Chủ tịch Bắc Giang: 'Tỉnh đang thiếu trang thiết bị, vật tư y tế và nhân lực'

(PLVN) - Cho biết tỉnh đang cần thêm trang thiết bị, vật tư y tế và nhân lực trong phòng, chống dịch COVID - 19, Chủ tịch Bắc Giang Lê Ánh Dương đồng thời đề nghị được cung cấp trang thiết bị dự trữ hoặc cho phép tỉnh mượn...
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì cuộc họp chiều 30/5. Ảnh: Đức Duy.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì cuộc họp chiều 30/5. Ảnh: Đức Duy.

Thông tin được đưa ra trong buổi làm việc với Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, chiều qua, 30/5. Cùng tham dự buổi làm việc có Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại Bắc Giang; Ông Dương Văn Thái, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang; Ông Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh, cùng lãnh đạo các bộ, ngành liên quan.

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang đề nghị, để rút ngắn thời gian, Bộ Y tế cấp trang thiết bị từ nguồn dự trữ quốc gia hoặc cho phép tỉnh mượn thiết bị từ các địa phương khác, đồng thời hỗ trợ nhân lực cho các tuyến điều trị.

Đối với công tác xét nghiệm, ông Lê Ánh Dương cho biết, tỉnh thiếu khoảng 400 người để phục vụ lấy mẫu. Tỉnh Bắc Giang tập trung vào các thôn là các ổ dịch lớn, thời gian tới Bắc Giang sẽ mở rộng tầm soát ra toàn tỉnh...

Bắc Giang được Chính phủ ưu tiên phân bổ 150.000 liều vắc xin. Tỉnh đã xây dựng kế hoạch để có thể sử dụng hết số vắc xin này trong một tuần và quyết tâm chạy đua với thời gian để tiêm cho công nhân sớm được quay trở lại làm việc. Để thực hiện được kế hoạch này, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương đề xuất Bộ Y tế hỗ trợ 200 điều dưỡng, kỹ thuật viên phục vụ tiêm phòng.

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn thông tin, để tăng cường các khu chăm sóc đặc biệt cho Bắc Giang, ngành y tế đã triển khai 1 đơn vị hồi sức tích cực (ICU) tại Bệnh viện Phổi Bắc Giang gồm 58 giường. Bộ phận thường trực đã báo cáo Bộ trưởng Bộ Y tế và Bộ sẽ điều động nhân lực, trang thiết bị, vật tư tại các bệnh viện có khả năng trưng dụng được để cho tỉnh Bắc Giang mượn.

“Đợn vị ICU tại Bệnh viện Tâm thần Bắc Giang có công suất 100 giường chắc chắn nhân lực của Bắc Giang không thể đảm đương được. Trong sáng 30/5, Bộ Y tế đã yêu cầu Bệnh viện Trung ương Huế và Đà Nẵng cử 2 kíp, mỗi kíp khoảng 16 người đến Bắc Giang tiếp nhận, hỗ trợ cho Bệnh viện Tâm thần Bắc Giang vận hành và chuẩn bị nguồn lực. Bộ cũng sẽ tiếp tục điều động bác sĩ hồi sức cấp cứu và điều dưỡng từ các tỉnh lân cận như Phú Thọ, Yên Bái, Ninh Bình, Thái Bình… để hỗ trợ cho Bắc Giang”, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nói.

Trước nhu cầu xét nghiệm của Bắc Giang, theo Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, Bộ Y tế đồng ý bổ sung lực lượng 400 người giúp Bắc Giang mở rộng tầm soát. Tuy nhiên, tỉnh cần có kế hoạch để sử dụng lực lượng một cách hợp lý và hiệu quả. Bộ Y tế sẽ tiếp tục hỗ trợ Bắc Giang triển khai test nhanh. 

Bộ Y tế cũng đã đề nghị Sở Y tế Bắc Giang xây dựng kế hoạch thật chi tiết công tác triển khai tiêm vắc xin, bởi công nhân không tập trung 1 – 2 điểm mà vẫn ở phân tán trong các nhà trọ, ký túc xá, khu cách ly...

Đối tượng tiêm vắc xin ưu tiên là công nhân tại các đơn vị đang sản xuất, và cũng có thể bao gồm cả công nhân làm việc ngoài khu công nghiệp. Ngoài ra, việc tiêm vắc xin ưu tiên cho các doanh nghiệp đang chuẩn bị sản xuất trở lại và các đơn vị khác. Đối với công nhân thì được xét nghiệm có kết quả âm tính với SARS-CoV-2 và được tiêm vắc xin.

Với đề nghị hỗ trợ nhân lực để triển khai chiến dịch tiêm chủng của tỉnh Bắc Giang, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn khẳng định, Bộ Y tế có thể huy động tới 500 người để hỗ trợ Bắc Giang thực hiện tiêm trong thời gian ngắn nhất: “Bộ hoàn toàn có khả năng điều động số người lớn hơn. Hiện 500 sinh viên trường Cao đẳng Y tế Bạch Mai đã được tập huấn xong”, ông Sơn cho biết.

Để nhanh chóng hoàn thành mục tiêu tiêm hết 150.000 liều vắc xin trong vòng 1 tuần, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cũng đề nghị tỉnh Bắc Giang cần xây dựng kế hoạch tiêm chủng với địa điểm tiêm chủng và nhu cầu nhân lực để đảm bảo tiến độ, hiệu quả.

Đến 17h30 ngày 30/5, trên địa bàn tỉnh Bắc Giang có 3 ổ dịch Covid-19. Tổng số trường hợp F0 là 2.216 trường hợp (tăng 124 trường hợp); F1 là 17.134 trường hợp; F2 là 78.839 trường hợp. Tại xã Phương Sơn, huyện Lục Nam (liên quan đến Bệnh viện K Hà Nội) có 7 ca F0, đã được khống chế, không còn khả năng bùng phát ra cộng đồng (đã dỡ bỏ cách ly y tế).

"Bài/Loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"

Đọc thêm