"Tầm này năm ngoái, tôi nhận được khá nhiều nhờ vả từ các nhà thầu xây dựng, nhưng năm nay, một số nhà thầu lớn cho biết công ăn việc làm trong 2018 có vẻ ít đi".
Chia sẻ trên được Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA), nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam đưa ra khi trao đổi với báo chí ngày 8/11 về dự báo diễn biến của thị trường bất động sản cuối năm nay và đầu 2018.
"Nên tôi có cảm nhận rằng", ông Nam nói, "số dự án bất động sản khởi công mới trong 2018 sẽ giảm đi, và thị trường cũng có thể sẽ trầm lắng và ổn định hơn".
Theo ông Nam, sau giai đoạn khủng hoảng 2009 - 2013, nhờ các giải pháp, chính sách kịp thời, nỗ lực của các doanh nghiệp, có thể nói thị trường bất động sản đang phát triển tương đối ổn định, không để xảy ra thất thoát lớn và thị trường có bước hồi phục rõ nét.
Song, ông Nam cho rằng, bản thân ông cảm nhận "chiếc áo đã bắt đầu chật" và thời điểm hiện tại, "cửa" cho doanh nghiệp bất động sản đang dần hẹp lại. Thị trường dù vẫn hấp dẫn song chỉ các chủ đầu tư tiềm năng, có sản phẩm phù hợp với số đông khách hàng mới có thể trụ được.
Cũng theo Chủ tịch VNREA, thị trường muốn tiếp tục duy trì được mức giao dịch ổn định, các dự án đầu tư cần tiếp tục triển khai theo hướng quan tâm đến nhà thương mại giá rẻ, là phân khúc đang có nhu cầu cao và thanh khoản tốt.
Bên cạnh đó, cải tạo chung cư cũ đang là vấn đề được dư luận quan tâm song về cơ bản vẫn "tắc", cơ chế đã có nhưng khó triển khai.
Riêng về thị trường khách sạn, condotel thuộc phân khúc du lịch - nghỉ dưỡng, ông Nguyễn Trần Nam cho rằng, không có chuyện dư thừa.
Về mặt cảm tính, nhiều người thấy rằng, hiện có nhiều khách sạn, resort mọc lên nhưng nếu đi sâu phân tích con số khách du lịch và số phòng thì hiện đang thiếu hơn chục nghìn phòng, ông nói.
Đáng lưu ý, theo ông, đây là xu hướng mà những năm tới thị trường sẽ tập trung. Năm 2017, các con số về khách du lịch tăng gấp đôi so với năm 2015. Khách trong nước cũng tăng trưởng cực kỳ lớn. Với sự tăng trưởng nhanh và đột biến như vậy, số các cơ sở lưu trú tầm 3 sao trở lên hiện đang thiếu trầm trọng.