Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành: Thay đổi tư duy, sẵn sàng nhiệm kỳ mới

(PLVN) - Là địa phương đầu tiên khởi phát dịch Covid-19 trong năm 2020, 6 tháng đầu năm, tăng trưởng GDP của Vĩnh Phúc âm 2,7%. Tuy nhiên, kết thúc năm 2020, Vĩnh Phúc đạt mức tăng trưởng ấn tượng 2,61% và sẵn sàng cho năm khởi đầu của một nhiệm kỳ mới.
Dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch ASEAN 2020 và Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, UBND tỉnh Vĩnh Phúc trao Quyết định chủ trương đầu tư dự án Logistics ICD Vĩnh Phúc cho nhà đầu tư.

Những ngày chống dịch “không thể nào quên”

“Thành tựu lớn nhất của Vĩnh Phúc năm 2020 không phải là tăng trưởng, số thu ngân sách, không phải là cơ cấu kinh tế…, mà phải nhìn lại cả chặng đường của năm 2020. Đó là một năm đặc biệt!” - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành mở đầu cuộc trò chuyện với PLVN.

Sự đặc biệt của năm 2020 không chỉ ở sự dị thường của thời tiết “30 Tết mưa rào, mùng 1 Tết mưa đá”, là bão lũ miền Trung, dịch bệnh với gia súc, gia cầm, mà còn ở dịch Covid-19. Đặc biệt, với Vĩnh Phúc, đó là “cực kỳ không bình thường”, lời ông Thành.

“Covid-19 rơi vào đúng thời điểm Vĩnh Phúc kỷ niệm 70 năm thành lập tỉnh, đồng thời đón Thủ tướng lên dự Lễ kỷ niệm. Cũng chính tại Vĩnh Phúc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký Quyết định 173/QĐ-TTg về việc công bố dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra…”, ông Thành nhớ lại.

Nhắc đến những này tháng “không thể nào quên”, ông Thành nói: “Suốt thời gian đó, Vĩnh Phúc quá vất vả, không cầu cứu ai được!”. Ông kể những chuyện “cười ra nước mắt”: Chuyện người dân Vĩnh Phúc xuống Hà Nội không ai tiếp, công dân Vĩnh Phúc về Hà Nội bị yêu cầu cách ly, 3 mẹ con TP Vĩnh Yên về Hà Tĩnh ăn giỗ bị “nhốt” lại có người canh giữ bên ngoài… Rồi chuyện người dân 2 xã dàn quân ra đánh nhau chỉ vì chuyện người xã Lập Thạch sang Tuyên Quang bị đuổi về. Chuyện một cô bé lên mạng tẩy chay Vĩnh Phúc rồi các bà, các chị thuê xe tìm đến tận nơi đòi “xử”… 

Nhắc lại những chuyện này, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc một lần nữa khẳng định, năm 2020 thành quả lớn nhất không phải là các thành tựu về kinh tế - xã hội mà chính là tinh thần, thái độ, chính sách bao vây ngăn chặn dịch thành công. “Tất cả 11 người dân Vĩnh Phúc bị nhiễm Covid-19 đều được chữa khỏi tại Phòng Y tế bệnh viện tuyến huyện đặt ở xã Sơn Lôi. Chúng tôi rút ra bài học thành công chính là sự lãnh đạo tuyệt đối, toàn diện, triệt để của cấp ủy, sự đồng thuận của người dân. Cái được lớn nhất của Vĩnh Phúc mà chúng tôi tự hào là lòng tin của người dân với Đảng, của doanh nghiệp (DN) với chính quyền, lòng tin các cơ quan, đoàn thể được nâng lên…”, ông Thành quả quyết.

Bài học từ đại dịch

Là địa phương được biết đến với nhiều dự án FDI song theo Phó Bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành, cũng qua năm 2020 vị thế của Vĩnh Phúc “tự nhiên được nâng lên mà không phải mất tiền xúc tiến đầu tư”. Báo chí, thậm chí báo chí nước ngoài tràn ngập thông tin về Vĩnh Phúc. “Họ đưa đúng. Thông tin tốt có, xấu có, căng thẳng có và cuối cùng họ khẳng định Vĩnh Phúc đã chọn được thời điểm vàng để bắt tay vào cuộc chiến chống dịch, vẽ được đường đi của dịch mà sau này công an khái quát đó là truy vết…!”, ông Thành chia sẻ.

