Chú trọng rà soát văn kiện pháp lý để giảm thiểu tranh chấp đầu tư quốc tế

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Xu thế gia tăng các tranh chấp đầu tư quốc tế được khởi kiện ghi nhận trên thế giới trong năm 2021 cho thấy sự cần thiết phải rà soát kỹ lưỡng khi ký kết các hiệp định bảo hộ đầu tư, các hợp đồng hay thỏa thuận giữa nhà nước và nhà đầu tư nước ngoài đối với những nước tiếp nhận đầu tư nước ngoài nhiều như Việt Nam.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Kỷ lục số vụ kiện trọng tài mới ghi nhận

Trong thời gian qua, tranh chấp đầu tư quốc tế ngày càng trở nên phổ biến. Để giải quyết những tranh chấp này, trên thế giới có nhiều cơ chế khác nhau, bao gồm từ hòa giải, trọng tài và cơ quan tài phán trong nước cho tới các thiết chế quốc tế. Trong đó, Trung tâm Giải quyết Tranh chấp Đầu tư Quốc tế (ICSID) có vai trò nổi bật, cung cấp một cơ chế để hòa giải và xét xử các tranh chấp đầu tư quốc tế. ICSID được thành lập theo Công ước về Giải quyết Tranh chấp Đầu tư giữa các Quốc gia và công dân của các Quốc gia khác (Công ước ICSID) - một điều ước quốc tế có hiệu lực vào năm 1966 và ngày nay đã được 156 nước ký kết và phê chuẩn.

Ngày 7/2 vừa qua, ICSID đã công bố thống kê các vụ việc tranh chấp đầu tư quốc tế được Trung tâm này giải quyết trong năm 2021, cũng như tổng quan về các xu hướng liên quan đến các vụ việc của ICSID từ năm 1972. Thống kê cho thấy có sự gia tăng mạnh việc sử dụng các quy tắc và dịch vụ giải quyết tranh chấp của ICSID, và sự đa dạng hóa nhóm các trọng tài viên được chỉ định trong các vụ việc của ICSID.

Theo đó, ICSID đã ghi nhận kỷ lục 66 vụ kiện trọng tài mới trong năm 2021 theo Công ước ICSID, vượt kỷ lục 58 vụ kiện mới của năm 2020. Trong khi các quy tắc trọng tài của Công ước ICSID vẫn tiếp tục là phương thức phổ biến nhất để giải quyết các tranh chấp đầu tư quốc tế thì ICSID cũng quản lý nhiều vụ việc theo các quy tắc tố tụng khác. Trong năm 2021, 20 vụ việc được quản lý theo quy tắc trọng tài “không phải của ICSID”, bao gồm 14 vụ việc áp dụng quy tắc trọng tài của Ủy ban Liên hợp quốc về Luật Thương mại Quốc tế (UNCITRAL).

Về cơ sở pháp lý khởi kiện, phần lớn các vụ kiện mới lập luận quyền tài phán của ICSID trên cơ sở hiệp ước đầu tư song phương (58%), tiếp theo là dựa vào hợp đồng giữa nhà đầu tư và nước chủ nhà (10%), và Hiến chương Năng lượng (8%).

Ngoài ra, nhiều hiệp định thương mại và đầu tư song phương và khu vực cũng đã được viện dẫn, bao gồm Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ và Hiệp định Hoa Kỳ - Mexico -Canada (6% mỗi Hiệp định); Hiệp định Xúc tiến Thương mại Hoa Kỳ-Peru và Hiệp định Xúc tiến Thương mại Hoa Kỳ-Panama (2% mỗi Hiệp định); Hiệp định Thương mại Tự do giữa Colombia với El Salvador, Guatemala và Honduras; Hiệp định Thương mại Tự do Cộng hòa Dominica - Trung Mỹ; Hiệp định Thương mại Tự do Chile -Colombia; Hiệp định Thương mại Tự do Trung Mỹ - Panama; và Hiệp định Đầu tư ASEAN - Trung Quốc (mỗi Hiệp định chiếm 1% tổng sốvụ kiện mới). Cũng theo thống kê, 3% vụ kiện được khởi kiện trên cơ sở các luật đầu tư trong nước.

Về phân bố khu vực địa lý phát sinh tranh chấp, tương tự như những năm trước, tất cả các khu vực trên thế giới đều có các quốc gia tham gia vào những vụ kiện mới. Tỷ lệ lớn nhất trong năm 2021 là các quốc gia ở Đông Âu, Trung Á và Nam Mỹ - với mỗi khu vực chiếm 23% số vụ việc mới. Các nước ở Châu Phi cận Sahara chiếm 15% số vụ việc mới; trong khi Trung Mỹ và Caribe, Bắc Mỹ và Trung Đông/Bắc Phi, mỗi khu vực chiếm 9% số vụ việc mới. 8% các vụ việc liên quan đến các quốc gia ở Tây Âu và 4% các quốc gia ở khu vực Nam và Đông Á/Thái Bình Dương.

