Trong thời gian tới, Chủ tịch nước mong muốn Hệ thống Thi hành án dân sự phảinâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra ngày càng nặng nề.
Hệ thống Thi hành án dân sự có bước phát triển mạnh mẽ
Vui mừng đến dự Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống Thi hành án dân sự và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất của Đảng và Nhà nước trao tặng Tổng cục Thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Trần Đại Quang biểu dương những thành quả đạt được của Hệ thống Thi hành án dân sự trong suốt chặng đường 70 năm xây dựng và trưởng thành.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý thống nhất của Nhà nước, sự phối hợp chặt chẽ của hệ thống tư pháp, của cơ quan điều tra, tòa án nhân dân, viện kiểm sát nhân dân và cấp ủy, chính quyền các cấp, sự nỗ lực phấn đấu vươn lên, vượt qua mọi khó khăn, thử thách của từng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, Chủ tịch nước khẳng định Hệ thống Thi hành án dân sự ngày càng lớn mạnh về mọi mặt, khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của thi hành án dân sự trong đời sống xã hội.
Theo đó, tổ chức bộ máy Hệ thống Thi hành án dân sự không ngừng được hoàn thiện theo hướng tập trung, chuyên sâu, phân định rõ cơ quan quản lý nhà nước về thi hành án dân sự và cơ quan thi hành án dân sự; đội ngũ chấp hành viên được tập trung chuẩn hóa và kiện toàn; công tác hướng dẫn nghiệp vụ được chú trọng; điều kiện bảo đảm công tác thi hành án dân sự về cơ sở vật chât ngày càng được quan tâm.
Không những thế, hoạt động thi hành án dân sự ngày càng có hiệu lực, hiệu quả, kết quả thi hành án dân sự có nhiều tiến bộ rõ rệt, góp phần tích cực vào việc bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo vệ quyền và lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân, góp phần giữ nghiêm kỷ cương phép nước, trật tự, an toàn xã hội và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của các tầng lớp nhân dân.
Đặc biệt, Chủ tịch nước nhấn mạnh, trong quá trình đổi mới toàn diện đất nước và cải cách tư pháp do Đảng ta lãnh đạo, Hệ thống Thi hành án dân sự đã có bước phát triển mạnh mẽ, thế chế thi hành án dân sự ngày càng được hoàn thiện, đáp ứng tốt hơn yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ quyền công dân, quyền con người của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Tổng cục THADS vinh dự được đón nhận Huân chương Lao động Hạng Nhất |
Những kết quả, thành tích to lớn mà Hệ thống thi hành án dân sự đạt được trong suốt 70 năm qua đã góp phần xứng đáng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, được Đảng, Nhà nước và Nhân dân đánh giá cao, tặng nhiều phần thưởng, danh hiệu cao quý.
“Thay mặt Đảng, Nhà nước, tôi nhiệt liệt biểu dương, khen ngợi sự nỗ lực phấn đấu, những kết quả, thành tích to lớn mà các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong ngành Tư pháp nói chung và trong Hệ thống Thi hành án dân sự nói riêng đã đạt được trong suốt chặng đường 70 năm qua” – Chủ tịch nước ghi nhận và chúc mừng Tổng cục Thi hành án dân sự vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất.
Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống Thi hành án dân sự, Chủ tịch nước cũng đánh giá cao sự phối hợp, giúp đỡ, hiệp đồng chiến đấu có hiệu quả của các lực lượng vũ trang, các ngành, các cấp và của các tầng lớp nhân dân đối với công tác thi hành dân sự thời gian qua, mong muốn tới đây “tiếp tục nhận được sự quan tâm, giúp đỡ quý báu của đồng chí, đồng bào”.
Một khâu của quá trình thực thi công lý
Chủ tịch nước Trần Đại Quang chia sẻ, trong những năm tới, trên thế giới, hòa bình, hợp tác, phát triển vẫn là xu thế lớn, những chiến tranh, xung đột sắc tộc, tôn giáo, tranh chấp về biên giới, lãnh thổ, hoạt động khủng bố... tiếp tục diễn ra ở nhiều nơi với tính chất, mức độ ngày càng nguy hiểm, phức tạp. Ở trong nước, sau hơn 30 năm thực hiện đường lối đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, đất nước ta đã đạt những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, nhưng cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức.
Trong bối cảnh đó, với vai trò là một khâu của quá trình thực thi công lý trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, Chủ tịch nước cho rằng, yêu cầu, nhiệm vụ nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hệ thống Thi hành án dân sự đặt ra rất nặng nề. Văn kiện Đại hội lần thứ XII của Đảng thì nêu rõ: “Tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp, xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, từng bước hiện đại – bảo vệ pháp luật, công lý, quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và cá nhân”.
Vì vậy, theo Chủ tịch nước, Hệ thống Thi hành án dân sự cần tiếp tục quán triệt sâu sắc, thực hiện nghiêm túc các chủ trương, quan điểm của Đảng, Nhà nước về thi hành án dân sự. Tập trung đổi mới các mặt công tác, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo đảm công lý phải được thực thi, góp phần xây dựng một xã hội trật tự, kỷ cương và ổn định, phục vụ thắng lợi nhiệm vụ phát triên kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật sâu rộng dưới nhiều hình thức tới mọi tầng lớp nhân dân, nhất là Luật Thi hành án dân sự và các văn bản pháp luật có liên quan nhằm nâng cao nhận thức, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ, phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và nhân dân trong công tác thi hành án dân sự.
