Sáng nay, 8/5 Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đã phát biểu tại Đại lễ Vesak 2014. Trước khi bước lên bục phát biểu, Chủ tịch QH đã thực hiện nghi lễ tôn kính trước Đức Phật.
Trong bài phát biểu của mình, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đã bày tỏ niềm vui trước sự có mặt của đông đảo các vị chư tôn đức giáo phẩm đại diện cho Phật giáo trên khắp thế giới; sự có mặt của các vị khách quý đại diện cho Liên Hợp Quốc, các tổ chức quốc tế, đại diện các nước cùng các đại biểu và Tăng Ni, Phật tử trong nước cũng như kiều bào ở nước ngoài… đã tụ hội về chùa Bái Đính dự Đại lễ.
Nhận định về tầm quan trọng của Đại lễ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói: Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc được tổ chức với quy mô quốc tế là sự kiện quan trọng thể hiện quyết tâm và chủ trương của Liên Hợp Quốc đối với các hoạt động mang tính quần chúng rộng rãi vì một thế giới hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển. Đại lễ được tổ chức với sự cổ suý của Liên Hợp Quốc nhằm tôn vinh những giá trị tư tưởng sâu sắc của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni về hòa bình, hòa hợp, hòa giải, vị tha, nhân ái vốn đã có từ hơn 2500 năm trước và vẫn còn nguyên giá trị trong thế giới ngày nay.
Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc được tổ chức hàng năm với sự tham gia của đông đảo các tông phái Phật giáo đến từ nhiều quốc gia trên thế giới là cơ hội, là nhịp cầu giúp cho tất cả những người anh em có tín ngưỡng Phật giáo được gặp gỡ nhau để tưởng niệm, tôn vinh Đức Phật nhân 3 sự kiện rất quan trọng trong thân thế và sự nghiệp của Ngài là Đức Phật đản sinh, Đức Phật thành đạo và Đức Phật nhập Niết-bàn.
Đại lễ cũng là nơi để mọi người chia sẻ và động viên nhau nhất tâm học tập, làm việc để đưa những tư tưởng tiến bộ của Đức Phật vào cuộc sống của xã hội hôm nay, để hướng tới một cuộc sống giảm thiểu xung đột và khổ đau, xây dựng một xã hội phát triển trong hoà bình và an lạc. |
Chủ tịch Quốc hội hy vọng Đại lễ Phật đản Liên Hợp quốc năm nay sẽ là cơ hội tốt để cùng nhau nhìn nhận và đánh giá lại những cố gắng của cộng đồng thế giới có niềm tin vào triết lý của Đức Phật trong việc xây dựng và phát triển xã hội trong hoà bình, hữu nghị.
“Qua Đại lễ này chúng ta cùng nhau tạo nên những nhân duyên mới để thắt chặt thêm sự đoàn kết, gắn bó hữu nghị, cùng nhau kiến tạo xã hội tốt đẹp, một cõi Niết bàn trong hiện thực của thế giới hiện tại, góp phần ngăn chặn sự xung đột, hoá giải các cuộc chiến tranh và đẩy lùi nguy cơ nghèo đói, khổ đau trong đời sống xã hội, đưa con người tới cuộc sống an vui.
Với đông đảo Quý vị có mặt ở đây hôm nay mỗi người là một sứ giả của thiện chí, của hoà bình, từ Đại lễ này sẽ tiếp thêm cho mỗi người sức mạnh và sự quyết tâm để tiếp tục xiển dương chính pháp của Đức Phật trong đời sống xã hội, vì tương lai tươi sáng và tốt đẹp của nhân loại.” – ông nói.
Nhận định về vai trò của Phật giáo, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng phát biểu: Trong suốt chiều dài lịch sử của Phật giáo tại VN, Phật giáo luôn gắn bó đồng hành cùng Dân tộc, luôn tỏ rõ phương châm nhập thế gắn bó giữa Đạo và Đời, phấn đấu vì mục tiêu hạnh phúc an vui cho con người.
Việt Nam hôm nay với chủ trương phát huy tối đa nội lực, đồng thời tôn trọng và sẵn sàng tiếp nhận sự hỗ trợ của bạn bè quốc tế, Việt Nam sẵn sàng mở rộng quan hệ hữu nghị hợp tác với các nước và cộng đồng quốc tế trên cơ sở tôn trọng độc lập chủ quyền của nhau, vì lợi ích các bên cùng có lợi trên nền tảng hoà bình và sự phát triển bền vững. Trong lĩnh vực văn hoá tinh thần, Việt Nam chủ trương bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá truyền thống dân tộc song cũng sẵn sàng tiếp thu đón nhận tinh hoa văn hóa thế giới và hội nhập với các nền văn hoá tiên tiến của nhân loại.
"Việt Nam luôn tôn trọng các giá trị đạo đức tốt đẹp của tôn giáo đóng góp cho đời sống xã hội từ việc hướng con người tới đạo đức chân, thiện, mỹ, nhất là những giá trị phù hợp với truyền thống văn hoá, đạo đức, lối sống hướng thiện của con người Việt Nam đang tích cực tham gia vào công cuộc xây dựng xã hội mới với mục tiêu “Dân giàu - Nước mạnh - Xã hội dân chủ, công bằng, văn minh” - Chủ tịch QH nước CHXHCN Việt Nam khẳng định./.