Chú trọng đảm bảo quốc phòng, an ninh trên biển

(PLVN) - Chiều 28/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành thảo luận. (Nguồn ảnh: Quochoi.vn)
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành thảo luận. (Nguồn ảnh: Quochoi.vn)

Các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cơ bản tán thành với sự cần thiết ban hành Luật, đồng thời đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, đề xuất bổ sung trực tiếp vào các quy định của dự thảo Luật các cơ chế, chính sách đặc thù rõ hơn, mạnh dạn hơn, nhất là trong lĩnh vực hoạt động khoa học và công nghệ, lĩnh vực thu hút và trọng dụng nhân tài để tạo nên đột phá cho sự phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh (QPAN) tự lực, tự cường, lưỡng dụng, hiện đại.

Tuy nhiên, ĐB Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) cho rằng, có nhiều nội dung của dự án Luật chưa phù hợp với pháp luật liên quan như miễn, giảm thuế, hỗ trợ ngân sách các quỹ của doanh nghiệp; vấn đề quỹ phát triển khoa học công nghệ, trích trước thuế, sau thuế…

Đại biểu Dương Khắc Mai. (Nguồn ảnh: Quochoi.vn)

Đại biểu Dương Khắc Mai. (Nguồn ảnh: Quochoi.vn)

Do đó, ông đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ những nội dung không phù hợp, có báo cáo cụ thể để ĐBQH tham khảo; đề nghị tiếp tục rà soát, nghiên cứu để thể chế đầy đủ, cụ thể hơn về quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng tại các nghị quyết Đại hội Đảng, nhất là Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, kết luận của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng và động viên công nghiệp, tập trung vào những định hướng, chỉ đạo quan trọng về xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng, xây dựng và phát triển ngành công nghiệp QPAN... trở thành mũi nhọn chủ lực của công nghiệp quốc gia.

ĐB Tạ Đình Thi (đoàn Hà Nội) lại đặc biệt quan tâm đến vấn đề biển đảo. Ông phân tích, Việt Nam phải là quốc gia mạnh về biển nên cần chú trọng đảm bảo QPAN trên biển. Biển đảo là môi trường sinh tồn, phát triển của nước ta. Chúng ta phải ưu tiên nhiệm vụ bảo vệ biển đảo gắn với bảo vệ môi trường; bổ sung thêm chính sách bảo vệ QPAN gắn với phát triển kinh tế...

Theo ĐB, dự án Luật cần tiếp tục quán triệt sâu sắc hơn nữa các quan điểm, chủ trương lớn và các giải pháp được nêu tại Nghị quyết số 36 ngày 22/10/2018 của Hội nghị Trung ương 8 khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, về chủ trương lớn là xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng chính quy, tinh nhuệ theo hướng hiện đại. Ưu tiên hiện đại hóa một số quân chủng, binh chủng, lực lượng thực thi pháp luật trên biển. Không ngừng củng cố, tăng cường thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân khu vực biển, bảo đảm năng lực xử lý tốt các tình huống trên biển; giữ vững độc lập, chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán và lợi ích quốc gia trên các vùng biển.

Về nhóm giải pháp, ĐB đề xuất, cần hoàn thiện tổ chức các lực lượng bảo đảm QPAN, thực thi pháp luật trên biển. Đầu tư trang thiết bị hiện đại, chú trọng đào tạo nhân lực, nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật và tăng cường khả năng hiệp đồng tác chiến của các lực lượng tham gia bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán và các lợi ích chính đáng, hợp pháp của đất nước. Xây dựng lực lượng Công an khu vực ven biển đảo, các khu đô thị, kinh tế, khu công nghiệp ven biển vững mạnh, làm nòng cốt, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội các vùng biển đảo…

Phát biểu tiếp thu, giải trình, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang cũng nhấn mạnh, đất nước của chúng ta là đất nước làm giàu từ biển nên công nghiệp quốc phòng không phải chỉ có lục địa. Chúng ta cũng sản xuất tất cả các loại vũ khí trang bị bảo đảm cho bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Ví dụ, chúng ta đóng tàu cho cả thế giới, tàu chiến đấu chứ không phải chỉ có mỗi tàu đánh cá. Các dây chuyền sản xuất, kể cả sản xuất các loại vũ khí chiến lược bắn ở các cự ly khác nhau, các loại mục tiêu khác nhau, không chỉ trên đất liền, không chỉ trên không và cả trên mặt nước.

Về các cơ chế, chính sách đặc thù, Bộ trưởng Phan Văn Giang mong muốn, với chính sách hoạt động khoa học công nghệ, dự thảo Luật sẽ giao cho Chính phủ sau đó có nghị định cụ thể. Với chính sách thu hút, trọng dụng nhân lực chất lượng cao, trọng dụng nhân tài, phải có chính sách lương, thưởng, nhà ở, thẩm quyền để giao cho nhiệm vụ khoa học; khen thưởng, ghi nhận, phong tặng các chức danh khoa học, các chính sách hậu phương quân đội khi đây là việc khó, việc rủi ro cao.

Về bảo đảm chính sách nguồn vốn cho phát triển công nghiệp quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nhấn mạnh, ngân sách nhà nước là chủ đạo. Trên cơ sở phát huy nguồn ngân sách mà trong dự thảo Luật đề xuất thêm một số loại để huy động tất cả sức người, sức của cho nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, toàn vẹn lãnh thổ...

Đọc thêm