Nhiều dự án nhà ở xã hội tại Hà Nội sắp ‘bung hàng’ góp phần 'hạ nhiệt' nhà ở
Trên địa bàn Thành phố Hà Nội hiện có 82 dự án nhà ở xã hội đã và đang triển khai, trong đó, 10 dự án đã hoàn thành giai đoạn 2021-2024; 8 dự án đã khởi công, triển khai đầu tư xây dựng, dự kiến hoàn thành thêm 6 dự án vào năm 2025. Đây là cơ hội cho những người thu nhập thấp muốn có nhà ở Hà Nội và góp phần "giảm nhiệt" cho thị trường bất động sản.
Kế hoạch phát triển nhà ở thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025 đã được phê duyệt, đáp ứng nhu cầu nhà ở xã hội khoảng 6,8 triệu m2 sàn sau năm 2020; phát triển nhà ở xã hội khoảng 1,215 triệu m2 sàn đến năm 2025, khoảng 2,5 triệu m2 sàn đến năm 2030.
Đại diện Sở Xây dựng TP Hà Nội cho biết, thành phố Hà Nội đã hoàn thành khoảng 0,717 triệu m2 sàn nhà ở xã hội tại 10 dự án, do đó cần phải phát triển mới khoảng 6,1 triệu m2 sàn nhà ở xã hội (tại các dự án đang tổ chức triển khai và các dự án đề xuất mới) để đáp ứng nhu cầu của Thành phố trong thời gian tới.
Thực tế thời gian qua cho thấy, giá nhà ở chung cư tăng cao đột ngột, bất thường tại các thành phố lớn, nhất là thành phố Hà Nội, TP HCM gây ra sự bất ổn cho thị trường bất động sản. Nguyên nhân của tình trạng này chủ yếu là do hiện tượng đầu cơ, “tạo sóng” của một bộ phận nhà đầu tư, doanh nghiệp nhằm trục lợi. Bên cạnh đó là tâm lý mua nhà đất để tích lũy, chờ giá lên cao của người dân, trong khi nguồn cung bất động sản ngày càng khan hiếm. Vì vậy, nhà ở xã hội hiện nay được người dân rất quan tâm, đặc biệt là giới trẻ, công nhân, người thu nhập thấp…
Theo một số chuyên gia bất động sản, việc đẩy nhanh tiến độ để các dự án nhà ở xã hội sớm hoàn thiện và đưa vào sử dụng sẽ góp phần giảm nhiệt thị trường giá bất động sản nhà ở chung cư, nhất là ở các thành phố lớn như, Hà Nội, TP HCM.
Nguyện vọng của các chủ đầu tư
Dự án Khu nhà ở xã hội tại xã Uy Nỗ, huyện Đông Anh, TP Hà Nội đang triển khai. |
Dự án Khu nhà ở xã hội tại xã Uy Nỗ, huyện Đông Anh, có quy mô 4 tòa nhà cao 9 tầng, chung 1 tầng hầm; diện tích xây dựng 13.071m2, tổng diện tích sàn xây dựng 61.908m2; tổng số 466 căn hộ chung cư, có diện tích từ 40m2 đến 76,7m2. Dự án khởi công ngày 17/12/2024.
Thượng tá Nguyễn Văn Dũng - Phó giám đốc Ban Quản lý các dự án đầu tư (Tổng Công ty 319 Bộ Quốc phòng) cho biết: Trong quá trình chuẩn bị các thủ tục pháp lý để triển khai dự án, cũng như khi dự án bắt đầu được triển khai là giai đoạn chuyển đổi giữa Luật nhà ở năm 2024 được thay thế Luật nhà ở cũ; các nghị định, thông tư mới có hiệu lực. Do vậy, các thủ tục pháp lý của Chủ đầu tư và cơ quan các cấp có thẩm quyền còn có những nội dung hiểu và áp dụng luật khác nhau, dẫn đến một số nội dung triển khai còn chậm trễ.
“Đề nghị cơ quan các cấp có thẩm quyền và UBND TP Hà Nội nghiên cứu và có các cơ chế đặc thù cho nhà ở xã hội để đẩy nhanh các thủ tục khi triển khai, thực hiện quy trình mua, bán NOXH”, Thượng tá Nguyễn Văn Dũng - Phó giám đốc Ban Quản lý các dự án đầu tư (Tổng Công ty 319 Bộ Quốc phòng) đề nghị.
Để đáp ứng nhu cầu lớn về nhà ở phù hợp với điều kiện kinh tế của người thu nhập thấp, rất cần những chủ đầu tư chung sức cùng Đảng với Chính phủ để xây dựng Đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội.
Công ty Cổ phần BIC Việt Nam là một trong những chủ đầu tư đang triển khai xây dựng nhà ở xã hội tại Dự án nhà xã hội Ricecity Long Châu. Đại diện Công ty Cổ phần BIC Việt Nam chia sẻ: “Chúng tôi tin tưởng rằng với sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ sẽ có thêm cơ chế, chính sách đổi mới hơn nữa để tạo động lực cho các doanh nghiệp tham gia phát triển nhà ở xã hội và sẽ có thêm nhiều dự án nhà ở xã hội chất lượng, hiện đại, đáp ứng nhu cầu của Nhân dân”.
