Phòng cảnh sát hình sự (PC45 Công an Nghệ An) cho biết, hiện có một nhóm đối tượng lừa đảo giả danh nhân viên viễn thông hoặc công an gọi điện thoại đe dọa người dân, yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng để “chạy” tội.
Theo đơn vị này, chỉ trong 1 tuần qua Phòng PC45 Công an Nghệ An trên địa bàn xảy ra 7 vụ lừa đảo. Thông qua việc mạo danh Tổng đài VNPT nhắc nợ thu cước khách hàng, tiếp đó các đối tượng phạm tội còn giả danh cơ quan pháp luật gọi điện thoại đe dọa người dân có liên quan đến các vụ án đang điều tra rồi yêu cầu họ chuyển tiền vào tài khoản của chúng để chiếm đoạt. Tổng số tiền mà bọn tội phạm chiếm đoạt được trong 7 vụ ước tính lên đến hơn 2 tỷ đồng.
Đơn cử như trường hợp, của ông Nguyễn Văn Đ. (60 tuổi trú tại phường Hưng Dũng, TP.Vinh, Nghệ An) bị những đối tượng lừa đảo nạp vào tài khoản số tiền 200 triệu đồng, may mắn là chưa bị mất tiền.
Cụ thể, khoảng 8h30 ngày 21/8, một số điện thoại lạ gọi đến máy ông Đ. xưng là nhân viên bưu điện thông báo ông đang nợ cước máy cố định số tiền gần 9 triệu đồng. Ông Đ. bất ngờ cho rằng không gọi điện thoại đi nước ngoài nên không thể có số tiền nhiều như thế. Đối tượng lập tức nối máy đến một đối tượng khác bảo đó là cán bộ công an để nói chuyện.
Qua điện thoại, đối tượng chưa gặp mặt cũng xưng là cán bộ công an và nói ông Đ. liên quan đến một đường dây tội phạm ma túy quốc tế, rửa tiền. Người này cảnh báo, để không rơi vào tù tội, đối tượng yêu cầu ông Đ. phải nộp tiền vào một tài khoản ở Hà Nội.
Khoảng 10h ngày 22/8, ông Đ. Cầm theo 200 triệu đồng đến một chi nhánh ngân hàng trên địa bàn để gửi tiền vào số tài khoản mà kẻ lạ mặt cung cấp. May mắn là con trai ông Đ. Biết chuyện, trong khi nhân viên ngân hàng đang làm các thủ tục thì con trai ông Đ. đã có mặt yêu cầu ngừng giao dịch. Số tiền 200 triệu đồng sau đó đã được ngân hàng phong tỏa, gia đình ông Đ. đã trình báo vụ việc với cơ quan công an.
Với phương thức thủ đoạn đánh vào tâm lý của người dân,nạn nhân mà bọn tội phạm nhắm tới thường là những người không hiểu biết về công nghệ, đặc biệt là những người già ở nhà, có điều kiện kinh tế, có tài khoản gửi tiết kiệm trong ngân hàng.
Đối tượng lừa đảo thường giả danh công an, nhân viên viễn thông, thông báo cho nạn nhân đang nợ cước điện thoại và bị công ty viễn thông chuyển hồ sơ sang công an để điều tra, đồng thời cho biết công an đang xác minh nạn nhân có liên quan đến đường dây ma túy, buôn lậu hoặc tổ chức của bọn tội phạm...
Sau khi làm nạn nhân mất tinh thần, đối tượng yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản của chúng “để xác minh” rồi sau đó chiếm đoạt toàn bộ số tiền của nạn nhân. Các cuộc gọi lừa đảo thường xuất phát từ tổng đài nước ngoài gọi về Việt Nam qua giao thức kết nối Internet (VoIP) để giả đầu các số giống số của cơ quan Công an như +000113,+84000113... làm cho cho bị hại tin là Công an gọi cho họ thật. Việc sử dụng các đầu số như trên cũng làm cho việc xác minh, điều tra của các cơ quan chức năng rất khó khăn và mất thời gian.
Các nhóm đối tượng còn sử dụngmột số phương thức như: thông báo về việc bắt cóc thân nhân và yêu cầu chuyển tiền cho chúng qua tài khoản ngân hàng, nếu không sẽ xâm hại tính mạng; sử dụng đầu số lạ, số di động (sim rác), hoặc giả mạo số tổng đài, sau đó cài đặt nội dung nhắc nợ cước tự động để gọi vào số điện thoại cố định của nạn nhân, yêu cầu nạn nhân thực hiện theo hướng dẫn của chúng để trộm tiền cước...
Để phát hiện, phòng ngừa, đấu tranh với loại tội phạm trên, Phòng PC45 Nghệ An hướng dẫn người dân khi nhận được các cuộc gọi lạ, có dấu hiệu nghi vấn, người dân phải bình tĩnh, không làm theo yêu cầu hoặc làm theo dẫn dụ bấm các phím số trên máy điện thoại. Đặc biệt là không chuyển tiền vào các tài khoản theo yêu cầu của người lạ; Cảnh giác khi nhận được cuộc gọi lạ, đặc biệt người xưng là nhân viên viễn thông, cán bộ cơ quan pháp luật. Không nên cung cấp tài khoản, thẻ tín dụng cho người khác, vì dễ dàng tiếp tay cho băng nhóm lừa đảo công nghệ cao...;
Thông báo ngay cho cơ quan công an khi có sự nghi ngờ để cùng phối hợp giải quyết. Không nên tự mình xử lý vì sẽ dễ sập bẫy kịch bản lừa đảo của tội phạm…