Những đặc trưng cơ bản của Nhà nước pháp quyền XHCN
Khái niệm “Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa” lần đầu tiên được nêu ra tại Hội nghị lần thứ hai Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII (tháng 11/1991) và tiếp tục được khẳng định tại Hội nghị toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII của Đảng (năm 1994) cũng như trong các văn kiện khác của Đảng và Nhà nước. Tại Hiến pháp năm 2013, bản chất và đặc điểm của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa (XHCN) ở nước ta đã được thể chế hóa rõ hơn, xuất phát từ bản chất là Nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. Do vậy, những nét đặc trưng cơ bản của Nhà nước pháp quyền ở Việt Nam theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 được biểu thị như sau:
Thứ nhất, Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam do Ðảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Đặc trưng này có cơ sở pháp lý được hiến định tại Điều 4 Hiến pháp năm 2013, thể hiện tính đặc thù của Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, phù hợp với hệ thống chính trị của Việt Nam khi Nhà nước được tổ chức và hoạt động dưới sự lãnh đạo của một Đảng duy nhất cầm quyền.
Thứ hai, Nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. Thứ ba, quyền con người, quyền công dân được công nhận, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ theo Hiến pháp và pháp luật. Thứ tư, Nhà nước được tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật, quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật. Thứ năm, quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ và kiểm soát hiệu quả giữa các cơ quan nhà nước trong thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Trong Nghị quyết số 27-NQ/TW, ngoài việc tiếp tục khẳng định cơ chế phân công, phối hợp của ba nhánh quyền, Đảng ta còn muốn tập trung nhấn mạnh cơ chế “kiểm soát hiệu quả” trong thực thi quyền lực nhà nước cần được tăng cường hơn nữa, cũng như cần phát huy hơn nữa ý thức, trách nhiệm của toàn thể Nhân dân trong kiểm soát hoạt động của các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức nhà nước.
Thứ sáu, hệ thống pháp luật dân chủ, công bằng, nhân đạo, đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, kịp thời, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, dễ tiếp cận, được thực hiện nghiêm minh và nhất quán. Thứ bảy, tôn trọng và bảo đảm thực hiện các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam là thành viên, bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế. Đây cũng là một đặc trưng mới được đề cập khi bàn về Nhà nước pháp quyền XHCN. Nghị quyết số 27-NQ/TW cũng là văn bản đầu tiên ghi nhận và xác định đặc trưng này thuộc về Nhà nước pháp quyền XHCN, xuất phát từ việc cụ thể hóa quan điểm của Đại hội lần thứ XIII của Đảng: “Bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi”.
Một số đề xuất, kiến nghị
TS Bùi Xuân Việt. |
Trong bối cảnh hiện nay, việc phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN của nước ta đã đặt ra những vấn đề lý luận và thực tiễn cần giải quyết trong quá trình hoàn thiện pháp luật kinh tế. Do đó, thời gian tới, nhằm hoàn thiện xây dựng pháp luật kinh tế trong bối cảnh hội nhập quốc tế, cần chú trọng một số nội dung sau:
Thứ nhất, tiếp tục thể chế hóa những mục tiêu về định hướng XHCN của nền kinh tế thị trường vào thể chế, chính sách pháp luật nhà nước. Cùng với đó, giải quyết hài hòa giữa vai trò điều tiết của Nhà nước trong bảo đảm tính định hướng XHCN với sự vận động theo quy luật kinh tế khách quan của thị trường. Đây là một trong những mối quan hệ giữa Nhà nước và thị trường rất cần sự mềm dẻo, linh hoạt và am hiểu thị trường mới có thể điều tiết nền kinh tế cho hợp quy luật.
Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII xác định: Nhà nước ban hành luật pháp, cơ chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, các tiêu chuẩn, định mức, xây dựng và hoàn thiện thể chế, tạo ra khung khổ pháp luật cho sự hình thành, hoạt động và định hướng cho hoạt động của các thị trường, các tổ chức xã hội. Đồng thời, Nhà nước sử dụng các lực lượng kinh tế của mình tham gia vào thị trường và bằng công tác tuyên truyền, vận động, thanh tra, kiểm tra việc tuân thủ pháp luật của các chủ thể kinh tế, các tổ chức xã hội để tác động, định hướng, điều chỉnh hoạt động của thị trường và các tổ chức xã hội. Song, mặt khác, ở chiều ngược lại, Nhà nước theo dõi tình hình thị trường, những biến động của giá cả, cung - cầu, đầu tư, hoạt động của doanh nghiệp trên thị trường và lắng nghe ý kiến góp ý, phản ánh, phản biện của Nhân dân, các tổ chức xã hội đối với luật pháp, chính sách, quy hoạch, kế hoạch của Nhà nước để nắm bắt đúng nhu cầu của xã hội, đúng thực trạng của nền kinh tế, nhất là những khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ.