Dự án nhà xã hội Ricecity Long Châu (Long Biên) đang đẩy nhanh tiến độ thi công. |
Dự án Nhà ở xã hội tại ô đất NO1 - Khu đô thị mới Hạ Đình, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội, được chủ đầu tư là Liên danh Tổng công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị UDIC (đại diện liên danh), Công ty cổ phần Xây dựng lắp máy điện nước Hà Nội – Haweicco, Công ty cổ phần Xây dựng và phát triển nhà DAC Hà Nội khởi công từ tháng 12/2024. Đây là một trong những dự án được kỳ vọng hoàn thiện sớm và sẽ giúp cho nhiều người thu nhập thấp có cơ hội mua, thuê mua nhà để ở.
Đại diện liên danh chủ đầu tư cho biết, quá trình triển khai dự án có vướng mắc về chính sách cũ và chính sách mới, tuy nhiên đến nay cơ bản đã được tháo gỡ. "Dự án này là dự án Nhà ở xã hội đầu tiên mà liên danh Chủ đầu tư thực hiện nên chúng tôi mong tiếp tục nhận được sự quan tâm hỗ trợ từ TP Hà Nội và các Sở, ngành và các cấp chính quyền địa phương để dự án được triển khai theo đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng, đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người thu nhập thấp và chưa có sở hữu nhà trên địa bàn thành phố Hà Nội", đại diện liên danh chủ đầu tư nói thêm.
Đề xuất cơ chế, chính sách để tháo gỡ vướng mắc
Theo đại diện Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), Bộ Xây dựng được Chính phủ giao nghiên cứu, xây dựng dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số chính sách đặc thù để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, cụ thể:
Thành lập Quỹ nhà ở quốc gia với chức năng chính là đầu tư xây dựng, tạo lập quỹ nhà ở xã hội, nhà ở cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuê mua, thuê. Việc thành lập Quỹ sẽ giải quyết được vấn đề thiếu nguồn vốn để phát triển nhà ở xã hội trong thời gian qua;
Chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời giao chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội không sử dụng vốn đầu tư công không thông qua đấu thầu: việc này sẽ cắt giảm thời gian thực hiện các thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, lựa chọn chủ đầu tư nhà ở xã hội theo pháp luật về đấu thầu từ khoảng 280 ngày xuống còn khoảng 80 ngày;
Cắt giảm một số thủ tục hành chính trong quá trình lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch chi tiết dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội; thủ tục đầu tư xây dựng nhà ở xã hội; Xác định giá bán, giá thuê mua nhà ở xã hội;
Quy định điều kiện về nhà ở để được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội sau khi thực hiện sáp nhập; việc thuê nhà ở xã hội của doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập để cho cán bộ, công chức, viên chức người lao động của mình ở; Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật, tạo quỹ đất phát triển nhà ở xã hội;
Đó là những cơ chế, chính sách mang tính đột phá, được kỳ vọng sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án nhà ở xã hội tại các địa phương trong thời gian tới, tiến tới hoàn thành mục tiêu 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội vào năm 2030. Kết quả này không chỉ nhằm đáp ứng nhu cầu chỗ ở cho người dân mà còn góp phần giúp thị trường bất động sản phát triển cân đối, hài hoà, bền vững.
Sở Xây dựng Hà Nội đã nhận được đề nghị của 5 nhà đầu tư về việc dự kiến sẽ tiếp nhận Hồ sơ đăng ký mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội trong năm 2025:
1.Dự án Nhà ở xã hội tại ô đất ký hiệu NO1, thuộc khu đô thị mới Hạ Đình, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội do liên danh Tổng Công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị UDIC - Công ty TNHH Một thành viên, Công ty cổ phần Xây dựng lắp máy điện nước Hà Nội - Haweicco, Công ty cổ phần Xây dựng và Phát triển nhà DAC Hà Nội làm chủ đầu tư.
2.Công trình CT3 thuộc dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở xã hội tại ô đất ký hiệu CT3, CT4 thuộc Khu đô thị mới Kim Chung, xã Kim Chung, huyện Đông Anh do liên danh Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà Hà Nội và Tổng Công ty VIGLACERA-CTCP làm chủ đầu tư.
3.Nhà ở xã hội xây dựng trên khu đất CT1, CT2, CT3, CT4 thuộc Khu nhà ở đô thị Kim Hoa do Công ty TNHH thương mại và xây dựng Thân Hà làm chủ đầu tư.
4.Nhà ở xã hội CT-05 (Lilya Garden), Nhà ở xã hội CT-06 (Mimosa Garden) thuộc Khu đô thị mới Thanh Lâm - Đại Thịnh 2, huyện Mê Linh, Hà Nội do Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị - Công ty TNHH làm chủ đầu tư.
5.Khu nhà ở xã hội Thượng Thanh và đấu nối hạ tầng khu vực do liên danh Công ty cổ phần Him Lam Thủ đô; Công ty cổ phần BIC Việt Nam làm chủ đầu tư.