PV đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Trí Hiếu xoay quanh tiềm năng của ngành quản lý quỹ nói chung và hoạt động của UNICAP nói riêng trong bối cảnh nền kinh tế đang có nhiều khởi sắc.
Thưa ông, kinh tế Việt Nam khởi sắc sẽ ảnh hưởng như thế nào đến nhu cầu đầu tư tại Việt Nam?
- Bối cảnh chung của nền kinh tế Việt Nam đang rất thuận lợi cho việc phát triển hoạt động đầu tư nói chung. Những chỉ số kinh tế vĩ mô vượt mục tiêu của năm 2017 khiến ngay cả giới chuyên gia chúng tôi cũng bất ngờ.
Cùng với sự gia tăng số lượng các doanh nghiệp, chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, tầng lớp trung lưu tại Việt Nam cũng tăng nhanh, với triển vọng tăng từ 12 triệu năm 2012 lên 33 triệu người vào năm 2020 (theo số liệu của HSBC công bố từ 2016).
Thu nhập khả dụng tăng sẽ khiến quy mô tiền nhàn rỗi của tầng lớp này ngày càng lớn, kéo theo nhu cầu tiết kiệm và đầu tư. 70-80% nhà đầu tư tại thị trường Việt Nam là nhà đầu tư cá nhân, trong đó tầng lớp trung lưu đang hình thành một lực lượng các nhà đầu tư đóng vai trò quan trọng trong thị trường đầu tư trực tiếp và gián tiếp.
Hiện nay các nhà đầu tư cá nhân đang đầu tư ra sao và cơ hội nào cho các quỹ đầu tư phát triển?
- Tâm lý người Việt Nam thích đầu tư trực tiếp như tự đi tìm và mua bất động sản, mua bán chứng khoán, mua vàng, ngoại tệ và gửi tiền tại ngân hàng.
Động thái đầu tư này có nhiều hạn chế. Thứ nhất, nhà đầu tư bỏ lỡ nhiều cơ hội đầu tư vừa an toàn, vừa có khả năng sinh lời cao so với nhiều cơ hội đầu tư khác. Thứ hai, sự hiểu biết thị trường tài chính, tiền tệ của các nhà đầu tư cá nhân có giới hạn, đôi khi lệ thuộc vào những thông tin không đầy đủ và thiếu tin cậy. Thứ ba, các nhà đầu tư cá nhân thường không có sự hỗ trợ của các nhà tư vấn, các chuyên gia về những rủi ro pháp lý và thị trường. Thứ tư, khả năng tài chính của nhà đầu tư cá nhân có giới hạn nên họ khó có thể đầu tư qui mô lớn, do đó không tạo nên giá trị gia tăng cao cho những tài sản đầu tư.
Những hạn chế này có thể giảm thiểu nếu nhà đầu tư ủy thác tiền đầu tư của mình cho một công ty quản lý quỹ thích hợp.
Đây là hình thức đầu tư rất phổ biến tại các quốc gia tiên tiến. Tại Việt Nam, ngành quản lý quỹ còn tương đối non trẻ, chỉ mới bắt đầu trong hơn 10 năm trở lại đây và gặp khá nhiều thách thức.
Xin ông nói rõ hơn về những thách thức này?
- Trước hết là do tâm lý nhà đầu tư như tôi đã nói ở trên. Nguyên nhân khác là do thị trường chứng khoán giảm sâu vài năm trước, dẫn đến hiệu quả đầu tư của các quỹ chưa thực sự tốt.
Quan trọng hơn, sản phẩm (quỹ) và dịch vụ trước đây còn nghèo nàn một phần do khung pháp lý chưa đầy đủ và đồng bộ. Nhiều quỹ đầu tư chưa thực sự tiếp cận đúng phân khúc khách hàng và chưa làm cho các nhà đầu tư cá nhân hiểu rõ về vai trò của mình.
Hiện nay thị trường chứng khoán đã đi vào quỹ đạo phát triển tốt và ổn định hơn, chưa kể một số nghiệp vụ, sản phẩm mới đã được pháp luật cho phép triển khai và đang hoàn thành các khung pháp lý cụ thể. Đây là cơ hội rất tốt để ngành quỹ có thể phát triển mạnh.
Với những hạn chế như ông vừa nói thì UNICAP sẽ có những giải pháp nào để vượt qua?
- Có thể nói một trong những hạn chế lớn nhất của các quỹ hiện nay là ít tương tác với các nhà đầu tư đại chúng.
UNICAP sẽ thay đổi điều này bằng việc đẩy mạnh thông tin truyền thông, trước mắt để quỹ đầu tư trở nên gần gũi với công chúng, sau đó để họ hiểu rõ những lợi ích của quỹ liên quan đến chi phí, thanh khoản, lợi nhuận và mức độ phù hợp với nhiều nguồn vốn khác nhau…
UNICAP cũng sẽ phát hành chứng chỉ quỹ và niêm yết chứng chỉ quỹ trên sàn chứng khoán, qua đó đa dạng hoá các sản phẩm tài chính, các kênh đầu tư để nhà đầu tư có những lựa chọn đầu tư thích hợp và an toàn nhất.
Với định hướng hoạt động theo chiến lược đầu tư dài hạn, UNICAP tập trung vào các dự án bất động sản được đầu tư bằng các tổ chức uy tín, nhằm thu hút dòng tiền đều đặn. Đối với chứng khoán, Quỹ sẽ tìm các cổ phiếu niêm yết hàng đầu (blue chips), cổ phiếu của các công ty có tiềm năng tăng trưởng tốt. Ngoài ra, Quỹ có thể đầu tư vào tài sản có thu nhập cố định có chất lượng tốt như tiền gửi ngân hàng, trái phiếu Chính phủ và những công cụ tài chính có giá trị cao khác.
TS. Nguyễn Trí Hiếu là một trong những chuyên gia đầu ngành có ảnh hưởng lớn trong lĩnh vực tài chính, tiền tệ và ngân hàng ở Việt Nam.
Ông là Phó Tổng Giám đốc Deutsche Bank tại Việt Nam trong giai đoạn 1995-1997 và là Tổng Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐQT First Vietnamese American Bank tại California khi ông thành lập ngân hàng này tại Mỹ năm 2005. Tháng 6-2009, ông trở về Việt Nam làm việc và trong hơn 9 năm qua ông cộng tác với nhiều ngân hàng tại Hà Nội và TP HCM với tư cách thành viên độc lập HĐQT, cố vấn cao cấp hay thành viên trong ban điều hành.
Về UNICAP, đây là công ty quản lý quỹ quy tụ đội ngũ chuyên gia có nhiều kinh nghiệm làm việc tại các định chế tài chính quốc tế và các tập đoàn đa quốc gia trong nhiều lĩnh vực. UNICAP có mạng lưới quan hệ rộng lớn và chặt chẽ với nhiều nhà đầu tư tài chính trong và ngoài nước. Hiện công ty quản lý quỹ này đang là đối tác của nhiều tập đoàn và tổ chức kinh tế lớn như: FLC Group, AMD Group, BIDV, FAROS …