Đây là những cơ sở để Nhà nước điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện thể chế luật pháp, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển đất nước nhanh, bền vững. Đồng thời, việc phân bổ các nguồn lực kinh tế của Nhà nước (đất đai, tài nguyên, nguồn vốn, tài sản của Nhà nước) và hoạt động của doanh nghiệp nhà nước phải được thực hiện theo cơ chế thị trường, có sự giám sát của Nhân dân, các tổ chức xã hội. Việc phân bổ nguồn lực kinh tế của Nhà nước phải thông qua đấu thầu cạnh tranh, công khai, minh bạch, các doanh nghiệp nhà nước phải cạnh tranh bình đẳng với doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác. Thị trường đóng vai trò quyết định trong xác định giá cả hàng hóa, dịch vụ. Chỉ trừ một số hàng hóa đặc biệt thuộc lĩnh vực độc quyền nhà nước, giá cả do Nhà nước quyết định, đối với tuyệt đại bộ phận hàng hóa, dịch vụ cho sản xuất và tiêu dùng xã hội, giá cả là do các quan hệ cung - cầu, cạnh tranh, chi phí sản xuất, các quan hệ kinh tế trên thị trường quyết định hết sức linh hoạt.
Thứ hai, tiếp tục cải cách và đổi mới thể chế để tạo động lực phát triển, phấn đấu đến năm 2025 cơ bản hoàn thiện đồng bộ hệ thống thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN theo các tiêu chuẩn phổ biến của nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế, sớm được công nhận là nền kinh tế thị trường. Trong thời gian tới, cần thúc đẩy những yếu tố có khả năng tạo ra giá trị gia tăng lớn của sản xuất như: Công nghệ đổi mới sáng tạo, tri thức, khoa học và công nghệ, kinh tế công nghệ, nông nghiệp công nghiệp và quản lý tiên tiến…
Thứ ba, khẩn trương khắc phục những điểm tồn tại trong công tác xây dựng pháp luật kinh tế tồn tại trong nhiều năm qua như: ban hành hướng dẫn thi hành pháp luật kinh tế vẫn còn chậm; tình trạng sửa đổi, bổ sung luật quá nhiều lần hoặc một nội dung mà quá nhiều luật điều chỉnh, hạn chế những điểm chồng chéo khi thực thi chính sách mà có quá nhiều hướng dẫn khiến doanh nghiệp khó nắm bắt và áp dụng; nâng cao chất lượng ban hành chính sách pháp luật kinh tế đáp ứng được yêu cầu quản lý của Nhà nước pháp quyền…
Thứ tư, phát huy hiệu quả những chính sách của Nhà nước trong điều hành chính sách vĩ mô và phối hợp giải quyết các vấn đề quốc tế. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, để bảo đảm đổi mới thành công, cần phải có hệ thống luật pháp đổi mới đáp ứng được thực tiễn đất nước, do vậy cần tuyển chọn những nhà hoạch định và làm chính sách tốt, có cơ chế thoả đáng tương xứng, xoá bỏ những rào cản không hợp lý để tạo điều kiện tốt nhất trong việc vận hành và tổ chức thực hiện, được tổ chức hợp lý, thực hành dân chủ, có khả năng huy động và quản lý mọi nguồn lực của đất nước.
Nước ta hiện đang đứng trước những thách thức rất lớn của yêu cầu tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững; khắc phục mặt trái của kinh tế thị trường; phát triển kinh tế đi đôi với bảo đảm công bằng xã hội. Do vậy, cùng với việc tăng cường ban hành luật, cần phải tiếp tục xây dựng Nhà nước trong sạch, ổn định chính trị, công chức chuyên nghiệp, vững mạnh tinh thông về nghiệp vụ để bảo đảm cho pháp luật được thực thi một cách nghiêm túc.
Thứ năm, nâng cao chất lượng công tác dự báo, nghiên cứu lý luận phục vụ việc xây dựng và hoạch định chính sách và pháp luật đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Hạn chế tình trạng nhiều quy định trong hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách và quản lý, điều hành chưa tuân thủ đầy đủ quy luật của kinh tế thị trường, nhất là trong phân bổ nguồn lực, quản lý giá hàng hóa, dịch vụ công thiết yếu và chưa bảo đảm cạnh tranh bình đẳng…
Thứ sáu, trong hoạt động xây dựng pháp luật, đặc biệt là pháp luật kinh tế, cần nghiên cứu, tiếp thu các quy định trong pháp luật của các nước, vì những vấn đề mà Việt Nam đang tiếp cận đã từng được cộng đồng quốc tế nghiên cứu, giải quyết bằng pháp luật một cách thỏa đáng và khoa học. Đẩy nhanh tiến trình đào tạo hoặc cử người đi nghiên cứu và đào tạo luật tại các nước có trình độ phát triển, góp phần làm cho pháp luật Việt Nam trở nên tương thích hơn với pháp luật của các nước trên thế giới. Nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác xây dựng pháp luật và tổ chức thực hiện pháp luật.