Về phong cách ứng xử của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một phóng viên người Pháp nhận định: “Mềm dẻo hay kiên quyết khi cần thiết, nhưng bao giờ cũng tự chủ và vẫn giữ phong thái Việt Nam. Ông biết đương đầu với những biến động chính trị và lịch sử, đem cái sức toả sáng phi thường và vô vàn đức tính cao quý của ông phục vụ sự nghiệp mà ông là hiện thân”.
Trong Hội nghị Fontainebleau bàn về hòa bình ở Đông Dương giữa Chính phủ Pháp và nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tờ báo dành nhiều thiện cảm khi thấy phong thái lịch lãm của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Ông Hồ đã xuất hiện với dáng người nhỏ bé và ông thường tặng hoa cho các nữ ký giả”. Nhà báo Mỹ Harrison S. Salisbury sau khi được gặp Bác năm 1967, đã viết: “Cụ sống giản dị và khắc khổ tại căn buồng phụ nhỏ và đơn sơ sau dinh toàn quyền cũ ở Hà Nội, rất lịch thiệp khi uống trà với khách (tặng một bông hồng đối với khách nữ, nói một câu đùa hài hước đối với khách nam), tất cả đều là nhân tố của thần thoại và truyền thuyết”…
Từ sau Cách mạng Tháng Tám 1945 cho đến khi Người về cõi vĩnh hằng, Bác Hồ đã có hơn 100 bài trả lời phỏng vấn báo chí trong và ngoài nước. Trong lời tựa cho tuyển tập 103 bài trả lời phỏng vấn báo chí của Chủ tịch Hồ Chí Minh phát hành tháng 5/2015, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan đã viết: “Hiểu rõ hơn ai hết tác dụng của báo chí, truyền thông đối với sự nghiệp cách mạng và hoạt động ngoại giao, Người đã viết hàng trăm bài báo, đồng thời đã trả lời phỏng vấn báo chí trong và ngoài nước 107 lần. Có thể nói, hiếm nhà lãnh đạo cách mạng nào trên thế giới dành mối quan tâm lớn như vậy đối với mặt trận báo chí, truyền thông”.
Truyền thông quốc tế truyền tụng rằng, cứ đến đặt câu hỏi với “ông Hồ”, thì thế nào cũng ra câu trả lời thú vị, “ông Hồ” luôn có câu trả lời tuyệt vời cho mọi tình huống, dù là lắt léo.
Trong cuộc tiếp xúc với hãng thông tấn Reuters (Anh) ngày 2/2/1949, phóng viên hỏi Bác: “Đối với cuộc đàm phán giữa cựu hoàng Bảo Đại với Chính phủ Pháp, lập trường của Chủ tịch là thế nào?”, Người trả lời: “Chúng tôi không nhìn nhận những cuộc đàm phán ấy”. Với câu hỏi: “Người ta có thể coi cựu hoàng Bảo Đại vẫn giữ chức tối cao cố vấn của Chính phủ Việt Nam không?”, Bác đưa ra câu trả lời: “Ông ta đã tự cách chức ấy rồi”. Phóng viên Reuters vẫn “truy” đến cùng: “Nếu Bảo Đại trở về Việt Nam với những hiệp định Chính phủ Pháp cho Việt Nam độc lập và thống nhất thì thái độ của cụ sẽ thế nào?”, Bác đã bình thản trả lời: “Xin ông xem câu trả lời số 1 và số 2”.
Trả lời câu hỏi về vấn đề ngoại giao, Bác nhấn mạnh: “Phải trông ở thực lực. Thực lực mạnh, ngoại giao sẽ thắng lợi. Thực lực là cái chiêng mà ngoại giao là cái tiếng. Chiêng có to, tiếng mới lớn”.
Năm 1948, phóng viên Báo Frères D’Armes năm 1948, trong buổi phỏng vấn đã đặt ra câu hỏi: “Chủ tịch ghét gì nhất?”, Bác trả lời: “Điều ác”; “Điều gì yêu nhất?” - “Điều thiện”. Với câu hỏi: “Điều gì mong muốn nhất?”, Người lập tức khẳng định: “Nền độc lập của nước tôi và của tất cả các nước trên hoàn cầu”. Trước câu hỏi: “Chủ tịch sợ gì nhất?” thì Bác bình thản: “Chẳng sợ gì cả. Một người yêu nước không sợ gì hết và nhất thiết không được sợ gì!”.
Không phải tự nhiên mà báo giới quốc tế truyền tai nhau, Hồ Chủ tịch là một người có trí tuệ siêu việt, một người nhạy bén chính trị, hài hước và lỗi lạc. Không ít nhà báo nghe thông tin sai lệch về Bác, sau một vài cuộc phỏng vấn, tiếp xúc đã vô cùng ngưỡng mộ, nể phục, thậm chí coi bác là “thần tượng”. Họ chia sẻ rằng đã học ở Bác nhiều bài học trong tư duy, lập luận, trong tư tưởng và cách hành xử tuyệt vời.
Có một đoạn trong bài viết đăng trên tờ New York Times, số ra ngày Chủ nhật 9/5/1954 nói về Bác Hồ như sau: “Người không những là thần tượng của nhân dân Việt Nam mà còn được Pháp công nhận là người phát ngôn đầu tiên của Việt Nam… Người Việt Nam này từng để lại ấn tượng sâu sắc và đặc biệt có cảm tình đối với các quan chức và nhà báo nước ngoài. Một người Pháp, sau này trở thành Cao ủy Pháp tại Đông Dương, cũng phải thừa nhận ông Hồ là người có tính cách rất mạnh mẽ và đáng tôn kính… Ngày nay, không một tên tuổi nào ở châu Á lại nổi tiếng như nhà cộng sản và dân tộc chủ nghĩa lão thành Hồ Chí Minh. Người chính là biểu tượng, là nhân vật truyền thuyết hơn là một con người bằng da, bằng thịt”.