Chủ trương bỏ cấp phép ca khúc trước năm 1975: Nghệ sĩ nói gì?

(PLVN) - Các nghệ sĩ cho biết, khi sử dụng các ca khúc này thì các ca sĩ cũng phải cân nhắc, lựa chọn phù hợp. Không nên chọn các ca khúc quá nặng nề, đụng chạm, sẽ rất không hay trong khi cơ quan quản lý đã rất cởi mở…
Ca sĩ Quang Lê
Ca sĩ Quang Lê

Ghi nhận sự thay đổi 

Vừa qua, Chính phủ đã chấp thuận chủ trương sửa đổi Nghị định 79/2012 (quy định về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu; lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu) và Nghị định 15/2016 (sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 79/2012), trong đó có chủ trương bỏ cấp phép ca khúc trước 1975. Hiện Cục Nghệ thuật biểu diễn (NTBD, Bộ VHTT&DL) đã thành lập tổ biên tập, ban soạn thảo Nghị định, tiếp nhận các ý kiến góp ý của cộng đồng để cụ thể hoá các chính sách, dự kiến tháng 9/2019 sẽ hoàn thành. 

Trước sự kiện trên, ca sĩ Quang Lê cho biết cảm thấy rất hân hoan: “Lâu nay, ca khúc trước 1975 vấn là một vấn đề khá “nhạy cảm”. Quang Lê còn nhớ mãi một trong những live show đầu tiên của mình khi về Việt Nam, có một bài hát nói về tình yêu là “Không phải tại chúng mình”, nhưng đến phút cuối vẫn không được cấp phép. Do đó, dù rất thích, Quang Lê phải bỏ qua”. 

Theo ca sĩ Quang Lê, giờ đây, nếu dự thảo được ban hành, có lẽ không chỉ ca sĩ hải ngoại mà ca sĩ trong nước, rồi các bầu show, nhà sản xuất game show sẽ có thể được sử dụng những bài hát mà trước nay không được cấp phép. Thời gian qua, số bài được cấp phép không quá nhiều,  đặc biệt là dòng nhạc bolero chỉ có vài bài để hát đi hát lại, không tránh khỏi nhàm chán. Giờ đây, cánh cửa âm nhạc đã được rộng mở, đó là tín hiệu cho nhiều điều tốt hơn.

Cùng quan điểm, ca sĩ Thu Hằng, quán quân chương trình Tình bolero, cho biết rất vui vì sẽ có thêm nhiều ca khúc nữa để thể hiện. Phát biểu trên báo chí, ca sĩ Lệ Quyên bày tỏ rằng không mong gì hơn là nội dung này được thông qua. Việc phải xin cấp phép từng ca khúc sẽ ngốn nhiều thời gian của ca sĩ, nhà sản xuất. Như trường hợp của chính Lệ Quyên vừa qua, với album Khúc tình xưa 5, Lệ Quyên rất thích ca khúc “Ngày sau sẽ ra sao” của nhạc sĩ Vân Tùng. Nhưng sau 3 tuần chờ đợi, việc xin phép để đưa ca khúc này vào Khúc tình xưa 5 vẫn không thực hiện được, cuối cùng Quyên đành “tạm gác” bài hát mình yêu thích. 

Không phải cứ mở cửa là hát bừa

Dù rất vui trước việc có thể được hát nhiều hơn các ca khúc, tuy nhiên, ca sĩ Quang Lê đề nghị: “Dĩ nhiên, khi cơ quan quản lý đã “thoáng” hơn, rộng đường hơn thì nghệ sĩ cũng nên có trách nhiệm trong việc chọn lựa ca khúc. Họ chỉ nên cất lên tiếng hát về tình yêu quê hương đất nước, những câu chuyện của tháng năm, lịch sử, chứ không phải những ca khúc có tính xuyên tạc, bóp méo...”.

Ca sĩ Thu Hằng cũng nhìn nhận: “Tôi cũng hy vọng, khi sử dụng thoải mái các ca khúc này thì các ca sĩ cũng cân nhắc, lựa chọn phù hợp. Không nên chọn các ca khúc quá nặng nề, đụng chạm, sẽ rất không hay trong khi cơ quan quản lý đã rất cởi mở như thế”. 

Các nghệ sĩ cũng cho rằng, cơ quan quản lý nên có danh sách các bài hát có tính xuyên tạc, sai lệch để nghệ sĩ tránh. Còn các ca khúc không có trong danh sách hạn chế thì nghệ sĩ được thoải mái thể hiện mà không cần qua các thủ tục cấp phép rườm rà.

Về phía cơ quan quản lý, ông Nguyễn Quang Vinh, Cục trưởng Cục NTBD cho biết, việc Cục soạn thảo dự thảo Nghị định mới nhằm mục tiêu cải cách hành chính thông thoáng hơn, tăng quyền quản lý về các địa phương mở rộng hơn hoạt động biểu diễn nghệ thuật, tạo môi trường thông thoáng hơn cho nghệ sĩ định cư tại nước ngoài trở về… Tuy nhiên ông Vinh cũng cho rằng cần có những quy định quản lý cụ thể và phù hợp hơn trong thời gian tới. Cục NTBD sẽ chỉ đưa ra quy định những bài hát có nội dung xuyên tạc lịch sử, bôi nhọ cá nhân hay bôi nhọ tổ chức, đi ngược lại lợi ích quần chúng thì sẽ bị cấm. Cục sẽ không đưa ra một danh sách được phổ biến hay cấm, các sở địa phương sẽ là “cửa kiểm duyệt” việc cho phép phổ biến ca khúc đó hay không?

Ngoài nội dung này, Cục NTBD dự kiến sửa đổi một số quy định về cấp phép trực tiếp cho nghệ sĩ hải ngoại về nước biểu diễn thay vì trước đây chỉ cấp cho đơn vị tổ chức.