Chủ tịch nước yêu cầu thường xuyên rà soát, hoàn thiện thể chế công tác thi hành án dân sự, quản lý nhà nước về thi hành án hành chính, bảo đảm sự thống nhất, đông bộ, khả thi của các văn bản pháp luật. Tiếp tục hoàn thiện các quy định về áp dụng biện pháp cưỡng chế trong thi hành án dân sự để vừa bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, công dân, vừa bảo đảm xử lý nghiêm minh đối với những trường hợp người phải thi hành án cố tình trốn tránh, chống đối, không chấp hành việc thi hành án dân sự.
Bên cạnh đó, Chủ tịch nước đề nghị tập trung nguồn lực triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị trong toàn Hệ thống, phấn đấu thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu thi hành án dân sự, thi hành án hành chính được Quốc hội giao; xây dựng và thực hiện các giải pháp giảm số lượng án tồn đọng, nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng, qua đó củng cố niềm tin của nhân dân vào tính nghiêm minh của hệ thống pháp luật và cơ quan tư pháp, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Chủ động các điều kiện cần thiết bảo đảm công tác thi hành án dân sự có yếu tố nước ngoài trong quá trình nước ta hội nhập quốc tế sâu rộng và thực hiện đầy đủ các cam kết trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.
Chủ tịch nước còn chỉ đạo phối hợp xây dựng và tổ chức thực hiện tốt cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa Hệ thống Thi hành án dân sự với các bộ, ngành và cấp ủy, chính quyền địa phương trong công tác thi hành án dân sự, thi hành án hành chính, nhất là tăng cường phối hợp liên ngành để giải quyết các khó khăn, vướng mắc và các án tồn đọng trong thi hành án dân sự. Tiếp tục xây dựng và phát triển Hệ thống Thi hành án dân sự tập trung, thống nhất theo ngành dọc từ Trung ương đến địa phương, bảo đảm thực hiện hiệu quả chức năng quản lý nhà nước và thực hiện quản lý chuyên ngành về thi hành án dân sự, thi hành án hành chính. Củng cố, kiện toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức bộ máy; triển khai hiệu quả Nghị quyết của Quốc hội về thực hiện chế định Thừa phát lại, từng bước thực hiện xã hội hóa công tác thi hành án dân sự, bảo đảm phù hợp với yêu cầu đặt ra và thực tiễn của Việt Nam, coi đó là nhiệm vụ chính trị của toàn ngành.
Cuối cùng, Chủ tịch nước cho rằng phải tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị (Khóa XII). Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chính trị, pháp luật, chuyên môn cho đội ngũ chấp hành viên, thẩm tra viên, cán bộ, công chức, viên chức thi hành án dân sự; tăng cường công tác quản lý, giáo dục chính trị, tư tưởng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, cải tiến lề lối làm việc, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong thi hành công vụ, hạn chế đến mức thấp nhất vi phạm xảy ra.
Với bề dày truyền thống và những thành tích đạt được trong 70 năm qua, Chủ tịch nước tin tưởng rằng, Hệ thống Thi hành án dân sự tiếp tục giành được nhiều thành tựu to lớn hơn nữa, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xứng đáng với sự kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và niềm tin yêu của Nhân dân.
Phát biểu đáp từ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long bày tỏ niềm vui và vinh dự của ngành Tư pháp và Hệ thống Thi hành án dân sự khi được đón tiếp Chủ tịch nước, các đồng chí lãnh đạo, nguyên Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ cùng toàn thể các đại biểu về tham dự Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất của Hệ thống Thi hành án dân sự.
Bộ trưởng khẳng định bài phát biểu chỉ đạo quan trọng của Chủ tịch nước đối với công tác thi hành án dân sự đã cổ vũ, động viên, khích lệ đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Hệ thống THADS tiếp tục cố gắng để thực hiện thắng lợi và hiệu quả hơn nữa nhiệm vụ chính trị được giao, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, công cuộc cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế của đất nước.
Bộ trưởng Lê Thành Long |
Cam kết tiếp thu đầy đủ và quán triệt sâu sắc các ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch nước, thay mặt Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ Tư pháp, Bộ trưởng xin hứa toàn ngành Tư pháp và Hệ thống Thi hành án dân sự sẽ quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị của ngành, phấn đấu đạt và vượt chỉ tiêu thi hành án dân sự, thi hành án hành chính được Quốc hội giao; triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về thừa phát lại; xây dựng Hệ thống Thi hành án trong sạch, vững mạnh, toàn diện… Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của mình, Bộ Tư pháp mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và của cá nhân đồng chí Chủ tịch nước; sự phối hợp của các ban, bộ, ngành, của cấp ủy, chính quyền địa phương, đặc biệt là sự hỗ trợ, đồng lòng, giám sát của Nhân dân và xã hội.