Các lĩnh vực bị khiếu kiện cũng khá đa dạng. Thời gian qua, các lĩnh vực khai khoáng và năng lượng chiếm tỷ lệ lớn nhất trong số các vụ kiện, và xu hướng này tiếp tục diễn ra vào năm 2021 khi 29% các vụ kiện mới liên quan đến ngành dầu khí và khai thác, 18% liên quan đến năng lượng điện và các nguồn năng lượng khác.

Tiếp đó là lĩnh vực xây dựng, chiếm 16,5% số vụ tranh chấp. Theo sau là các tranh chấp liên quan đến lĩnh vực thông tin và truyền thông (11%); giao thông vận tải (7,5%); tài chính và du lịch (3% mỗi ngành); dịch vụ và thương mại (3%); nước, vệ sinh và chống ngập lụt (3%);nông nghiệp, đánh bắt và lâm nghiệp (2%). Các ngành khác chiếm 4% số vụ việc còn lại được ghi nhận vào năm 2021.

Chú trọng rà soát các văn kiện pháp lý

Về kết quả giải quyết các vụ kiện, cơ bản bức tranh kết quả thắng-thua trong giải quyết các vụ kiện tại ICSID tương đối cân bằng giữa các quốc gia bị kiện và các nhà đầu tư đi kiện. Trong năm 2021, xu hướng này tiếp tục được khẳng định. Trong số các vụ kiện trọng tài của ICSID khép lại trong năm 2021, 31% các phán quyết đã chấp thuận một phần hoặc toàn bộ các yêu cầu của nhà đầu tư, 18% các phán quyết từ chối tất cả các yêu cầu của nhà đầu tư về giá trị và 15% phán quyết từ chối thẩm quyền xét xử.

Ngoài ra, 22% các vụ kiện bị đình chỉ theo yêu cầu của cả hai bên, 7% bị đình chỉ do không thanh toán các khoản tạm ứng phí cần thiết và 4% bị đình chỉ theo yêu cầu của một bên. Cũng theo thống kê 1,5% các vụ kiện được kết thúc với kết quả hòa giải được đưa vào trong phán quyết trọng tài và 1,5% chấm dứt do các bên không thúc đẩy tố tụng.

Về đội ngũ trọng tài viên được chỉ định, phụ nữ chiếm 27% tổng số trường hợp chỉ định trong năm 2021, tăng so với 23% chỉ định trong năm 2020 và 19% vào năm 2019. Công dân từ hơn 40 quốc tịch khác nhau đã được chỉ định làm các trọng tài viên, hòa giải viên và các thành viên ủy ban đặc biệt được chỉ định vào năm ngoái.

Kết quả giải quyết các vụ kiện tại Trung tâm ICSID năm 2021 cho thấy, một quốc gia chỉ cần thua 50% số lượng vụ việc bị kiện,con số bồi thường thiệt hại đã là không nhỏ, nhất là các vụ kiện đầu tư quốc tế liên quan tới các dự án trong các lĩnh vực nêu trên đều yêu cầu vốn đầu tư rất lớn. Thêm vào đó, thực tiễn cho thấy nhà đầu tư luôn yêu cầu bồi thường thiệt hại con số lớn hơn rất nhiều vốn thực tế đầu tư khi pháp luật đầu tư quốc tế cho phép yêu cầu bồi thường thiệt hại nhiều chi phí và lợi ích khác nhau.

Từ dữ liệu thống kê các tranh chấp đầu tư quốc tế của Trung tâm ICSID – tổ chức giải quyết nhiều nhất các tranh chấp loại này trên thế giới, có thể thấy xu thế gia tăng các tranh chấp đầu tư quốc tế mới được khởi kiện. Đây cũng là một vấn đề mà những nước tiếp nhận đầu tư nước ngoài nhiều như Việt Nam cần chú ý.

Các cơ sở pháp lý được nhà đầu tư khởi kiện hầu hết dựa vào các hiệp định bảo hộ đầu tư, các hiệp định thương mại có quy định về bảo hộ đầu tư và các hợp đồng hay thỏa thuận giữa nhà nước và nhà đầu tư nước ngoài. Đây cũng là những văn kiện pháp lý mà Việt Nam ký kết nhiều trong thời gian qua. Điều này cho thấy sự cần thiết phải có rà soát và thận trọng hơn khi ký kết các văn bản này để giảm thiểu tranh chấp; đặc biệt là trong bối cảnh những lĩnh vực kinh tế có nhiều vụ kiện đầu tư quốc tế tại ICSID như dầu khí, năng lượng, khai khoáng, xây dựng… đều là những lĩnh vực Việt Nam thu hút nhiều đầu tư nước ngoài, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh tranh chấp trong các lĩnh vực này.

Đọc thêm