Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Cứ không làm được gì lại đổ cho thể chế là không đúng

(PLVN) -Sáng 24/10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội (QH) thảo luận ở tổ về tình hình thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội (KT- XH), Ngân sách Nhà nước (NSNN), kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo yêu cầu tại Nghị quyết về Kỳ họp thứ 5, QH khóa XV và một số nội dung khác.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp. (Ảnh PV).
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp. (Ảnh PV).

Nêu giải pháp cụ thể, chỉ rõ trách nhiệm thực hiện

Các đại biểu QH đánh giá cao kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH, NSNN năm 2023. Tuy nhiên, Đại biểu Trần Văn Tiến (Đoàn Vĩnh Phúc), Đại biểu Dương Văn Phước (Đoàn Quảng Nam) và nhiều đại biểu khác bày tỏ băn khoăn về việc chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động trong năm thứ 3 liên tiếp không đạt, trong khi đây là chỉ tiêu rất quan trọng, phản ánh chất lượng tăng trưởng, khả năng cạnh tranh của nền kinh tế. Các đại biểu đề nghị Chính phủ cần có giải pháp quyết liệt để giải quyết căn cơ vấn đề này, bảo đảm sự phát triển bền vững của nền kinh tế.

Đại biểu Dương Văn Phước cho biết, vừa qua, qua tiếp xúc cử tri, “đi đến đâu người dân cũng phàn nàn về khó khăn trong thủ tục hành chính, cụ thể là việc cấp sổ đỏ cho người dân”. Qua giám sát cho thấy thực tế có rất nhiều nội dung rất trì trệ. “Quá nhiều vướng mắc, không đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra. Người dân đi làm sổ đỏ có thể không phải là 1, 2 tháng mà có thể mất 2, 3, 5 năm hoặc cũng có thể không thực hiện được. Nhiều người rất ngao ngán. Thủ tục hành chính cũng quy định rất chặt chẽ là khi trễ hẹn với người dân thì phải xin lỗi nhưng quy trình xin lỗi này không được thực hiện hoặc thực hiện qua loa, chiếu lệ”, Đại biểu nói.

Để phấn đấu thực hiện cao nhất các nhiệm vụ từ nay đến cuối năm, Đại biểu Trần Văn Tiến đề nghị Chính phủ chỉ rõ các nhiệm vụ, biện pháp cụ thể và trách nhiệm trong việc thực hiện đối với từng cơ quan từ Trung ương đến địa phương, tránh tình trạng nêu nhiệm vụ, giải pháp chung chung nhưng không rõ trách nhiệm, dẫn đến hiệu quả triển khai không đạt kết quả như mong muốn.

“Cứ không làm được gì lại đổ hết cho thể chế” là không đúng

Một số đại biểu bày tỏ nhất trí với nhận định cho rằng việc tổ chức thực hiện luật pháp, chính sách, thực thi công vụ vẫn là khâu yếu. Phát biểu về vấn đề này, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ cho biết, chúng ta đã nhận diện một bộ phận cán bộ, công chức đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, sợ sai, không dám làm, làm không hết chức năng, nhiệm vụ được giao. Tại các kỳ họp trước, các đại biểu QH đã đặt vấn đề tại sao lại có tình trạng này, là do vướng mắc về hệ thống pháp luật hay do khâu tổ chức thực hiện, hay do cả hai và mức độ đến đâu?

Để giải đáp những câu hỏi nêu trên, tại Nghị quyết về Kỳ họp thứ 5, QH đã giao Chính phủ tổng rà soát hệ thống pháp luật, tập trung vào 22 lĩnh vực trọng tâm. Chính phủ đã tích cực và nghiêm túc triển khai thực hiện nhiệm vụ này. Ủy ban Thường vụ QH cũng thành lập một tổ công tác do Phó Chủ tịch QH Nguyễn Khắc Định làm Tổ trưởng để thực hiện rà soát hệ thống pháp luật.

Chủ tịch QH nhấn mạnh, tuy đánh giá độc lập, nhưng Chính phủ và Ủy ban Thường vụ QH, Ủy ban Pháp luật - cơ quan chủ trì thẩm tra nội dung này - đều thống nhất cho rằng, các văn bản quy phạm pháp luật được rà soát nói chung và trong 22 lĩnh vực trọng tâm nói riêng đều cơ bản phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, phù hợp với quy định của Hiến pháp, tương thích với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; cơ bản đáp ứng các yêu cầu về tính thống nhất, tính đầy đủ, tính đồng bộ, tính khả thi, kiến tạo phát triển đất nước và hội nhập quốc tế... “Kết quả rà soát này giải đáp được câu chuyện “cứ không làm được gì lại đổ hết cho thể chế” là không đúng. Năm ngoái tăng trưởng hơn 8% là do hệ thống pháp luật năm ngoái tốt hơn năm nay? Không phải như vậy. Hệ thống pháp luật nước ta ngày càng hoàn thiện, ngày càng đầy đủ hơn”, Chủ tịch QH khẳng định.

Chủ tịch QH cũng cho biết, không phải tất cả vướng mắc đều do khâu tổ chức thực hiện. Qua rà soát cho thấy, có vướng mắc do hệ thống pháp luật còn có những điểm chồng chéo, chưa hợp lý, nhưng số lượng văn bản phát hiện chồng chéo, mâu thuẫn là không nhiều. Nhiều nội dung địa phương phản ánh thì thực chất không phải do luật có vướng mắc mà là do chưa có văn bản hướng dẫn chi tiết, hoặc do cách hiểu ở dưới chưa đúng hoặc địa phương hỏi nhưng Bộ, ngành không trả lời, trả lời chung chung, cũng có những văn bản ban hành chưa kịp thời...

Quốc hội thông qua danh sách 44 người được lấy phiếu tín nhiệm

Chiều 24/10, trình bày Tờ trình về danh sách những người được lấy phiếu tín nhiệm, Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ (UBTV) QH Nguyễn Thị Thanh cho biết, theo quy định của Hiến pháp và pháp luật, tổng số người giữ các chức vụ do QH bầu hoặc phê chuẩn từ đầu nhiệm kỳ khóa XV là 50 vị trí, hiện nay có 49 người đang giữ các chức vụ do QH bầu hoặc phê chuẩn. Khoản 5 Điều 2 Nghị quyết 96/2023/QH15 quy định không lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 2 đã có thông báo nghỉ công tác chờ nghỉ hưu hoặc được bầu, bổ nhiệm trong năm lấy phiếu tín nhiệm. Do đó, có 5 người được bầu, phê chuẩn trong năm 2023 sẽ không thực hiện lấy phiếu tín nhiệm, gồm Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH Lê Quang Mạnh.

Chủ tịch QH Vương Đình Huệ nhấn mạnh, việc lấy phiếu tín nhiệm là công việc rất hệ trọng, cần được tiến hành theo đúng quy trình, thủ tục chặt chẽ, bảo đảm dân chủ, khách quan, công tâm, công khai, minh bạch và đánh giá đúng thực chất kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn và phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống của người được lấy phiếu tín nhiệm.

Tại phiên họp, với 95,34% tổng số đại biểu QH tham gia biểu quyết tán thành, QH đã thông qua danh sách 44 người được lấy phiếu tín nhiệm tại Kỳ họp thứ 6, QH khóa XV. Sau đó, QH thảo luận ở Đoàn về các vấn đề liên quan đến việc lấy phiếu tín nhiệm. Nội dung này sẽ được tiếp tục trong phiên họp hôm nay (25/10).

Đọc thêm