Chủ tịch nước và Phu nhân kết thúc tốt đẹp chuyến thăm Ethiopia và Ai Cập

(PLO) - Ngày 29/8, chuyên cơ chở Chủ tịch nước và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao đã về đến Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm cấp Nhà nước đến Ethiopia từ ngày 23-25/8 theo lời mời của Tổng thống Ethiopia Mulatu Teshome và thăm cấp Nhà nước đến Ai Cập từ ngày 25-29/8 theo lời mời của Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah Al Sisi.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sisi chủ trì họp báo thông báo kết quả hội đàm. Ảnh: TTXVN.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sisi chủ trì họp báo thông báo kết quả hội đàm. Ảnh: TTXVN.

Trước đó, nhân chuyến thăm cấp Nhà nước của Chủ tịch nước đến Ai Cập, hai bên đã ra Tuyên bố chung. Trong Tuyên bố chung, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah Al Sisi khẳng định chuyến thăm cấp Nhà nước của Chủ tịch nước Trần Đại Quang là một dấu mốc quan trọng trong quan hệ hai nước nhân dịp kỷ niệm 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Ai Cập.

Hai bên bày tỏ tin tưởng kết quả chuyến thăm đầu tiên của Chủ tịch nước Việt Nam sẽ góp phần tăng cường sự tin cậy chính trị, mở rộng hợp tác thương mại, đầu tư, nông nghiệp, giáo dục và đào tạo,… thúc đẩy giao lưu văn hóa và giao lưu giữa nhân dân hai nước. 

Hai bên hài lòng trước sự hợp tác tốt đẹp trên các diễn đàn khu vực và quốc tế như Liên Hợp quốc (LHQ), Phong trào Không liên kết, Liên minh Châu Phi và ASEAN; đặc biệt là việc ủng hộ lẫn nhau ứng cử vào các tổ chức quốc tế trong khuôn khổ LHQ.

Trên tinh thần đó, Ai Cập đánh giá cao ứng cử của Việt  vào vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2020 – 2021. Hai bên kêu gọi cộng đồng quốc tế chung tay hợp tác để ngăn ngừa và giải quyết các xung đột vũ trang bằng các biện pháp hoà bình phù hợp với Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế.

Phía Ai Cập đánh giá cao việc Việt  Nam ủng hộ Ai Cập gia nhập Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ASEAN (TAC). Hai bên khẳng định sẵn sàng tăng cường hợp tác trên nhiều lĩnh vực và cùng nỗ lực vì sự tiến bộ và thịnh vượng ở khu vực châu Á trong đó có ASEAN. Với vai trò Chủ tịch Liên minh Châu Phi (AU) năm 2019, Ai Cập cam kết sẽ ủng hộ Việt  Nam tăng cường hợp tác với châu Phi và là cầu nối cho Việt Nam với AU.

Hai nhà lãnh đạo nhất trí tiếp tục thúc đẩy hợp tác song phương trên các lĩnh vực thương mại, đầu tư và cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hai nước tiếp cận thị trường của nhau. Để sớm đạt mục tiêu kim ngạch thương mại song phương 1 tỷ USD trong thời gian tới, hai nhà lãnh đạo cho rằng cần tiến hành đồng bộ nhiều biện pháp, trong đó có thúc đẩy tự do hóa và thuận lợi hóa thương mại và đầu tư, ủng hộ tăng cường hệ thống thương mại đa phương dựa trên luật lệ, công bằng và bao trùm; tăng cường trao đổi đoàn, tiếp xúc giữa các doanh nghiệp, chia sẻ thông tin, tổ chức thường xuyên các hội chợ, triển lãm ở mỗi nước; thúc đẩy tìm kiếm cơ hội đầu tư, hợp tác trong các lĩnh vực mới như dệt may và da giày, cơ khí chế tạo, sản xuất hàng tiêu dùng, chế biến thực phẩm, nông lâm thủy sản, luyện kim... 

Hai bên nhất trí cần tăng cường hợp tác trong lĩnh vực tiêu chuẩn và chất lượng. Việt Nam hoan nghênh Chương trình hỗ trợ của Ai Cập giúp đào tạo chuyên gia cho Việt Nam trong lĩnh vực Chứng nhận tiêu chuẩn Ha-la cho hàng hóa Hồi giáo. Hai bên cũng nhất trí tăng cường hợp tác trong việc công nhận lẫn nhau, cung cấp thông tin về tiêu chuẩn nhập khẩu các mặt hàng nông sản, thực phẩm nhằm thúc đẩy thương mại song phương. 

Hai bên cho rằng hòa bình, ổn định tại Đông Nam Á, Trung Đông và châu Phi hay bất cứ khu vực nào trên thế giới là yêu cầu thiết yếu nhằm mục tiêu phát triển, xây dựng cuộc sống phồn thịnh cho nhân loại. Hai bên khẳng định tầm quan trọng của việc tăng cường hợp tác quốc tế chống khủng bố, mối đe dọa chung của các dân tộc yêu chuộng hòa bình. Hai bên ủng hộ việc tìm kiếm giải pháp hòa bình cho các cuộc khủng hoảng tại một số nước ở khu vực Trung Đông, đảm bảo sự thống nhất của các quốc gia trên. 

Hai bên tái khẳng định mong muốn và quyết tâm duy trì một trật tự trên biển phù hợp với các nguyên tắc của luật quốc tế được thể hiện trong Công ước của LHQ về Luật Biển (UNCLOS). 

Đọc thêm