Nhân kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025) và kỷ niệm 139 năm Ngày Quốc tế lao động (01/5/1886 - 01/5/2025), sáng 22/4, đoàn đại biểu Đảng, Nhà nước do đồng chí Lương Cường, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước, làm trưởng đoàn và đoàn đại biểu Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP HCM do đồng chí Nguyễn Văn Được, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP HCM làm trưởng đoàn, đã đến dâng hương, dâng hoa tại Di tích lịch sử Quốc gia Ngã Ba Giồng (huyện Hóc Môn).
Tham gia cùng đoàn có các đồng chí Lê Khánh Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước; Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP HCM.
Tại buổi lễ, Chủ tịch nước Lương Cường cùng các đại biểu đã thành kính dâng hoa, dâng hương và dành phút mặc niệm tưởng nhớ, bày tỏ lòng tri ân sâu sắc đến công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bậc cách mạng tiền bối, các anh hùng liệt sĩ, đồng bào đã ngã xuống vì độc lập, tự do của dân tộc, vì hạnh phúc của Nhân dân.
|
Ngã Ba Giồng - một địa danh lịch sử đặc biệt. |
Ngã Ba Giồng - một địa danh lịch sử đặc biệt, nơi ghi nhớ tinh thần quật cường chiến đấu dũng cảm của các chiến sĩ đã hy sinh trong cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ do Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo.
Sau cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ, thực dân Pháp đã dựng lên 3 trường bắn để tử hình nhiều chiến sĩ cách mạng và đồng bào yêu nước. Ngã Ba Giồng là trường bắn thứ ba mà thực dân Pháp lập ra. Trường bắn này nằm trên một gò đất cao, giáp với ba mặt tiền đường, có nhiều cây bằng lăng cổ thụ mọc nên dân địa phương còn gọi là Ngã Ba Giồng Bằng Lăng. Tại đây, chúng đã sát hại đồng chí Nguyễn Văn Cừ - Tổng Bí thư Đảng Cộng Sản Đông Dương và đồng chí Phan Đăng Lưu - Ủy viên thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương và rất nhiều đồng bào, chiến sĩ tham gia khởi nghĩa.
|
Ngã Ba Giồng được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia vào năm 2002. |
Ngã Ba Giồng được công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia vào năm 2002 theo Quyết định số 39/QĐ-BVHTT ngày 30/12/2002. Khu vực Di tích có 1 cổng chính, 4 cổng phụ, giáp với 3 mặt tiền đường Nguyễn Văn Bứa, Dương Công Khi, Phan Văn Hớn. Cổng chính Khu Tưởng niệm giáp với 2 mặt tiền đường Nguyễn Văn Bứa và Phan Văn Hớn.