Hoan hỷ Đại lễ Phật đản 2014

(PLO) - Hôm nay, trong không khí đại hoan hỷ và hòa hợp của người con Phật đại diện cho các tổ chức hệ phái Phật giáo trên thế giới tụ hội về Bái Đính – Ninh Bình  Việt Nam để cùng nhau tổ chức ngày Đại lễ Vesak Liên Hiệp quốc, Phật lịch 2558, dương lịch 2014. 
Hoan hỷ Đại lễ Phật đản 2014
Cách đây hơn 2500 năm, Đức Giáo chủ Bản Sư Thích Ca Mâu Ni Phật ra đời tại đất nước Ấn Độ (nay thuộc xứ Népal). Trải qua quá trình tu tập, hoằng pháp và độ sinh, Đức Giáo chủ đã để lại cho nhân loại một hệ thống tư tưởng giáo lý vô giá về trí tuệ, lòng từ bi, tinh thần bất bạo động, hòa hợp và phát triển. 
Với ý nghĩa thiết thực đó, năm 1999 Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã thông qua Nghị quyết công nhận ngày Vesak (Lễ Tam hợp: Phật đản sinh, Phật thành đạo và Phật nhập Niết bàn) là Lễ hội Văn hóa Tôn giáo thế giới vì hòa bình của nhân loại.
Hưởng ứng các hoạt động chung của Liên Hợp Quốc, tiếp theo Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc 2008, Chính phủ cùng kết hợp với Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức thành công tốt đẹp. Năm 2014, lại một lần nữa Giáo hội Phật giáo Việt Nam được sự cho phép của Chính phủ đăng cai tổ chức Đại lễ Tam hợp lần thứ XI năm 2014 và được Ủy ban Quốc  tế (ICDV) chính thức bàn giao tại Đại lễ lần thứ X năm 2013 tổ chức tại Băngkok – Thái Lan. Chúng tôi xác định đây là vinh dự to lớn, là thuận duyên đối với đất nước và Phật giáo Việt Nam để góp phần cùng với cộng đồng Phật giáo Quốc tế trong việc phát huy tư tưởng giáo lý của Đức Phật trong sự nghiệp hoằng dương Chính pháp, lợi lạc quần sinh và bảo vệ hòa bình cho nhân loại.
Năm nay, với chủ đề “Phật giáo góp phần thực hiện thành tựu các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên Hiệp Quốc”, Vesak LHQ 2014 mang nhiều ý nghĩa cao cả. 
Các đại biểu niệm Phật trước giờ khai mạc Đại lễ
 Các đại biểu niệm Phật trước giờ khai mạc Đại lễ
Vesak LHQ 2014 là nơi thiết lập nhịp cầu tâm linh và học hỏi kinh nghiệm Phật sự của hơn 800 phái đoàn Phật giáo thế giới đến từ 90-100 quốc gia; đồng thời thực hiện các nghi thức hành trì của các tông môn pháp phái Phật giáo trên khắp thế giới; tạo hiệu ứng rộng lớn về niềm tin vào các giá trị tốt đẹp của Phật giáo, mang lại cho đời sống xã hội các giá trị hoà bình, an lạc và hữu nghị.
Vesak LHQ 2014  Là cầu nối giữa Phật giáo Việt nam với Phật giáo thế giới, là cơ hội để Phật giáo khắp thế giới tập hợp nhau lại, để cùng nhau xây dựng cuộc sống hữu nghị, hoà bình vì hạnh phúc của con người. Đối với GHPGVN đây là cơ hội quý báu lần thứ hai, sau sự thành công năm 2008, để tỏ rõ vị thế của Phật giáo trong giai đoạn mới, qua đó khẳng định với thế giới về tinh thần đoàn kết tôn giáo và đoàn kết các dân tộc ở Việt Nam.
Vesak LHQ 2014 Tưởng niệm Đại lễ Vesak LHQ là ngày quốc tế về tôn giáo và văn hoá, tạo sự giao lưu, học hỏi các tinh hoa văn hoá các nước; đồng thời kêu gọi ý thức bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hoá thế giới, trong đó bao gồm các di sản văn hoá Phật giáo cấp thế giới và quốc gia.
Vesak LHQ 2014 cũng đã tạo hình ảnh tốt đẹp đối với bạn bè thế giới về đất nước và con người Việt Nam yêu chuộng hoà bình, thân thiện, hoà hợp, đoàn kết và phát triển. Qua đó, nâng tầm vị thế của Việt Nam trên thế giới, tăng cường thiết lập bang giao và hữu nghị với tất cả quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Đồng thời cũng thể hiện sự gánh vác, vai trò của Việt Nam với việc thực hiện thành tựu các mục tiêu thiên niên kỷ của Liên hợp quốc. Sự hội nhập quốc tế sâu rộng của Việt Nam nhằm xây dựng hòa bình trên thế giới và khu vực.
Chùa Bái Đính nơi tổ chức Đại lễ Phật Đản 2014
 Chùa Bái Đính nơi tổ chức Đại lễ Phật Đản 2014
Phát biể tại Lễ khai mạc Vesak 2014, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nói: "Việt Nam hôm nay với chủ trương phát huy tối đa nội lực, đồng thời tôn trọng và sẵn sàng tiếp nhận sự hỗ trợ của bạn bè quốc tế, Việt Nam sẵn sàng mở rộng quan hệ hữu nghị hợp tác với các nước và cộng đồng quốc tế trên cơ sở tôn trọng độc lập chủ quyền của nhau, vì lợi ích các bên cùng có lợi trên nền tảng hoà bình và sự phát triển bền vững. 
Trong lĩnh vực văn hoá tinh thần, Việt Nam chủ trương bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá truyền thống dân tộc song cũng sẵn sàng tiếp thu đón nhận tinh hoa văn hóa thế giới và hội nhập với các nền văn hoá tiên tiến của nhân loại. Việt Nam luôn tôn trọng các giá trị đạo đức tốt đẹp của tôn giáo đóng góp cho đời sống xã hội từ việc hướng con người tới đạo đức chân, thiện, mỹ, nhất là những giá trị phù hợp với truyền thống văn hoá, đạo đức, lối sống hướng thiện của con người Việt Nam đang tích cực tham gia vào công cuộc xây dựng xã hội mới với mục tiêu “Dân giàu - Nước mạnh - Xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”.
Trong thông điệp gửi tăng ni, phật tử, Đức Pháp chủ, Giáo hội phật giáo Việt Nam – Hòa thượng Thích Phổ Tuệ nói: “Trải qua hơn 2000 năm lịch sử hiện diện và đồng hành với dân tộc Việt Nam, Đạo Phật đã trở thành tôn giáo của dân tộc. 
Với chủ đề: “Phật giáo góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc”, chúng tôi tin tưởng rằng Đại lễ Tam hợp lần thứ XI Liên hợp Quốc được tổ chức tại Việt Nam, Tăng Ni, Cư sĩ Phật tử trong và ngoài nước sẽ có nhiều cơ duyên để chia sẻ những kinh nghiệm và học thuật uyên thâm của các học giả đến từ khắp các Châu lục. 
Bên cạnh đó, Quý vị cũng sẽ tham gia các hoạt động nằm trong khuôn khổ của Đại lễ như nghi lễ cầu nguyện hòa bình thế giới, biểu diễn văn hóa nghệ thuật Phật giáo và văn hóa dân tộc Việt Nam, tham quan di sản văn hóa Phật giáo xưa và nay. Đó là những Phật sự có ý nghĩa của Tăng Ni, Phật tử vân tập tại đây để thành tâm kính dâng lên Đức Từ Phụ nhân ngày Đản sinh của Người.”
 