Nhớ lại quyết định cách ly Sơn Lôi, Chủ tịch Vũ Duy Thành gọi đó là quyết định lịch sử. “Cách ly là từ mỹ miều thôi, nhưng câu chuyện rõ ràng là “Bác ơi, bác ở đây, cần gì họ đưa vào!”. Và hàng ngày có người đưa thức ăn vào, mặt bịt kín. 11.600 người dân Sơn Lôi đã chấp nhận cuộc sống như vậy nửa tháng trời, nếu không có lòng tin mãnh liệt, họ có chấp nhận như vậy không?” - Chủ tịch Thành cảm động chia sẻ.

Cũng chính cách làm của Vĩnh Phúc mà sau này các nhà đầu tư lớn, nhất là Nhật Bản sang, họ tin rằng Vĩnh Phúc không bỏ rơi DN, nhất là khi có vấn đề lớn xảy ra. “Lúc đó họ mới cảm nhận chính quyền Vĩnh Phúc coi nhà đầu tư như công dân Vĩnh Phúc, mình đối xử với người dân như thế nào thì với nhà đầu tư cũng thế. Tất cả mọi thứ miễn phí hoàn toàn…”, ông Thành khẳng định.

Tuy nhiên, điều mà các cấp lãnh đạo của Vĩnh Phúc nhớ nhất là việc ban hành Nghị quyết trong thời điểm “nước sôi lửa bỏng” đó. “Chưa có Nghị quyết nào lúc nghĩ ra là 4h sáng, Ban Thường vụ họp chỉ đạo đến 8h sáng họp Hội đồng nhân dân ban hành Nghị quyết hỗ trợ người dân ít nhất 80 nghìn đồng/ngày. Rõ ràng câu chuyện này đặt ra, nếu sau này tất cả các vấn đề về phát triển kinh tế - xã hội được chỉ đạo một cách quyết liệt, đồng bộ như vậy thì tại sao Vĩnh Phúc hay Việt Nam lại không theo được các nước phát triển? Với cách làm đó, chắc chắn các điểm nghẽn, các vướng mắc chúng ta sẽ tháo gỡ được…” - Chủ tịch Lê Duy Thành quả quyết.

Một bài học nữa của Vĩnh Phúc được Chủ tịch Lê Duy Thành chia sẻ, đó là kịch bản chặt chẽ, chỉ đạo quyết liệt. Ông nhớ lại, thời điểm khởi phát dịch là tháng 2/2020, mục tiêu của Vĩnh Phúc đặt ra là ổn định. Bằng bất kỳ giá nào không được xáo trộn đời sống người dân, DN không được xáo trộn, không để người dân mất việc, không để người lao động không có thu nhập. 

“Lúc đó chỉ nghĩ ra từng đó thứ. Ngoài 11 người bị nhiễm Covid-19, còn kéo theo F1, F2, F3 phải cách ly. Kết quả đến 30/6 tăng trưởng kinh tế của Vĩnh Phúc âm 2,7%. Đến tháng 6, Vĩnh Phúc khống chế được dịch thì các địa phương khác bùng phát dịch. Thời điểm đó, Vĩnh Phúc chỉ đạo một mặt chống dịch, một mặt chúng tôi nhìn thấy cơ hội cho Vĩnh Phúc. Có những DN nước ngoài sau này nói với tôi là họ không thể tưởng tượng 6 tháng cuối năm có doanh thu đột biến như vậy... 6 tháng cuối năm, Vĩnh Phúc đưa ra chính sách phục hồi. Từng đoàn công tác gặp DN, khó khăn ở đâu, hỗ trợ tối đa... Thủ tục hành chính lúc đó chạy tuồn tuột, chả ai bảo ai, rất thông. Và hết 30/9 tăng trưởng đạt 0,69%. Đại hội Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc nhận định tình hình ổn rồi, khả năng cả nhiệm kỳ không đạt chỉ tiêu, cho nên mục tiêu đặt ra tiếp theo là tăng trưởng...” - ông Thành nhớ lại.

