Ông Nguyễn Xuân Đông được bầu vào HĐQT Công ty Vinaconex ICT trong phiên họp đại hội đồng cổ đông thường niên ngày 1/3/2019. Ngoài chức vụ thành viên HĐQT của Vinaconex ICT, ông Nguyễn Xuân Đông còn giữ chức thành viên HĐQT, Tổng giám đốc Vinaconex; Chủ tịch HĐQT Vimeco, Chủ tịch HĐQT Vinaconex 25, thành viên HĐQT nhiều công ty thành viên khác của Vinaconex.
Sau gần 2 tháng giữ chức vụ thành viên HĐQT của Vinaconex ICT, ông Nguyễn Xuân Đông bất ngờ xin từ nhiệm vì lý do cá nhân.
Công ty Vinaconex ICT đang gây chú ý quan tâm của giới đầu tư khi trong một thời gian rất ngắn, giá cổ phiếu của công ty này đã tăng với tốc độ phi mã, từ 5.100 đồng (ngày 7/3/2019) lên 22.300 đồng (ngày 24/5/2019) trong khi báo cáo kinh doanh cho thấy, công ty vẫn đang lỗ.
Vinaconex ICT trước đây chính là Ban quản lý dự án Cái Giá - Cát Bà trực thuộc Vinaconex. Đơn vị này được thành lập với nhiệm vụ thực hiện đầu tư Dự án Cát Bà Amatina nằm tại vịnh Cái Giá, đảo Cát Bà. Sau hai năm thành lập, Ban quản lý dự án được chuyển đổi thành Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển du lịch Vianconex với số vốn điều lệ ban đầu là 300 tỷ đồng do các cổ đông sáng lập là Vinaconex (53% vốn điều lệ), Ngân hàng Eximbank (10% vốn điều lệ), Công ty chứng khoán Ngân hàng NN và PTNT (10,67% vốn điều lệ) và các cổ đông khác.
|
Phối cảnh khách sạn 5 sao trong dự án Cát Bà Amatina của Vinaconex ICT |
*Cũng trong thời điểm này, cùng với việc ông Nguyễn Xuân Đông rút khỏi HĐQT, Công ty Vinaconex ICT đang thực hiện một đợt huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu chuyển đổi riêng lẻ để vay vốn từ công ty mẹ Vinaconex.
Cụ thể, ngày 19/3/2019, HĐQT Công ty Vinaconex ICT đã có nghị quyết triển khai phương án phát hành trái phiếu chuyển đổi riêng lẻ với số lượng 3 triệu trái phiếu, mệnh giá 100 nghìn đồng. Tổng giá trị trái phiếu phát hành là 300 tỷ đồng. Số tiền này được huy động để thực hiện dự án khu đô thị Cái Giá trên đảo Cát Bà, mà chủ yếu sử dụng nộp tiền sử dụng đất và tiền phạt chậm nộp.
Vừa qua, Vinaconex đã có phương án đầu tư tiền để mua trái phiếu của Công ty Vinaconex ICT, mở đường cho việc Vinaconex đổ vốn vào công ty con đang thua lỗ này.
Khi Vinaconex có phương án rót vốn cho Vinconex ICT thông qua việc mua trái phiếu chuyển đổi thì đã có ý kiến trái chiều bởi việc mua trái phiếu bởi tiềm ẩn những yếu tố rủi ro có thể biết trước.
Theo một số nguồn tin của Báo Pháp Luật, Tổng công ty đã đầu tư vào công ty con Vinaconex ICT hơn 192 tỷ đồng; bảo lãnh tín dụng hơn 154 tỷ đồng nên nếu Tổng công ty tiếp tục bỏ ra 300 tỷ để mua trái phiếu chuyển đổi mà không có tài sản đảm bảo sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro. Việc vay vốn qua phát hành trái phiếu để thực hiện dự án mà Vinaconex ICT lại chưa có kế hoạch cụ thể cho việc triển khai dự án, nguồn vốn để triển khai tiếp theo thì sẽ là “phiêu lưu”.
Dường như việc đưa ra phương án huy động vốn cho Vinaconex ICT là một bài tính đánh vào tâm lý của giới đầu tư chứng khoán, đẩy giá cổ phiếu lên bất thường. Giá cổ phiếu của Vinaconex ICT (mã cổ phiếu VCR) đã tăng phi mã đến gần 400% từ đầu năm đến nay.
|
Cụ thể, trong tháng 1 và 2/2019, giá cổ phiếu VCR chỉ dao động từ 4.100 đồng đến 5.000 đồng/cổ phiếu thì sau phiên họp Đại hội đồng cổ đông Vinaconex ICT ngày 1/3/2019, trong khi giá chuyển đổi của Vinaconex là 10.000 đông/cổ phần thì giá cổ phiếu VCR liên tục tăng điểm. Ngày 19/3/2019, HĐQT Vinaconex ICT ra nghị quyết về phát hành trái phiếu, giá cổ phiếu VCR tăng lên 10.000 đồng/cổ phiếu. Trong các phiên giao dịch gần đây, giá cổ phiếu VCR đã đạt đỉnh 22.300 và chưa có dấu hiệu dừng lại.
Điều đáng nói, trong báo cáo tài chính 2 năm gần nhất, Vinaconex ICT luôn lỗ với mức lợi nhuận “âm” lần lượt là 15 tỷ (năm 2017) và 11 tỷ (năm 2018). Phương án huy động vốn cũng chỉ dự kiến làm cho công ty không lỗ, với mức lợi nhuận kỳ vọng là 1,8 tỷ đồng. Vậy, với những gì đang diễn ra thì liệu phương án huy động vốn này có thực sự tạo ra sự phát triển bền vững hay bất chấp các rủi ro, các lãnh đạo Vinaconex thực sự chỉ nhằm đến việc kích thích thị trường và đạt được mục tiêu ngắn hạn, bất chấp rủi ro dài hạn cho các cổ đông?
|
Giá cổ phiếu VCR tăng phi mã đến 400% sau khi có phương án phát hành trái phiếu chuyển đổi để huy động vốn cho dự án có tổng mức đầu tư lên đến 1 tỷ USD và đang khát vốn |
Trước đó Tổng Công ty Vinaconex đã có động thái thay đổi hàng loạt những người của An Quý Hưng vào các vị trí lãnh đạo hàng chục công ty thành viên như Công ty Cổ phần Xây dựng số 12, Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và phát triển năng lượng Vinaconex, Công ty Cổ phần Vimeco, Công ty Cổ phần Xây dựng số 1, Công ty Cổ phần Vận tải Vinaconex. Chính động thái các đại diện An Quý Hưng nắm giữ hết các vị trí chủ chốt tại Vinaconex và các Công ty thành viên này đã tạo nên bức xúc trong cổ đông về thực trạng “lợi ích nhóm” An Quý Hưng đang tồn tại tại tổng công ty truyền thống này, không phù hợp với thông lệ công ty đại chúng niêm yết, khiến một số cổ đông vừa qua đã khởi kiện.