Chủ tịch TP HCM nên tiếp người 10 năm kêu cứu

 PLVN nhiều năm qua đã phản ánh vụ nhà 6B Trần Cao Vân, Quận 1, TP. HCM bị xã hội đen đập phá và sự vô cảm, bao che sai phạm của một số cơ quan chức năng địa phương khiến người bị hại gần 10 năm đội đơn kêu cứu. Để giải quyết triệt để vụ việc, cần lắm một lần Chủ tịch UBND TP HCM tiếp và lắng nghe trình bày của đương sự.

PLVN nhiều năm qua đã phản ánh vụ nhà 6B Trần Cao Vân, Quận 1, TP. HCM bị xã hội đen đập phá và sự vô cảm, bao che sai phạm của một số cơ quan chức năng địa phương khiến người bị hại gần 10 năm đội đơn kêu cứu. Để giải quyết triệt để vụ việc, cần lắm một lần Chủ tịch UBND TP HCM tiếp và lắng nghe trình bày của đương sự.
Hiện trường cơ sở bán thiết bị phòng cháy chữa cháy của bà Điệp tại 6B Trần Cao Vân bị đập phá hoàn toàn
Hiện trường cơ sở bán thiết bị phòng cháy chữa cháy của bà Điệp tại 6B Trần Cao Vân bị đập phá hoàn toàn

Sai phạm được bảo kê?

Nhà 6B Trần Cao Vân có 4 hộ ở là Nguyễn Minh Kiên, Võ Hồng Phúc, Lê Thanh Hùng và Nguyễn Thị Điệp. Năm 2000, hai ông Hùng, Phúc bán diện tích sử dụng cho bà Nguyễn Lệ Thủy. Do bà Điệp không đồng ý bán phần diện tích của mình nên từ ngày 01/05 đến 08/05/2001, Thủy cùng hai ông Hùng, Phúc đã 4 lần kéo người đến đập phá căn phòng của bà Điệp nhưng Công an phường ĐaKao đã không xử xử lý. Với hành vi được cho là “bảo kê” tội phạm, Trưởng Công an phường ĐaKao lúc đó là ông Võ Thanh Hà (nay là Thư ký của Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân) đã bị Thanh tra Công an TP.HCM khẳng định là thiếu trách nhiệm, Giám đốc Công an TP.HCM đã chỉ đạo kiểm điểm trách nhiệm.

Đáng buồn là hành vi hủy hoại tài sản đã rõ, nhưng các cơ quan bảo vệ pháp luật Q1 (CA, VKS, TA) không khởi tố vụ án. Bà Điệp cùng chồng là ông Hoàng Hữu Hiệp tố cáo khắp nơi; Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM có nhiều công văn đề nghị Giám đốc Công an, Viện trưởng VKSND TP.HCM xem xét, nhưng hai cơ quan này cho rằng đề nghị khởi tố vụ án là “không có cơ sở”.

Trước sự lên tiếng mạnh mẽ của công luận và ý kiến của nhiều lãnh đạo Đảng, Chính phủ và Đại biểu Quốc hội, ngày 27/01/2005, TAND Q 1 mở phiên tòa do Thẩm phán Nguyễn Hương Giang chủ tọa chỉ tuyên Thủy phạm tội “Gây rối trật tự công cộng” và phạt 5 triệu đồng; còn Hùng, Phúc và đám xã hội đen đều thoát tội. Vợ chồng bà Điệp kháng cáo, TAND TP.HCM xử phúc thẩm do Thẩm phán Lê Văn Ban chủ tọa đã y án sơ thẩm.

Vợ chồng bà Điệp làm đơn tố cáo Thẩm phán Ban, Thẩm phán Giang có dấu hiệu xâm phạm hoạt động tư pháp gửi Chánh án TAND TP. HCM Bùi Hoàng Danh nhưng không được giải quyết. Ngày 3/4/2006, VKSNDTC có kháng nghị và ngày 20/5/2006, Tòa Hình sự TANDTC đã quyết định giám đốc thẩm tuyên hủy 2 bản án trên, giao hồ sơ để giải quyết lại.

Vụ việc được chuyển về CA Quận 1 nhưng một thời gian dài cơ quan này không làm các thủ tục điều tra lại (triệu tập, lấy lời khai người bị hại …). Ngày 24/11/2009, Cơ quan CSĐT- Bộ CA có công văn gửi Phó Giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT CA TP.HCM yêu cầu chỉ đạo giải quyết vụ việc theo luật định, báo cáo kết quả về Cơ quan CSĐT – Bộ CA và trả lời đơn người tố cáo.

Tuy nhiên, sau này mới biết, ngày 14/11/2008 Trung tá Nguyễn Hoàng Thắng – Phó trưởng CA Q1 đã ký Quyết định đình chỉ điều tra vụ án “Gây rối trật tự công cộng” vì “xảy ra đã lâu (năm 2001), hành vi của Thủy ít nghiêm trọng, bản thân Thủy không còn nguy hiểm cho xã hội nên miễn trách nhiệm hình sự đối với Thủy...”.

Thực tế cho thấy, nhận định này là không khách quan có dấu hiệu bao che cho kẻ phạm tội, bởi hành vi tổ chức đập phá nhà của Thủy và đồng bọn rất nghiêm trọng, có tổ chức; Vụ án kéo dài là lỗi của CA và VKS Q1. Chưa hết, Quyết định đình chỉ điều tra được ký ngày 14/11/2008 nhưng 2 năm sau mới giao cho bị hại.