“Đảng ra Nghị quyết nhưng không phải không rõ ràng. Tất cả các nguồn lực về đầu tư công phải được giải phóng bằng hết, các điểm nghẽn, khó khăn phải vượt qua để đẩy nhanh tiến độ giải ngân. Dự án nào không khởi công do ảnh hưởng của Covid-19 thì phải khai thác nguồn nội lực. Dự án nào dập dình khởi công hay không khởi công thì đến động viên họ khởi công trong thời điểm này... Vậy là cuối năm khởi công rầm rầm, toàn các dự án lớn với vốn đầu tư hàng trăm triệu USD.  Đáng chú ý, Dự án Trung tâm Logistics ICD Vĩnh Phúc với tổng vốn đầu tư gần 200 triệu USD được cấp giấy chứng nhận đầu tư chỉ trong 36 giờ. Đây là dự án khởi động Mạng lưới Logistics thông minh ASEAN trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37. Với những nỗ lực đó, kết thúc năm 2020 tăng trưởng GDP của Vĩnh Phúc đã lên tới 2,61%” - Chủ tịch Lê Duy Thành thông tin.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành.

Việc không chuyển thì... chuyển người

Chia sẻ về những nhiệm vụ trọng tâm của năm 2021 và nhiệm kỳ 2021- 2025, ông Lê Duy Thành cho biết, Báo cáo chính trị, Chương trình hành động, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc rất dài nhưng khái quát chỉ có 3 việc, các cấp, các ngành chỉ tập trong vào 3 việc. 

Thứ nhất, rà soát tất cả các điểm nghẽn, xây dựng cơ chế giám sát tháo gỡ điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực thu hút đầu tư, để phát triển. “Phát triển để làm gì? Quay trở lại là người dân Vĩnh Phúc phải được hưởng thành quả phát triển của Vĩnh Phúc 20 năm vừa rồi!” - ông Thành nhấn mạnh.

Thứ hai, đột phá vào cơ sở hạ tầng, nhưng Vĩnh Phúc tập trung vào chỉnh trang đô thị và đầu tư vào nông thôn mới, để “đô thị ra đô thị, nông thôn ra nông thôn”. 

Rồi ông hào hứng: “Đô thị chúng ta bây giờ có nhiều thành phố nhưng nhà không số, phố không tên, đêm đêm không đèn. Bây giờ cái gì còn thiếu thì đắp vào. Xây dựng lại chính quyền đô thị, văn minh đô thị, các mối quan hệ… Với nông thôn, cần nghiêm túc nhìn cả giai đoạn. Chúng ta làm nông thôn mới nhưng thực chất là chạy đua đô thị hóa nông thôn. Tất cả những gì gọi là “Cây đa, bến nước, sân đình”, “Cánh đồng thẳng cánh cò bay”, những cái gì gọi là hồn cốt của nông thôn chúng ta phá hết rồi. Bây giờ phải quay lại. Xây dựng nông thôn mới trước hết nông thôn phải là nông thôn, chứ không phải nửa nông thôn nửa thành thị, với rất nhiều tiệm hớt tóc, cà phê đèn mờ, karaoke xập xình… Bây giờ phải đầu tư phát triển những câu lạc bộ văn hóa dân gian, những cái gì mang tính chất văn hóa truyền thống… Nói vậy thôi, làm được không dễ gì”.

Thứ ba là về công tác cán bộ. “Trung ương nói rất nhiều về công tác cán bộ, Tỉnh ủy cũng làm không biết bao chương trình, nào là đổi mới công tác đào tạo, công tác bồi dưỡng…, nhưng tôi chỉ tóm lại một câu “Đó là thay đổi tư duy nhận thức. Phải có cách nhìn mới, như khẩu hiệu “Suy nghĩ không cũ về điều không mới”. Làm gì có gì mới? Cuộc sống vẫn thế, vẫn là cơm áo, gạo tiền... Bây giờ có cách nhìn khác đi. Phải thay đổi tư duy, cách tiếp cận. Cuối cùng là “Việc không chuyển, chuyển người”. Câu đó rất đơn giản nhưng rất nhiều “ông” giật mình. Thế nào là việc chuyển? Đến bây giờ, rất nhiều người đứng đầu, thậm chí đến cả đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng nói rằng: “Các đồng chí thông cảm! Nếu như Vĩnh Phúc này không chuyển thì tôi phải là người chuyển trước…”. Rồi mọi người có tư duy: Thế nào là việc chuyển? Việc của mình là gì? Hàng ngày làm gì? Nó có chuyển không? Mình thấy chuyển mà sếp bảo không chuyển thì nguy rồi! Phải xem lại Nghị quyết, các văn bản chỉ đạo điều hành như thế nào thì bám vào đó. Thế là tự nhiên rùng rùng cả bộ máy phải chuyển!...” - Chủ tịch Lê Duy Thành cười vang.

Đọc thêm