Điều này cho thấy, cuộc sống luôn thay đổi và việc đề xuất, bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh rất sát với thực tiễn. Tại Phiên họp thứ 26 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, theo Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long, có hai nguyên nhân của tình trạng này là do tình hình kinh tế - xã hội thay đổi nhanh chóng; và khả năng dự đoán, nắm bắt trước tình hình có hạn, trong một số trường hợp, khả năng nhận biết còn lúng túng.
Xưa nay, nếu văn bản pháp luật chồng chéo, mâu thuẫn; còn tình trạng “nợ” văn bản hướng dẫn chi tiết; sẽ gây nhiều khó khăn cho người dân, DN và cả các cơ quan nhà nước trong quá trình áp dụng pháp luật. Cá biệt có một số trường hợp nghị quyết của Quốc hội được thông qua nhằm đáp ứng yêu cầu cấp bách của thực tiễn, nhưng văn bản quy định chi tiết lại ban hành chậm; làm giảm ý nghĩa, hiệu lực, hiệu quả của các giải pháp đã được Quốc hội quyết định.
Những tồn tại, hạn chế có nhiều nguyên nhân, cả khách quan và chủ quan. Một trong số các nguyên nhân là do người đứng đầu một số Bộ, ngành, địa phương chưa phát huy đầy đủ trách nhiệm, chưa dành sự quan tâm thỏa đáng đến công tác xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thi hành quy định pháp luật trong lĩnh vực, địa bàn thuộc phạm vi phụ trách. Trong thực tế, việc xác định, xử lý trách nhiệm của tổ chức, cá nhân để xảy ra tình trạng chậm, nợ ban hành văn bản quy định chi tiết luật, nghị quyết, ban hành văn bản có nội dung không phù hợp... cũng còn chưa được thực sự kịp thời.
Một số ý kiến cho rằng, để khắc phục tình trạng trên, các “tư lệnh” ngành phải quan tâm hơn nữa, thậm chí cần trực tiếp phụ trách công tác pháp chế. Một vấn đề nữa, là cần tăng cường chất lượng nguồn nhân lực trong xây dựng pháp luật.