay. Câu chuyện không chỉ xuất hiện ở Việt Nam mà hầu như trên toàn thế giới. Chữ của bác sĩ thường xấu đến mức người xem không thể đọc được nếu như không có kiến thức y khoa. Những con số thống kê cho thấy, ở Mỹ có khoảng 10% bác sĩ viết chữ không đọc được, Anh là 15%, Ấn Độ 18% và Nepal lên tới 49%. Như vậy, có đến hàng triệu người trên thế giới đang phải nỗ lực giải mã chữ viết tay của bác sĩ.

Lý giải cho việc vì sao bác sĩ viết chữ xấu, một bài báo trên Tạp chí Khoa học Y tế Manipal ghi rằng: Trước hết, các bác sĩ viết không rõ ràng không phải là một hành động cố ý nhằm gây nhầm lẫn cho mọi người, mà là một hậu quả vô tình của việc coi trọng những công việc khác. Chúng ta nên thừa nhận rằng bác sĩ không phải là những người bình thường mà chính là những người thể hiện kĩ năng vận động tinh xảo, như trong các ca phẫu thuật phức tạp.

Thứ hai, các bác sĩ có xu hướng dồn toàn bộ tâm sức tập trung vào việc chẩn đoán và điều trị hơn là ghi văn bản hoặc viết đơn thuốc mà bệnh nhân cũng như người thân của họ đang hồi hộp chờ đợi. Tuy nhiên, chữ viết của các bác sĩ cũng không khá hơn, khi họ viết những bức thư chung chung trong những giờ rảnh rỗi ở nhà.

Có thể thấy, việc các bác sĩ viết chữ xấu không phải do cố tình, cũng không phải vì muốn đánh đố bệnh nhân mà nguyên do đến từ đặc thù công việc của họ. Ai cũng biết công việc của bác sĩ áp lực rất lớn, mỗi ngày khám bệnh cho hàng trăm bệnh nhân. Vào những ngày cao điểm, nhu cầu của người dân đến khám, chữa bệnh ngày càng tăng cao, trong khi số lượng bác sĩ không đủ để đáp ứng, các bác sĩ phải làm việc thêm giờ và đối mặt với nhiều áp lực khác nhau. Điều này khiến các bác sĩ không chỉ làm trong môi trường áp lực mà còn phải làm việc với tốc độ nhanh. Do đó, việc viết chữ xấu trở thành điều không thể tránh khỏi.

Dẫu biết đây là “chuyện thường ngày ở huyện”, thế nhưng nếu chữ bác sĩ chỉ viết cho bác sĩ đọc thì không sao, nhưng vì người đọc là bệnh nhân nên câu chuyện trở nên phức tạp. Nhất là khi chữ viết có liên quan trực tiếp đến sức khoẻ bệnh nhân thông qua việc nhận xét tình trạng bệnh, kê đơn thuốc…

Hệ luỵ của việc chữ bác sĩ kê đơn xấu rất dễ thấy, đặc biệt trong việc mua thuốc theo kê đơn có thể khiến người bệnh sử dụng sai thuốc hoặc không đúng liều, dẫn đến hậu quả xấu, thậm chí là tử vong. Theo một báo cáo, hằng năm ở Mỹ có hơn 7.000 - 9.000 người chết và ít nhất 1,5 triệu người bị ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ do nhầm lẫn về thuốc.

Cần nhiều cách khắc phục

Trước thực trạng chữ bác sĩ “như gà bới”, nhiều quốc gia đã tìm cách khắc phục bằng các cách xử phạt, bắt bác sĩ cải thiện chữ viết, kê đơn điện tử… Tại Ấn Độ, việc bác sĩ viết chữ xấu là điều không mới nhưng tại đây chữ viết của bác sĩ đã trở thành lĩnh vực chịu sự điều chỉnh của luật pháp. Vào đầu năm 2024, Toà án tối cao Odisha (bang Odisha) đã ban hành lệnh cho tất cả các bác sĩ viết báo cáo khám nghiệm tử thi và đơn thuốc bằng chữ in hoa hoặc ít nhất là chữ viết tay dễ đọc. Được biết, lệnh được ban hành sau khi toà án xét xử một trường hợp tử vong do rắn cắn, nhưng báo cáo khám nghiệm tử thi không được viết rõ ràng.

Ảnh minh họa. (Ảnh: dantri.com.vn)

Một lần khác, 3 bác sĩ tại bang Uttar Pradesh của Ấn Độ đã bị tòa án địa phương phạt mỗi người 5.000 rupi (khoảng 1,7 triệu VND) trong 3 vụ việc riêng rẽ vì chữ viết quá xấu. Theo tòa thượng thẩm Allahabad ở Lucknow (thủ phủ bang Uttar Pradesh) các hồ sơ bệnh án về thương tích của nạn nhân trong 3 vụ án hình sự được cấp bởi các bác sĩ thuộc 3 bệnh viện tại huyện Sitapur, Unnao và Gonda là “không thể đọc được” và điều này được coi là gây khó khăn cho hoạt động của tòa. Phán quyết của tòa cũng yêu cầu giới chức địa phương bảo đảm trong tương lai mọi hồ sơ bệnh án phải được thể hiện bằng ngôn ngữ dễ đọc và chữ viết rõ ràng.