Vesak LHQ 2014 sẽ diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 8/5 đến ngày 10/5/ 2014. Trước đó, vào ngày 7/5, nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật đã diễn ra tại Bái Đính – Ninh Bình. Đặc biệt là lễ diễu xe hoa từ thành phố Ninh Bình về chùa Bái Đính đã thu hút sự quan tâm của người dân. 
Trong khuôn khổ Vesak LHQ 2014,  sẽ có 05 diễn đàn hội thảo khoa học của đại lễ bao gồm: Hồi ứng của Phật giáo về phát triển bền vững và thay đổi xã hội; Hồi ứng của Phật giáo đối với hâm nóng toàn cầu và bảo vệ môi trường; Đóng góp của Phật giáo về lối sống lành mạnh; Xây dựng hòa bình và sự bình phục hậu-mâu thuẫn; Giáo dục Phật giáo và chương trình cấp đại học.
Vào tối 8/5, sẽ có lễ Tụng kinh Đại lễ cầu Quốc thái Dân an, hòa bình thế giới. Tối 10/3, Bế mạc đại lễ là chương trình thắp nến cầu nguyện hòa bình.
Đặc biệt, vào lúc 9h30 phút sáng nay, 8/5 – Nghi thức Tắm Phật – sẽ được long trọng tổ chức tại Lễ đài Điện Thích Ca./.
“ Mục đích của cuộc sống là phải hạnh phúc. Với tư cách là một Phật tử, tôi thấy rằng thái độ tinh thần của riêng chúng ta là yếu tố có tính ảnh hưởng nhất trong việc làm hướng về mục đích đó. Để thay đổi các điều kiện bên ngoài chúng ta, dù chúng có liên quan đến môi trường hay các mối quan hệ với những cái khác, trước tiên chúng ta phải thay đổi trong chúng ta. 
Hòa bình bên trong là chính. Trong trạng thái tâm đó, các bạn có thể đối mặt với những khó khăn bằng sự bình tĩnh và lý trí, trong khi đó vẫn giữ được hạnh phúc bên trong của mình. Những lời dạy về tình yêu thương, lòng từ, sự khoan dung, cách ứng xử bất bạo động, lý thuyết đạo Phật, tất cả mọi thứ này là tương đối, cũng như nhiều cách để định tâm là điểm bắt đầu của hòa bình bên trong. Tôi tin rằng đạo Phật đóng một vai trò quan trọng trên thế giới hiện đại của chúng ta”
Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 gửi thông điệp tới Đại lễ

Đọc thêm