Xin một lần Chủ tịch thành phố tiếp đương sự

Trong lúc vụ đập phá Nhà 6B đang được điều tra, xử lý thì Cty Quản lý Kinh doanh nhà TP (Cty Nhà) hợp thức hóa diện tích của hai ông Hùng và Phúc để ngày 04/01/2002 hai ông này được cấp giấy sở hữu phần diện tích tại Nhà 6B. Kỳ lạ hơn, Chủ tịch UBND Phường ĐaKao lại xác nhận Nhà 6B không có tranh chấp để ngày 25/01/2002 phần diện tích trên được đăng ký đổi chủ cho bà Cao Thị Hảo và ông Trương Mạnh Hòe.

Tiếp đó, căn nhà được sang nhượng lại cho Nguyễn Thị Minh Hoàn với giá 1.550 lượng vàng. Sau cùng, bà Nguyễn Thị Huyền (chồng là Lê Văn Hải) mua diện tích đó và phần của ông Kiên, rồi chiếm luôn 57,91m2 của bà Điệp. Vấn đề đặt ra ở đây là tại Nhà 6B đang xảy ra tranh chấp gay gắt, nhưng tại sao vẫn được chuyển nhượng dễ dàng như vậy. Phải chăng có đường dây “bước qua” pháp luật?.

Sau nhiều lần tố cáo, ngày 27/3/2010 vợ chồng bà Điệp vui mừng nhận được Công văn số 2011 của UBND TP.HCM với nội dung Phó Chủ tịch Thường trực Nguyễn Thành Tài giao UBND Q1 ban hành quyết định cưỡng chế hộ ông Văn Hải, bà Huyền, phối hợp với Cty Nhà thu hồi phần diện tích nhà thuộc sở hữu Nhà nước bị chiếm dụng tại Nhà 6B mà gia đình ông Hải,bà Huyền chiếm dụng trái phép để bán cho gia đình bà Điệp theo cơ chế thị trường như chủ trương của UBND TP.HCM tại Công văn số 6566 ngày 3/10/2007.

Thế nhưng, bất ngờ 4 ngày sau (1/4/2010), Văn phòng UBND TP.HCM lại có Công văn số 2154 truyền đạt ý kiến của ông Tài giao Q 1 và Cty Nhà cưỡng chế thu hồi phần diện nhà thuộc sở hữu Nhà nước mà gia đình ông Hải, bà Huyền chiếm dụng trái phép, để bán cho ông Vũ Văn Hùng theo chủ trương của UBND TP.HCM tại Công văn số 6566.

Gia đình bà Điệp chưa làm bất cứ một văn bản nào đề nghị các cơ quan có thẩm quyền cho chuyển nhượng phần diện tích sử dụng của mình cho bà Hảo. Thế nhưng, Cty Nhà vẫn có văn bản đề nghị UBND TP HCM cho bà Hảo được chuyển nhượng phần diện tích của bà Điệp cho ông Vũ Mạnh Hùng. Và không hiểu tại sao, ngày 4/10/2007, Cty Nhà đã ký hợp đồng cho ông Hùng thuê diện tích 57, 91m của bà Điệp.

Trước khiếu nại gay gắt của vợ chồng bà Điệp, Ủy ban Văn hóa Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên & Nhi đồng của Quốc hội, VKSNDTC, Thanh tra Chính phủ, Văn phòng tiếp công dân… đã có nhiều văn bản đề nghị Chủ tịch UBND TP.HCM xem xét, giải quyết và cho ông Hiệp gặp gỡ, đối thoại. Nhưng đến nay, người đứng đầu chính quyền TP.HCM vẫn im lặng.

Gần đây, sau 3 lần đối thoại với ông Hiệp, ông Nguyễn Tấn Bền - Giám đốc Sở Xây dựng đã kiến nghị UBND TP. HCM giao Thanh tra TP phúc tra lại toàn bộ nội dung tố cáo của ông Hiệp liên quan đến Nhà 6B, nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả trả lời ông Hiệp.

Có thể thấy, quá nhiều sự bất bình thường liên quan đến vụ việc này khi một loạt hành vi vi phạm pháp luật tại Nhà  6B không bị xử lý đúng quy định pháp luật, còn một lãnh đạo TP chỉ sau 4 ngày quay ngoắt ý kiến chỉ đạo của mình, khiến 10 năm qua người dân khốn khổ đi khiếu kiện. Càng bất bình thường hơn khi hàng loạt ý kiến chỉ đạo của các Lãnh đạo Trung ương, hàng trăm bài báo, hàng chục cơ quan ngôn luận lên tiếng nhưng UBND TP. HCM vẫn phớt lờ. 

Khi ra ứng cử HĐND TP HCM vừa qua, Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân đã hứa trước cử tri sẽ dành nhiều thời gian tiếp và lắng nghe ý của dân, có bản lĩnh và dũng khí trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí. Hy vọng ông Chủ tịch sẽ không quên lời hứa và vợ chồng bà Điệp sẽ một lần được ông Quân tiếp và lắng nghe ý kiến. 

Nhóm PV

Đọc thêm