Tuy nhiên, cũng có những ý kiến khác phản bác quyết định này dựa trên sự công bằng là còn những trường hợp khác tương tự không được ưu ái như vậy,... Sự việc trở lên nóng khi một cô giáo ở Thủ đô thể hiện ý kiến này trên trang cá nhân của cô như một hành vi “bơi ngược” làn sóng ủng hộ quyết định của Chủ tịch Chung. Lập tức, cô bị nhà trường kiểm điểm, kỷ luật. Cũng rất nhanh chóng, ông Chung bày tỏ chính kiến của mình là “không nên kỷ luật cô giáo này”.
Động thái này đã làm cho mọi người thấy ông là người đã đúng khi có quyết định nhận cô giáo vào làm việc và lại đúng hơn nữa khi cho rằng không nên kỷ luật cô giáo đã bày tỏ ý kiến của mình. Đúng ở chỗ, khi Nhà nước ta chủ trương lắng nghe các ý kiến phản biện thì lẽ nào lại trù dập một người thể hiện quan điểm của mình, những gì thuộc về dư luận hãy để dư luận nói lên tiếng nói của mình.
Việc gì tốt thì nên làm, dù cho cái việc ấy chỉ tốt được cho một người hoặc chỉ giúp họ bớt được một chút khó khăn tạm thời. Ví dụ, giúp một người đang đói miếng ăn, cho một người đang rét tấm áo là việc tốt. Nhưng, cũng có người lại cho là không tốt, họ bảo là chỉ giúp được một tý thế thì có ích gì, hoặc, còn bao nhiêu người đói rách đầy ra kia, có giúp được tất cả không.
Đã có kiểu lập luận tương tự khi ông Thăng, hồi còn làm Bộ trưởng quyết định xây cầu treo cho một địa phương học sinh phải vượt suối đi học sau sự thỉnh cầu của một cô giáo. Một số ý kiến cũng cho rằng đó là sự “đánh bóng” cá nhân, còn bao nhiêu nơi khó khăn như vậy, sao ông không làm cầu treo cho họ?. Thực tế thì những lập luận, thậm chí chỉ trích ấy không tạo nên sự đồng tình của dư luận, nhanh chóng rơi vào quên lãng, chỉ còn những kết quả của việc tốt hiện diện cả bằng thực thể và trong tâm khảm mỗi con người.
Hiện tại, người ta thường đưa chiêu bài “đúng quy trình” để bao biện cho những việc sai trái. Việc tốt nhiều khi không cần đến “quy trình”, đơn giản là nó hợp đạo lý, tình người, dư luận ủng hộ.