Theo South China Morning Post, vài năm trước, một bệnh viện ở thành phố Ninh Ba, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc đã đưa ra yêu cầu các bác sĩ phải cải thiện chữ viết, nếu không sẽ bị trừ tiền phụ cấp. Thông báo cho biết các bác sĩ phải viết chữ cẩn thận và rõ ràng trong sổ khám bệnh của bệnh nhân, để giúp người bệnh có thể đọc được và hiểu rõ yêu cầu của bác sĩ, cũng như dễ dàng cho đồng nghiệp trong quá trình đội ngũ bác sĩ phối hợp, điều trị cho người bệnh. Giám đốc bệnh viện cũng đã lập ra một chính sách khen thưởng cho vấn đề chữ viết của bác sĩ nơi đây.

Còn tại Việt Nam, Theo Nghị định 117 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, một trong các hành vi liên quan đến kê đơn thuốc sẽ bị phạt tiền 1 - 2 triệu đồng là “không ghi đầy đủ, rõ ràng vào đơn thuốc”. Tuy nhiên, việc xử phạt 1 - 2 triệu đồng theo quy định trên đây khó áp dụng vì khái niệm thế nào là "không ghi đầy đủ, rõ ràng" khá mù mờ, phải định nghĩa rõ điều này thì mới có căn cứ để phạt. Về nguyên tắc, đơn thuốc nào cũng ghi đầy đủ các thông tin trên. Vấn đề là việc viết tay khiến đa số bệnh nhân, thậm chí dược sĩ khó đọc, khó dịch, nhưng vẫn có người dịch ra được thì khó xử phạt.

Vì vậy, để giải quyết vấn đề “chữ bác sĩ”, giải pháp đơn thuốc đánh máy đã được thực hiện tại Việt Nam. Trong Thông tư 04/2022, theo yêu cầu của Bộ Y tế, trước 30/6/2023, tất cả cơ sở khám, chữa bệnh phải thực hiện việc kê đơn thuốc điện tử. Theo đó, lộ trình này được đặt ra với bệnh viện từ hạng 3 trở lên phải hoàn thành trong năm 2022, trong khi các cơ sở khám, chữa bệnh khác (như trạm y tế, các cơ sở y tế tư nhân...) thì muộn hơn, hoàn thành trước tháng 7/2023. Đây được coi là một động thái quan trọng nhằm tăng cường an toàn trong giao tiếp y tế. Đồng thời đây cũng là bước ngoặt trên hành trình số hoá bệnh án - “xoá sổ” bệnh án giấy, ngành Y tế đặt mục tiêu năm 2030, tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh phải triển khai hồ sơ bệnh án điện tử.

Việc chuyển đổi số trong y tế là hoạt động gắn liền, mật thiết với bệnh viện, thầy thuốc và người dân Việt Nam. Trước tiên là đơn thuốc hay bệnh án khi chuyển từ viết tay sang đánh máy, người dân không còn phải đau đầu dịch. Tiếp theo, mỗi hồ sơ bệnh án điện tử được áp dụng sẽ tiết kiệm thời gian cho bác sĩ hơn là bệnh án giấy. Theo kết quả khảo sát được thực hiện tại Bệnh viện TP Thủ Đức (TP HCM), thời gian làm hồ sơ giảm rõ rệt từ 30,56 phút (với hồ sơ bệnh án giấy) còn 18,46 phút (bệnh án điện tử).

Mặc dù đã có nhiều giải pháp được đưa ra cũng như đã triển khai, nhưng để khắc phục tình trạng “chữ xấu” của bác sĩ có lẽ sẽ còn là câu chuyện dài và khó. Như tại Ấn Độ, dù đã có nhiều lệnh phạt và quy định về chữ viết của bác sĩ nhưng nhìn chung tình trạng trên vẫn chưa được cải thiện. Còn tại Việt Nam, Thông tư 04/2022 đã được ban hành nhưng do không nêu rõ yêu cầu khi nào phải “xóa sổ” đơn thuốc viết tay, vì thế không ít cơ sở y tế từ tuyến Trung ương tới xã, phường, y tế tư nhân, vẫn còn tình trạng đơn thuốc được bác sĩ kê bằng tay, thay vì in đơn điện tử. Do đó, ngành Y tế Việt Nam cần nỗ lực đẩy sớm lộ trình bằng cách triển khai đặt lịch khám trực tuyến, thanh toán viện phí điện tử, áp dụng phần mềm quản lý hồ sơ bệnh án đã được thẩm định và bỏ bệnh án giấy tại các bệnh viện trên cả nước.

Đọc thêm