Hôm nay - 15/1, với sự hỗ trợ của Chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform) Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã tổ chức Hội thảo “Kinh tế Việt Nam năm 2020 và triển vọng 2021”
3 điểm nhấn kinh tế Việt Nam năm 2020
Nhìn lại kinh tế Việt Nam năm 2020, bà Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng CIEM - nhấn mạnh 3 điểm nổi bật. Thứ nhất, đại dịch COVID-19 bùng phát vào năm 2020 – đúng thời điểm Việt Nam đang hoàn thiện dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, nên kịp cho chúng ta điều chỉnh những đánh giá, yêu cầu và giải pháp cho giai đoạn chiến lược tới. Thứ hai, diễn biến phức tạp và kéo dài của đại dịch COVID-19 buộc chúng ta phải nhìn nhận các yêu cầu cải cách đủ sâu rộng trong thời gian tới, thay vì tư duy “chờ qua dịch rồi mọi thứ sẽ bình thường trở lại”.
Thứ ba, nhiều yêu cầu cải cách mà chúng ta nhìn nhận hậu COVID-19 thực ra không mới, đại dịch COVID-19 ít nhiều còn giúp đẩy nhanh các cải cách này. Nổi bật và rõ nét nhất là chuyển đổi số, khi những chuyển biến trong năm 2020 được cho là nhiều hơn cả các năm trước cộng lại. Hay như với ý tưởng phát triển mô hình kinh tế ban đêm, Đề án mà Viện chủ trì soạn thảo đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cuối tháng 7/2020, khi mà dịch vừa mới bùng phát trở lại ở Đà Nẵng.
Với chủ đề hội thảo là “Hội nhập, cải cách và phát triển bền vững”, theo Viện trưởng CIEM, trong bối cảnh COVID-19, những yêu cầu về hội nhập, cải cách và phát triển bền vững cũng phải có những điều chỉnh nhất định. “Hội nhập, cải cách và phát triển bền vững sẽ không thể tiếp tục đi song song, mà phải “bện chặt” với nhau hơn...” - bà Minh nhấn mạnh.
Quang cảnh hội thảo. |
Kịch bản nào?
Theo nhận định của các chuyên gia, kinh tế toàn cầu trong nửa cuối năm 2020 tiếp tục bị ảnh hưởng bởi diễn biến phức tạp, khó lường của đại dịch COVID-19. Các tổ chức quốc tế đã cập nhật triển vọng kinh tế toàn cầu năm 2020 và 2021 với đánh giá lạc quan hơn so với hồi giữa năm 2020, dù còn giữ sự thận trọng. Dù vậy, một rủi ro hiện hữu là các nền kinh tế chủ chốt có thể phục hồi không đồng thời, do thời điểm ra khỏi dịch COVID-19 có thể khác nhau.
Dự báo về kinh tế Việt Nam năm 2021, các chuyên gia của CIEM đã đưa ra 2 kịch bản cho tăng trưởng kinh tế (GDP) năm 2021. Theo đó, GDP năm 2021 có thể đạt mức 5,98% theo Kịch bản 1, và 6,46% trong Kịch bản 2. Xuất khẩu cả năm dự báo tăng 4,23% trong Kịch bản 1 và tăng 5,06% trong Kịch bản 2. Thặng dư thương mại dự báo tương ứng ở các mức 5,49 tỷ USD và 7,24 tỷ USD. Lạm phát bình quân năm 2021 lần lượt đạt 3,51% và 3,78%.
Theo ông Nguyễn Anh Dương - Trưởng Ban Nghiên cứu Tổng hợp CIEM, trong 2 kịch bản mà CIEM đưa ra, kịch bản 1 được coi sẽ có nhiều khả năng xảy ra hơn, trong khi kịch bản 2 chỉ có thể đạt được với nỗ lực cao.
Nghiên cứu của CIEM chỉ ra rằng, mặc dù so với các nước châu Á, Việt Nam vẫn còn tăng trưởng nhanh hơn, nhưng mức suy giảm (chủ yếu ở quý 1, quý 2 năm 2020) rất nhanh và đó là dấu hiệu đáng lo ngại. Lãi suất thấp, nhưng chưa đủ kích thích cả tiêu dùng và sản xuất. “Sản xuất công nghiệp phục hồi, nhưng mới chỉ tiến đến gần mức trước khi xảy ra đại dịch Covid-19, còn khu vực dịch vụ suy giảm mạnh nhất mà chiều hướng phục hồi vẫn chưa rõ ràng”, ông Nguyễn Anh Dương nhấn mạnh.
Theo CIEM, diễn biến kinh tế Việt Nam trong năm 2021 có thể chịu ảnh hưởng của một số yếu tố như: Kinh tế thế giới còn bất định, rủi ro; dịch COVID-19 và các biến thể diễn biến phức tạp, khó lường, luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát làn sóng tiếp theo; Việc nhiều nền kinh tế thực hiện các gói hỗ trợ quy mô lớn, trong khi thiếu điều phối ở cấp độ toàn cầu, có thể gây ra những rủi ro không nhỏ đối với thị trường tài chính thế giới và tình trạng nợ toàn cầu; Cách mạng Công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số tiếp tục chuyển biến nhanh, ảnh hưởng đến sự phát triển của cả doanh nghiệp và thị trường trong nước Việt Nam.
Trong khi đó, khả năng duy trì các cải cách thực chất đối với môi trường đầu tư – kinh doanh sẽ ảnh hưởng đến tâm lý, quyết định mở rộng đầu tư của nhiều doanh nghiệp nước ngoài. Các yếu tố có thể tác động đến diễn biến kinh tế là nhu cầu tiêu dùng trong nước có thể gia tăng nhanh hơn, và doanh nghiệp có thể tập trung hơn đến khai thác thị trường trong nước. Và dù kỳ vọng nhiều vào tác động tích cực của EVFTA, Việt Nam có thể phải đối mặt với nhiều vụ kiện phòng vệ thương mại, điều tra chống lẩn tránh thuế, gian lận xuất xứ..., không chỉ ở thị trường Mỹ.
Chính vì vậy, bên cạnh việc tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình dịch COVID-19 và có biện pháp phòng chống phù hợp, theo khuyến nghị của CIEM, cải cách kinh tế hậu COVID-19 phải là một phần quan trọng của kế hoạch phục hồi tăng trưởng kinh tế...