Chủ trương đầu tư – “thủ phạm” của lãng phí...

“Lãng phí nhất trong đầu tư công chính là nằm ở chủ trương đầu tư, có những tỉnh làm đường miền núi mà to 60 - 70m. Nếu chủ trương không phù hợp phải lao theo là rất lãng phí”,  Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh nói tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật đầu tư công hôm qua (23/9). Bộ trưởng cũng khẳng định, với dự án luật mới, những tồn tại nói trên sẽ được khắc phục.

“Lãng phí nhất trong đầu tư công chính là nằm ở chủ trương đầu tư, có những tỉnh làm đường miền núi mà to 60 - 70m. Nếu chủ trương không phù hợp phải lao theo là rất lãng phí”,  Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh nói tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật đầu tư công hôm qua (23/9). Bộ trưởng cũng khẳng định, với dự án luật mới, những tồn tại nói trên sẽ được khắc phục.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Thi công vượt quá vốn được giao, áp lực cho Ngân sách nhà nước

Trình dự án Luật đầu tư công, Chính phủ cho rằng, do thiếu hệ thống pháp luật đồng bộ, đặc biệt là việc phân cấp quá rộng lại thiếu các chế tài và biện pháp quản lý giám sát, nên đã phát sinh nhiều tồn tại, hạn chế, như: phê duyệt chủ trương và quyết định đầu tư tràn lan không tính đến khả năng cân đối vốn, bố trí vốn dàn trải; dẫn đến thời gian thi công kéo dài, kế hoạch đầu tư bị cắt khúc ra từng năm, hiệu quả đầu tư kém và lãng phí nguồn lực của Nhà nước.

Tình trạng thi công vượt quá vốn kế hoạch được giao, gây nợ đọng xây dựng cơ bản quá mức, gây áp lực đến cân đối NSNN các cấp. Ngoài việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý đầu tư công , dự án luật cũng hướng tới mục tiêu khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, phân tán hiện nay. Đồng thời, chống thất thoát, lãng phí; bảo đảm tính công khai, minh bạch trong tất cả các khâu của quá trình đầu tư.

Kỳ vọng luật mới sẽ khắc phục hạn chế trong đầu tư công hiện nay nhưng điều khiến Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng hết sức lo lắng đó là việc điều chỉnh dự toán đối với các công trình xảy ra “triền miên”. Khi trúng thầu thì một giá, thanh toán thực tế lại một giá khác, có khi chênh nhau gấp nhiều lần.

“Luật nên quy định trúng thầu và thanh toán là một giá, chỉ một vài trường hợp bất khả kháng mới phải điều chỉnh. Còn những gì do yếu tố con người thì phải chấp nhận, vì các nhà thầu cũng đều mua bảo hiểm rồi, nếu rủi ro đã có bảo hiểm. Vấn đề này phải làm rõ thì Quốc hội mới chấp nhận được” -  Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Phải cấm thay đổi giá thành

Giải trình thêm về dự án luật, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh cho biết thêm, dự luật lấy đấu thầu trọn gói là chính, trong trường hợp trượt giá quá lớn, hay chính sách thay đổi quá lớn thì mới được chuyển hình thức khác không trọn gói để tránh việc phải điều chỉnh giá công trình.

Thất thoát, lãng phí nhất trong đầu tư công chính là nằm ở chủ trương đầu tư, vấn đề này theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: “Thủ tướng Chính phủ cũng bức xúc vì có những tỉnh làm đường miền núi mà to 60 -70m”.

Cũng theo Bộ trưởng, “có tình trạng Chủ tịch tỉnh không biết trong túi mình có bao nhiêu tiền, cứ quyết làm rồi đi xin Trung ương. Trước đây làm cũng không có thẩm định vốn, bây giờ chủ trương phải đảm bảo đến 80% vốn mới cho làm”. Quy định về thẩm định vốn, bổ sung chế tài, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát các chương trình, dự án đầu tư sử dụng nguồn vốn đầu tư công của tất cả các cấp, các ngành... của dự thảo luật, theo Bộ trưởng sẽ khiến “tình hình tốt hơn rất nhiều”.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc K’Sor Phước cũng đề nghị quy định ngay vào trong luật hành vi cấm thay đổi giá thành, thanh toán cao hơn giá ban đầu. Còn theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu thì cần phải phân loại hành vi cấm đối với từng đối tượng cụ thể, vì quy định như dự luật là thiếu rất nhiều.

Một số ý kiến trong UBTVQH bày tỏ băn khoăn về sự đồng bộ giữa Luật này và các Luật khác có liên quan như Luật NSNN, Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu… và tính khả thi của dự án Luật, khi đi vào cuộc sống Luật sẽ giải quyết được những bất cập hiện nay ra sao. Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết, về cơ bản cơ quan soạn thảo đã rà soát kỹ các quy định của các dự án luật khác có liên quan và không vướng mắc gì nhiều,  nhưng Bộ KH&ĐT sẽ tiếp tục rà soát để thống nhất với các dự án Luật liên quan.

Dự án Luật đầu tư công sẽ được trình Quốc hội vào kỳ họp tới đây.

Các hành vi bị cấm trong đầu tư công

Quyết định chủ trương đầu tư; phê duyệt đầu tư các chương trình, dự án sai chủ trương, sai quy hoạch, kế hoạch được duyệt, không đúng thẩm quyền; không đúng trình tự, thủ tục theo quy định.

Lập, thẩm định, quyết định đầu tư các chương trình, dự án khi chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư; không đúng chủ trương đầu tư đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; khi chưa xác định rõ nguồn vốn đầu tư.

Cản trở hoạt động theo dõi, đánh giá, kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm việc thực hiện pháp luật về đầu tư công.

Báo cáo không trung thực, không đầy đủ, không kịp thời về đầu tư công theo chế độ báo cáo quy định. (trích dự thảo Luật đầu tư công).

Thu Hằng

Đọc thêm