Chưa có cơ sở đánh thuế 45% cho tài sản không giải trình được nguồn gốc

(PLO) - Tiếp tục Phiên họp thứ 25, hôm qua (13/7), Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến một số vấn đề lớn của dự án Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi). Thảo luận dự án luật, UBTVQH cho rằng: Chưa có cơ sở đánh thuế 45% cho tài sản không giải trình được nguồn gốc.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho ý kiến tại phiên họp

2 phương án xử lý

Trình bày báo cáo tại phiên thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội  Lê Thị Nga cho biết, về vấn đề xử lý tài sản thu nhập mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc (Điều 59) là vấn đề còn rất nhiều quan điểm khác nhau. Theo bà Nga, sau khi tổng hợp các ý kiến của các ĐBQH và phân tích ưu và nhược điểm của từng phương án, Uỷ ban Tư pháp và cơ quan trình dự án luật cho rằng phương án xử phạt hành chính có nhiều yếu tố bất hợp lý nên đề nghị không lựa chọn. 

Đối với các phương án còn lại, Uỷ ban Tư pháp và cơ quan trình dự án thống nhất chọn phương án thu thuế thu nhập cá nhân vì là phương án có nhiều yếu tố hợp lý, đáp ứng được các yêu cầu về phòng chống tham nhũng, phù hợp với điều kiện của Việt Nam hiện nay và có tính khả thi nhất. Theo đó, ngoài các quy định về xử lý đối với tài sản, thu nhập có dấu hiệu do phạm tội, do vi phạm pháp luật mà có thì đối với tài sản, thu nhập mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc và cơ quan có thẩm quyền cũng chưa chứng minh được do phạm tội, vi phạm pháp luật mà có thì: Phương án 1: Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập chuyển vụ việc sang cơ quan quản lý thuế có thẩm quyền để thu thuế thu nhập cá nhân; đồng thời sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân để bổ sung thu nhập chịu thuế và thuế suất. Phương án 2: Chuyển vụ việc sang cơ quan quản lý thuế có thẩm quyền để phân loại, tài sản, thu nhập nào chứng minh được thuộc diện chịu thuế thì yêu cầu nộp thuế; các tài sản, thu nhập khác vẫn thuộc về người có nghĩa vụ kê khai.

Về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định lại không đồng tình với quy định về mức thuế suất 45% áp dụng đối với tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc. Theo ông Định: “Vấn đề thuế, pháp luật về thuế là đánh thuế lũy tiến. Thấp thì đánh thấp, cao thì đánh cao. Có 1 nghìn mà đánh 45% thì mất 450 đồng. Nhưng 10 triệu thì không thể đánh thuế suất như thế được. Nếu tài sản đó không phải là tiền mà là tài sản thì là thuế tài sản. Bởi thế 45% không có cơ sở, đề nghị không nên có quy định và không nên dùng luật này để sửa luật thuế mà thuế phải theo áp dụng về thuế. Đồng ý đánh thuế nhưng không sửa luật Thuế trong Luật Phòng chống tham nhũng”.

Cho ý kiến về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng: Mặc dù Dự án Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi) đã được chuẩn bị công phu và qua 2 kỳ họp Quốc hội. Tuy nhiên, về xử lý tài sản, thu nhập mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc quy định như trong dự thảo chưa thuyết phục cả về cơ sở pháp lý và thực tiễn; việc đánh thuế 45% đối với tài sản không giải trình được hợp lý về nguồn gốc cũng chưa có cơ sở thuyết phục. “Phải thật sự thuyết phục, có lý lẽ chứ không thể nói tài sản vãng lai, thu nhập vãng lai được”, Chủ tịch Quốc hội đề nghị.

Băn khoăn về thẩm quyền kiểm soát tài sản, thu nhập

Liên quan đến vấn đề thẩm quyền kiểm soát tài sản, thu nhập (Điều 32), bà Lê Thị Nga cho biết, nhiều ý kiến ĐBQH tán thành với phương án giao cho Thanh tra Chính phủ, Thanh tra các bộ, ngành, Thanh tra cấp tỉnh kiểm soát tài sản, thu nhập của những người thuộc diện kê khai công tác tại các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và chính quyền địa phương; các cơ quan khác và tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội chịu trách nhiệm kiểm soát tài sản, thu nhập của người thuộc diện kê khai công tác trong cơ quan, tổ chức mình.

Tuy nhiên, một số thành viên UBTVQH bày tỏ băn khoăn về thẩm quyền kiểm soát tài sản, thu nhập, khi giao cho Thanh tra Chính phủ, Thanh tra các bộ, ngành, Thanh tra cấp tỉnh kiểm soát tài sản, thu nhập của những người thuộc diện kê khai công tác tại các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và chính quyền địa phương thực sự có hiệu quả hay không(?). Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng: “Kiểm soát thu nhập thế nào Đối tượng thanh tra là ai và ai là người kiểm soát thanh tra?  Ai là người kiểm soát thu nhập lãnh đạo Bộ Chính trị, Ban Bí thư? Các đại biểu Quốc hội thì có Ban Công tác đại biểu kiểm soát, còn lãnh đạo thuộc cấp Bí thư trở lên thì ai là người kiểm soát. Ở đây quy định chưa rõ”.

Đồng quan điểm, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho rằng, cần lưu ý việc giao cho cơ quan thanh tra kiểm soát tài sản thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức rồi thì ai sẽ là người kiểm soát tài sản của các cơ quan thanh tra này. Đặc biệt, kiểm soát theo hệ số lương có thể kiểm soát được các Phó Tổng Thanh tra nhưng riêng Tổng Thanh tra Chính phủ không có một cơ quan nào kiểm soát được. “Vấn đề này tôi cũng đã phát biểu tại kỳ họp trước, đề nghị UBTVQH quan tâm”, bà Hải nói. 

Đọc thêm